Sơn Vĩ là xã xa nhất và cao nhất của huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Từ trên cao nhìn xuống, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn bám vào sườn núi, dòng Nho Quế mát xanh bé như nét vẽ mỏng manh uốn lượn trên tấm thảm màu xanh xám của núi rừng. Giữa cảnh quan sơn thủy ấy, những ngôi trường "cắm bản" trên lưng núi lại mang dáng vẻ xơ xác, xiêu vẹo đến nỗi bất cứ ai nhìn thấy cũng không khỏi gai lòng.
Đường gieo chữ
Để đến được Sơn Vĩ là cả một hành trình chinh phục đèo, núi và mây. Những con đường như dựng đứng lên trời, có lúc lại chúi như lao xuống lòng vực sâu đã trở thành nỗi ám ảnh ngay cả với những cư dân bản địa nơi đây.
|
Cô giáo Nông Thị Ngân trong gian buồng vừa làm nơi ở, vừa là nhà bếp, vừa là lớp học mầm non. |
Cô giáo Nông Thị Ngân, điểm Trường Lẻo Chá Phìn B, chia sẻ: "Địa bàn rừng núi, từ bản ra đến trung tâm xã mất nửa ngày đi bộ nên các em không thể đi học được, nhà trường phải xây dựng các điểm trường "cắm bản" để các em được đi học. Cũng vì vậy mà các em phải học trong những gian nhà tạm, tranh tre nứa lá. Giáo viên cũng phải ở lại trường".
Các em học sinh tại điểm trường Séo Hồ, điểm trường xa nhất, cách trung tâm xã khoảng 15km đường mòn qua núi phải học trong những gian nhà quây tạm bốn vách bằng tre, lá. Trước đây, lớp học này là một lán để xe có mái che . Khi số học sinh trong bản tăng lên, trường chỉ có 3 phòng học là 3 gian nhà gỗ vốn đã xiêu vẹo và không đủ cho việc dạy học ở cả 5 khối lớp cấp 1 nên đành phải quây tạm bốn góc khu nhà xe này bằng tre nứa rồi ngăn đôi làm 2 khu cho 1 lớp mầm non và 1 lớp mẫu giáo.
Các em quanh năm ngồi học cùng nắng gió, sương núi và cả cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông vùng cao, nơi lưng trời - đỉnh núi này. Cô giáo Ma Thị Bương - giáo viên lớp nhà trẻ mới về nhận công tác được non năm ngậm ngùi chia sẻ: "Khổ nhất là các em nhỏ, vào những ngày thời tiết khắc nghiệt, chúng em đứng lớp chỉ một lúc mà người như hóa đá, vậy mà các em nhỏ đến lớp còn không đủ quần áo ấm, gió lùa thông thống từ bốn phía chả biết đi đâu mà tránh rét…".
Cô giáo cô đơn
Đến điểm Trường Lẻo Chá Phìn B, hai gian phòng bé xíu nằm chon von nơi con dốc cũng chon von trên con đường mòn vào bản. Lớp học lợp tấm fibro xi măng, bàn ghế tuềnh toàng, vách tường là những tấm phên tre được dán kín nửa phần bên dưới bởi những tờ báo cũ, tranh chữ và cả những tờ báo tường do các cô giáo tự làm để phục vụ việc dạy học.
Bảng đen là một tấm ván ép cong queo, sứt mẻ. Phía đầu hồi là "buồng" cô giáo, cũng là lớp học của khối mầm non. Mùa đông, phòng cô giáo đỡ lạnh hơn một chút bởi phòng ở cũng chính là gian bếp của nhà trường. Có thêm một bếp củi ngay trong phòng, vừa để nấu nướng, vừa để chống đỡ với cái lạnh ở nơi lưng trời sương phủ này. Cũng chính vì vậy mà phòng này được dùng làm lớp mầm non.
Gian phòng ngủ của cô giáo Nông Thị Ngân tối om, chỉ kê vừa đủ chiếc giường đơn. Tài sản của cô giáo chỉ là một chiếc hòm tôn để dưới gầm giường, trên chiếc bàn tre là hai chồng sách vở. Nếu không có một cô giáo trẻ đang ngồi soạn bài bên chiếc bàn con kê trước cửa, chắc chắn tôi không thể nhận ra rằng đây chính là nơi ở của giáo viên.
"Chồng em cũng làm giáo viên ở một trường vùng cao sát biên thuộc xã Đức Hạnh, Bảo Lạc, Cao Bằng. Chỗ em và chồng chỉ cách nhau chừng vài cây số chim bay. Thế nhưng đường không có, muốn đến thăm vợ, chồng em phải đi đường vòng xuống huyện mất gần 200 cây số mới đến đây, toàn những chỗ đường chẳng ra đường anh ạ….".
Cô giáo Nông Thị Ngân
Sững sờ đôi chút vì có khách đến chơi, cô giáo Ngân bỏ bút đứng dậy ra ngoài đón khách với cái bụng bầu tháng thứ 7 nặng nề, luống cuống. Nhìn cái bụng gần đến tháng sinh của cô giáo trẻ mới chừng 25 tuổi, sống một mình lẻ loi nơi rừng núi xa quê, xa chồng, không ai đỡ đần chăm sóc mà chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Muốn ở lại thêm chút thời gian trò chuyện cho cô giáo bớt quạnh quẽ mà thời gian không cho phép nên chúng tôi đành phải chia tay. Đi trên con đường về huyện, trong lòng tôi áy náy, nghèn nghẹn không nguôi.
Cả xã Sơn Vĩ có 155 cán bộ giáo viên đang công tác tại 9 điểm trường cắm bản và 1 trường chính, trong đó có 27 giáo viên mầm non, còn lại là giáo viên tiểu học. Trong đó chỉ có 2 giáo viên trẻ mới tốt nghiệp đại học về nhận công tác là người địa phương, còn lại là giáo viên từ vùng thấp hoặc đồng bằng lên công tác. "Nhiều người lên đây công tác một thời gian rồi lại bỏ về, không phải chỉ vì điều kiện khó khăn mà hầu hết do phải sống xa gia đình, nhất là những giáo viên trẻ và những cô giáo có con nhỏ dưới quê, nhớ con, nhớ gia đình, thiếu thốn tình cảm nên bỏ về xuôi".
Mạc Thị Lâm - cô giáo tiểu học quê Tuyên Quang đã lên công tác tại Sơn Vĩ được 4 năm. Đứa con gái đang học lớp 5 cũng được cô đón lên đây rồi lại đưa vào học tại trường dân tộc nội trú huyện Mèo Vạc vì điều kiện quá khó khăn. Hai năm sau, chồng cô cũng nghỉ việc dưới quê, lên sống cùng vợ ở cái xã vùng biên này để tiện hàng tuần xuống huyện thăm con và cũng là để gần gũi gia đình. Chồng cô không làm nghề giáo nên đành thuê một gian nhà vừa để ở, vừa để mở một cửa hàng ăn ở trung tâm xã.
Cô Lâm chia sẻ: "Các thầy cô giáo ở đây không phải ai cũng có điều kiện để đón chồng con lên ở cùng. Phần vì nơi này khó khăn chả ai muốn đến, đến rồi cũng chả biết làm gì để sống. Chỉ có một số là cả hai cùng làm nghề giáo và cùng lên đây dạy học là vợ chồng được ở gần nhau. Giáo viên trẻ chưa có gia đình, nếu gắn bó ở đây lâu thì chả biết bao giờ mới có gia đình riêng, thế nên chỉ được đôi năm là lại bỏ trường về xuôi thôi anh ạ… Ở đây thiếu thốn tình cảm lắm".
Trên con đường mòn vào điểm bản Chù Sán, điểm trường xa nhất, giáp xã Đức Hạnh, tôi gặp hai người đang đứng ở vệ đường. Dừng lại định để hỏi đường thì mới biết một người là cô giáo ở điểm Trường Chù Sán. Những tảng đá hộc to cỡ bắp đùi trên con đường độc đạo đã bẻ gãy phanh xe nên cả hai đành ngồi chờ thợ từ dưới xã mang đồ lên sửa. Thấy trời xâm xẩm, cô giáo trẻ khuyên tôi nên quay trở lại bởi chặng đường phía trước còn khó đi hơn nhiều.
Hỏi thăm giây lát trước khi quay xe thì được biết người bạn trai cũng làm giáo viên mới từ huyện Yên Minh lên chơi, vì không biết đường nên cô giáo phải xuống đón từ dưới xã. Tuy là hai huyện giáp nhau nhưng cũng phải cả năm mới đến thăm nhau được một lần, đi từ sáng sớm mà xẩm tối mới tới đây, vậy mà con đường trắc trở lại khiến hai người phải dừng lại giữa rừng, không biết đêm đến có kịp về trường hay lại phải ngủ nhờ đâu đó nơi bản làng heo hút này.
Linh Phong
Vui lòng nhập nội dung bình luận.