Băn khoăn tính khả thi
Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Quốc hội Trương Thị Mai: "Việc đưa nhóm lao động có hợp đồng lao động thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng tham gia BHXH bắt buộc là cần thiết nhằm mở rộng đối tượng tham gia BHXH, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động khi không còn khả năng lao động".
Để tránh việc “lách luật” này, đề nghị chỉnh lý, bổ sung với trường hợp sử dụng lao động theo dạng hợp đồng 1 - 3 tháng cho chặt chẽ" - Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi).
Vấn đề này đưa ra đã được rất nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội bày tỏ ý kiến đồng tình. ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, đây là quy định cần thiết, tránh việc người sử dụng lao động lách luật theo kiểu cứ ký hợp đồng ngắn hạn dạng 3 tháng với người lao động, hết hợp đồng lại ký tiếp 3 tháng nhằm trốn tránh nghĩa vụ đóng BHXH. "Để tránh việc “lách luật” này, đề nghị chỉnh lý, bổ sung với trường hợp sử dụng lao động theo dạng hợp đồng 1 - 3 tháng cho chặt chẽ" - ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) góp ý.
ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) thì lại có cách nhìn khác. Theo bà Hiền thì hợp đồng lao động từ 1 - 3 tháng thường là lao động kiểu thời vụ hoặc dạng đang thử việc, công việc của họ bấp bênh, thu nhập thấp, nếu phải trích một phần thu nhập để đóng BHXH thì người lao động sẽ gặp khó khăn.
Cùng chung quan điểm như ĐB Hiền, ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) phân tích thêm, lao động có hợp đồng lao động dài hạn hơn cũng mới chỉ có 70% tham gia BHXH, như vậy với hợp đồng lao động từ 1 - 3 tháng tham gia BHXH bắt buộc là khó khả thi. "Hiện đang có hàng nghìn doanh nghiệp phá sản, rất nhiều doanh nghiệp đang khó khăn, nếu mở rộng đối tượng tham gia BHXH thì doanh nghiệp sẽ thêm khó. Nên để người lao động kiểu thời vụ, ngắn hạn tham gia BHXH tự nguyện là khả thi và có tình có lý hơn" - ĐB Xuân nêu quan điểm.
Lo cho cán bộ không chuyên trách ở xã
Về vấn đề cán bộ không chuyên trách ở xã như phó công an, trưởng các hội- đoàn thể, phó chỉ huy quân sự... tham gia BHXH bắt buộc hay BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ cũng được nhiều ĐB Quốc hội cho ý kiến. Theo bà Trương Thị Mai thì quy định nhóm này tham gia BHXH tự nguyện nhưng cần bổ sung quy định căn cứ đóng BHXH tự nguyện là mức tiền lương cơ sở và nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 10% mức tiền lương đóng BHXH, tỷ lệ cụ thể do Chính phủ quy định nhằm đảm bảo phù hợp với khả năng ngân sách trong từng thời kỳ.
ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) thì lại cho rằng, cần bổ sung cán bộ không chuyên trách cấp xã phải tham gia BHXH bắt buộc. ĐB Phúc phân tích, những công việc của người làm không chuyên trách ở xã nhiều, thời gian làm việc kéo dài cũng không kém hoạt động của công chức xã. ĐB Nguyễn Thị Thu Hằng (Nam Định) cũng đồng tình vì theo bà, lương thấp và không được đóng BHXH bắt buộc khiến cán bộ không chuyên trách ở cấp xã không thể toàn tâm công tác. "Được tham gia BHXH bắt buộc sẽ khuyến khích, thu hút những người trẻ tuổi, được đào tạo về xã để nâng cao chất lượng công việc, phục vụ người dân tốt hơn" - ĐB Hằng bày tỏ.
Theo dự báo của Bộ Tài chính, với khả năng hỗ trợ từ ngân sách khoảng 5.119 tỷ đồng trong vòng 5 năm có thể hỗ trợ thêm cho 240 nghìn người hoạt động không chuyên trách và 3,7 triệu người lao động tham gia BHXH tự nguyện; còn đối tượng tham gia BHXH bắt buộc dự kiến tăng thêm khoảng 9,4 triệu người vào năm 2020.
Sẽ bổ sung tội danh tra tấn vào Bộ luật Hình sự
Sáng 23.10, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã đọc báo cáo trước Quốc hội về phê chuẩn Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Khi tham gia công ước trên, Việt Nam cần bổ sung một số quy định, trong đó tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) theo hướng: bổ sung tội danh tra tấn để phù hợp với định nghĩa tra tấn trong đó có hành vi tra tấn về tinh thần như quy định công ước; sửa đổi, bổ sung quy định về tội dùng nhục hình, tội bức cung ... có thể bị coi là tra tấn; đánh giá thiệt hại về tinh thần để đảm bảo quyền được bồi thường của nạn nhân bị tra tấn, đối xử tàn bạo... theo quy định tại Công ước chống tra tấn.
Lương Kết
Giữ nguyên biên chế công chức
Ngày 23.10, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình vừa có văn bản gửi Quốc hội báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ rà soát, đánh giá số lượng biên chế. Trong báo cáo này, người đứng đầu ngành nội vụ cho biết Bộ đã trình Thủ tướng tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước (không bao gồm biên chế công chức của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế công chức cấp xã) của năm 2015 là 281.714 biên chế. “Số này bằng đúng số biên chế công chức đã được Thủ tướng giao năm 2014” - Bộ trưởng Bình nhấn mạnh.
Về đề án “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức viên chức”, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết việc tuyển dụng mới vào công vụ sẽ giới hạn ở mức không quá 50% số biên chế đã tinh giản. 50% biên chế bị tinh giản còn lại sẽ bổ sung cho đơn vị thành lập mới hoặc có nhiệm vụ mới theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Hải Phong
Vui lòng nhập nội dung bình luận.