Lao động không thích tăng giờ làm

Nguyệt Tạ Thứ năm, ngày 25/04/2019 06:00 AM (GMT+7)
Với chủ sử dụng lao động, làm thêm giờ là phương án tối ưu để tận dụng nguồn lực, tăng năng suất, tăng thu nhập cho lao động. Tuy nhiên lao động không muốn “thêm lương” bằng cách vắt kiệt sức.
Bình luận 0

Phát bệnh vì làm thêm

Một ngày lao động của chị Nguyễn Thị Toán – công nhân của Công ty Giày Hongfu Thanh Hoá bắt đầu từ 7 giờ sáng tới 5 giờ chiều. Đây là thời gian làm việc chính thức. Ngoài thời gian này chị có thể phải làm thêm từ 2-4 giờ nếu vào đợt cao điểm sản xuất hàng để xuất hàng cho đối tác.

img

 Lao động ngành dệt may, da giày là những ngành luôn phải đối mặt với tăng giờ làm them nhiều nhất (Công ty giày da Hongfu Thanh Hóa). Ảnh: Nguyệt Tạ

"Tăng giờ làm thêm nếu không có giải pháp kiểm tra, giám sát doanh nghiệp thì có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp “ép” lao động làm đến kiệt sức, điều này sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy khác. Dự thảo sửa đổi Luật Lao động cần phải nghiên cứu kỹ vấn đề này”.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội
(Bộ LĐTBXH)

Chị Toán cho biết: “So với việc làm nông nghiệp, công việc tại nhà xưởng đỡ vất vả hơn vì nắng mưa không tới mặt, thu nhập cũng khá hơn nhưng ngược lại tôi phải làm việc quá nhiều giờ. Thêm vào đó, áp lực công việc cũng cao hơn, cường độ làm việc cũng căng hơn rất nhiều”.

Cường độ làm việc mà chị Toán nhắc tới chính là vì có thời điểm công nhân phải tăng ca, tăng kíp do đơn hàng nhiều, do thu hẹp nhà xưởng để sửa chữa, nâng cấp hạ tầng… Hiện tại, mức lương trung bình hàng tháng của chị Toán khoảng 4,3 triệu đồng, đấy là chưa kể tăng ca. Nếu tháng nào tăng ca nhiều chị nhận được khoảng 7,3 triệu đồng bao gồm cả phụ cấp ăn, đi lại…

“Thật sự, hầu hết anh chị em công nhân trong công ty chúng tôi đều rất mệt mỏi vì phải làm việc nhiều và tăng ca. Tôi cũng đối mặt với nhiều căn bệnh nghề nghiệp liên quan tới đường hô hấp, đau xương khớp do ngồi nhiều. Nhưng lương thấp, nếu không tăng ca thì không đủ sống, vì thế không thích làm thêm cũng phải làm. Không làm thêm lấy gì mà sống” – chị Toán nói.

Thậm chí có nhiều công nhân, lao động làm việc trong các doanh nghiệp không tăng ca, thu nhập quá thấp đã phải ra ngoài bươn chải tự buôn bán, làm thêm ngoài giờ.

Chị Vũ Thị Lan - công nhân Khu công nghiệp Nam Thăng Long, Hà Nội - cho biết, công việc đóng hàng tuy nhẹ nhàng nhưng lương thấp, chính vì vậy chị cùng vài công nhân khác rủ nhau đi buôn quần áo bán thêm. Tuy tiền kiếm thêm không được nhiều nhưng cũng đủ để chị trả tiền thuê nhà trọ, chi trả thêm tiền sinh hoạt.

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho rằng thu nhập thấp, không đủ để trang trải cho cuộc sống nên họ buộc phải làm thêm để cải thiện. Có thêm đồng tiền để trang trải, chi tiêu nhưng đổi lại, sức khỏe của người lao động nhanh chóng bị hao mòn do không có điều kiện tái tạo sức lao động.

Bất chấp những cảnh báo từ các chuyên gia về tác dụng phụ của việc tăng giờ làm thêm dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được Bộ LĐTBXH lấy ý kiến, vẫn mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về thời gian làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm thay vì 300 giờ/năm theo quy định hiện hành.

Lương không đủ sống

69% công nhân không đủ tiền sinh hoạt
53% công nhân không đủ tiền trả viện phí
37% luôn ở trong tình trạng vay để bù đắp thiếu hụt chi tiêu trong tháng

(Khảo sát của Tổng LĐLĐ
Việt Nam và Tổ chức Oxfam về lương của công nhân
trong ngành dệt may)

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu công nhân và Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiến hành trên 2.550 lao động (hơn 62% lao động nữ), phần lớn người lao động không mong muốn làm thêm nhưng vì thu nhập thấp nên phải chấp nhận.

Điển hình trong những ngành lao động đang phải nhận mức lương thấp chính là ngành dệt may. Đây là một trong những ngành kinh tế quan trọng, có trên 2,5 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực này (nữ chiếm khoảng 80%). Nhưng hiện nay, mức lương của người lao động ngành may còn thấp, không đủ để họ trang trải cuộc sống.

Một khảo sát mới đây giữa Viện Công nhân công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) và Tổ chức OxFam về vấn đề tiền lương của công nhân ngành dệt may cho thấy nếu tính cả tiền lương làm thêm giờ, vẫn có 52% công nhân may ở Việt Nam đang được trả mức lương dưới mức của Liên minh Lương đủ sống toàn cầu. Hơn 1/3 số công nhân không tiết kiệm được tiền, luôn trong tình trạng vay nợ. Liên quan tới vấn đề làm thêm giờ và vấn đề sức khỏe, khảo sát trên cũng cho thấy: 65% công nhân nói rằng họ thường xuyên làm thêm giờ, 22% không sử dụng thời gian nghỉ giữa giờ, nếu có đi vệ sinh thì nhanh chóng để quay về làm việc, 28% lo lắng về việc làm quá nhiều giờ trong ngày và ảnh hưởng của làm thêm giờ tới sức khỏe.

Đi làm muộn, quên quẹt thẻ chấm công, nghỉ ốm hay không đạt định mức, tất cả chỉ là một trong rất nhiều cách khác nhau để doanh nghiệp khấu trừ thu nhập của người lao động. Thực tế, công nhân may vẫn có thể đạt mức thu nhập 10-12 triệu đồng/tháng nhưng họ phải làm việc hết sức, không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem