Lao động nặng nhọc có quyền nghỉ hưu sớm

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 24/05/2019 05:54 AM (GMT+7)
Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực lao động, thế nhưng, lao động thì chưa đồng thuận. Nhiều công nhân lao động cho rằng, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu chưa phù hợp.
Bình luận 0

Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu tránh gây sốc

Mới đây, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp cho rằng, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu mang lại lợi ích cho cả người lao động (NLĐ) lần người sử dụng lao động. Cụ thể, Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) đề xuất hai phương án tăng dần tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện làm việc bình thường từ 1/1/2021. Lộ trình này sẽ thực hiện dần dần, mỗi năm tăng thêm 3 hoặc 4 tháng cho tới lúc nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

img

Tăng tuổi nghỉ hưu nghĩa là lao động phải làm việc lâu, đóng BHXH dài (Công ty may TNG Thái Nguyên). Ảnh: M.N

Dự thảo Luật cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt. NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, NLĐ làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt có quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá năm tuổi.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định: Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần được tiến hành theo lộ trình nhằm tránh gây sốc cho thị trường lao động. Với quy mô dân số như hiện nay, mỗi năm Việt Nam có khoảng 400.000 người bước vào độ tuổi lao động. Như vậy, nếu chúng ta nâng độ tuổi nghỉ hưu nhanh, tăng 1 năm, thêm 1 tuổi chẳng hạn, thì lập tức sẽ có 400.000 người cho dù làm việc ở khu vực nhà nước hay khu vực tư nhân, vẫn tiếp tục làm việc thêm 1 năm. Điều này đồng nghĩa với việc khi họ “ngồi lại vị trí làm việc đó” thì 400.000 người khác sẽ phải ngồi chờ thêm 1 năm. Như vậy, sau 2 năm thì con số này sẽ tăng lên 800.000 – 900.000 người “ngồi chờ”.

Điều này gây ra sự “tắc nghẽn” rất lớn trong thị trường lao động. Trong đề xuất lần này, chúng tôi đề xuất theo lộ trình, mỗi năm chỉ tăng 3 tháng tuổi chẳng hạn. Như vậy “dòng chảy” của thị trường lao động sẽ chậm lại đôi chút” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.

Nghề vất vả sẽ được nghỉ sớm

Theo ông Diệp, việc điều chỉnh theo lộ trình sẽ tạo tâm lý tốt hơn cho xã hội, đối với NLĐ, cũng như người sử dụng lao động.

“Chắc chắn tâm lý NLĐ sẽ không muốn làm việc quá lâu và cũng không muốn đóng BHXH quá dài. NLĐ thường muốn khi nghỉ hưu sẽ tham gia các hoạt động kinh tế khác để có thêm thu nhập. Khi đó, họ đồng thời có hai nguồn thu nhập là tiền lương hưu từ BHXH và số tiền nhận được từ các hoạt động khác của họ. Đây là tâm lý chung của tất cả NLĐ  trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam” – ông Diệp nói.

Ông Diệp phân tích, việc điều chỉnh theo lộ trình cũng tạo tâm lý tốt hơn cho người sử dụng lao động. Lẽ ra người sử dụng lao động sẽ tiếp tục sử dụng NLĐ lớn tuổi thêm một năm nữa chẳng hạn, thì nếu theo đề xuất trên, họ chỉ phải sử dụng NLĐ lớn tuổi thêm 3 tháng nữa. Điều này cũng giải toả được khá nhiều tâm tư và những điều không mong muốn của người sử dụng lao động.

Về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, với chính sách có lộ trình tăng chậm cùng các cơ chế giải quyết khác thì vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu tác động ít đến vấn đề việc làm của lao động trẻ.

 Bên cạnh đó, phải quan tâm đến các chính sách về tuyển dụng, đánh giá cán bộ.

Ông Điều Bá Được - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho rằng, tuy đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu 62 đối với nam, 60 tuổi với nữ nhưng Dự thảo Luật chỉ ra một số ngành nghề, đối tượng đặc thù có thể nghỉ hưu sớm. Như vậy, phù hợp với thực tiễn, với những nghề độc hại, vất vả, NLĐ bị ảnh hưởng sức khỏe.

Trước thắc mắc về việc nghỉ hưu của lao động làm công việc đặc thù, ngành nghề độc hại, Thứ trưởng Diệp cho rằng, luật cũng đề cập tới nội dung này. Hiện các nghị định, thông tư đã có danh mục nghề độc hại, nguy hiểm và tùy theo mức độ để BHXH căn cứ xét trường hợp nào được về hưu sớm.

Ông Nguyễn Anh Thơ – Phó cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) cho biết: “Hiện nay Bộ LĐTBXH đã có danh mục nghề đặc thù, nguy hiểm. Tuy nhiên, qua thời gian danh mục nghề này không còn phù hợp, có nghề đã thoát khỏi danh mục, có nghề mới xuất hiện lại độc hại, nguy hiểm hơn. Chính vì vậy, Cục An toàn lao động đang soạn thảo văn bản đề xuất bổ sung và sửa đổi danh mục nghề đặc thù, công việc nguy hiểm mới”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem