Chê làm sếp, về nhà bán hàng dạo
28 tuổi, chị Nguyễn Thị Xiêm (Linh Đàm, Hà Nội) tốt nghiệp Học viện Hành chính quốc gia, và từng làm cho nhiều công ty tài chính có thương hiệu ở Hà Nội. Gần đây nhất, đầu năm 2017, chị giữ chức vụ Trưởng Phòng nhân sự của một công ty bảo hiểm - công việc mà khá nhiều người trẻ mơ ước với mức lương cả nghìn đô mỗi tháng, nhưng chị Xiêm lại quyết định bỏ việc về nhà khởi nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Xiêm đang tất bật kiểm tra máy giao cho khách tại nhà. Ảnh: Minh Nguyệt
Lâu nay, chúng ta nỗ lực thúc đẩy chuyển dịch lao động từ phi chính thức sang chính thức nhưng chưa đủ. Cần có hệ thống chính sách, pháp luật đủ mạnh để can thiệp bảo vệ cả lao động “chuyển dịch ngược” vì khi rời thị trường chính thức, lao động sẽ bị mất toàn bộ chế độ an sinh, phúc lợi.
Ông Nguyễn Minh Huân – Nguyên Thứ trưởng
Bộ LĐTBXH
|
“Ban đầu bạn bè tôi chê tôi “dở” vì bỏ làm sếp về nhà “buôn thúng bán mẹt”. Nhưng tôi luôn tin vào quyết định của mình, bất chấp sự phản đối của cả gia đình, bạn bè, tôi vẫn quyết định buôn bán online” - chị Xiêm nói.
Một tháng sau khi nghỉ việc, chị Xiêm bắt đầu kết nối, lập trang chuyên bán đồ ăn trên mạng. Sau một thời gian phập phù, giờ công việc đã tạm ổn, hoạt động buôn bán chủ yếu diễn ra trên mạng. Trung bình chị Xiêm thu về từ 20-35 triệu đồng/tháng nhờ buôn bán hàng online.
“So với buôn bán ngoài chợ, buôn bán online nhẹ nhàng hơn hẳn” - chị Xiêm nói.
Không chỉ chị Xiêm, gần đây hàng chục hộ sống tại khu nhà chị cũng bắt đầu sự nghiệp kinh doanh thời công nghệ.
Chị Nguyễn Diệu Thúy (cư dân tòa nhà CT1, Linh Đàm, Hà Nội) cho biết: “Nhờ có công nghệ mà giờ đây chỉ cần ngồi nhà, cầm trên tay chiếc điện thoại thôi là mọi người đều có thể tự kinh doanh buôn bán hoặc mua những vật dụng mình cần mà không cần phải tất bật chạy ra đường phố giữa trời nóng bức” - chị Thúy nói.
Cũng như nhiều hộ khác tại các khu chung cư, chị Thúy cũng tham gia bán hàng online. Hồi đầu chưa quen nhưng giờ thấy so với mấy công việc làm văn phòng, việc bán hàng online tại nhà thoải mái hơn, thu nhập cũng ổn định hơn hẳn và còn có thể trông con, đưa đón con.
Chính sách cần thay đổi phù hợp
Rõ ràng cuộc cách mạng công nghệ đang tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới hơn, tuy nhiên, không phải ai cũng có thể lường trước những khó khăn khi tham gia, gia nhập thị trường này.
Ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, với tính chất của một nền kinh tế thị trường, rõ ràng việc thị trường tự điều tiết quan hệ lao động là chuyện đương nhiên.
“Anh không thể bắt người lao động làm việc ở thị trường này khi mà tiền lương thấp, chế độ phúc lợi không tốt. Môi trường làm việc ở đâu tốt hơn, công việc thoải mái, lương lậu tốt hơn, đương nhiên lao động sẽ làm thôi” - ông Thọ phân tích.
Đó là lý do khiến nhiều lao động đã có công việc ổn định, nhưng vẫn quyết tâm bỏ việc về nhà tự làm. Điều này có thể là tín hiệu tích cực trong xu hướng chuyển dịch việc làm. Nó cho thấy sự đa dạng trong bức tranh việc làm nhưng cũng cho thấy những dấu hiệu bất ổn trong việc điều tiết thị trường lao động. Theo ông Thọ, đối với nhà quản lý, rõ ràng đây là một điều không mong muốn. Bởi bên cạnh mặt tích cực, việc chuyển dịch một bộ phận lớn lao động từ khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức sẽ phá vỡ hệ thống chính sách quản lý theo cách cũ.
“Ban đầu có thể những mảnh vỡ của thị trường lao động chưa rõ ràng, nhưng càng ngày sẽ càng rõ nét hơn. Lao động chuyển dịch từ khu vực chính thức đang được đảm bảo bởi hệ thống chính sách an sinh như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… thì nay ra khu vực phi chính thức lại không được đảm bảo các yếu tố trên. Điều này đi ngược lại với mong muốn của Đảng, Chính phủ trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho đại bộ phận dân cư” - ông Thọ cảnh báo.
Ông Nguyễn Khắc Giang - Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR cho rằng, bên cạnh một xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực phi chính thức sang chính thức, vẫn có xu hướng chuyển dịch việc làm ngược lại. Xu hướng này càng được thể hiện đậm nét hơn trong bối cảnh được công nghệ thông tin “trợ lực”.
“Trong điều kiện hoạt động, nhiều lao động tự do, doanh nghiệp không muốn chuyển sang khu vực chính thức bởi sợ bị ràng buộc bởi luật lao động hay các chi phí để chính thức hoá (thành lập doanh nghiệp). Do vậy, theo tôi, xu hướng chuyển dịch việc làm từ chính thức sang phi chính thức cũng sẽ mạnh mẽ và không kém phần sôi động trong thời gian tới” - ông Giang nói.
Điển hình cho xu hướng chuyển dịch việc làm từ chính thức sang phi chính thức là hàng nghìn lao động chuyển từ các công ty, xí nghiệp ra làm xe ôm Grab, Uber hay shipper hoặc buôn bán, kinh doanh online. Dù không được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… nhưng người lao động cho rằng đó là một môi trường làm việc chuyên nghiệp, tự do, đặc biệt thu nhập hấp dẫn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.