Lao động trở về từ Libya: Trong vòng vây bão cát

Thứ ba, ngày 08/03/2011 12:22 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Cảm tưởng còn mạnh và đau hơn ai đó cầm nắm cát ném thẳng vào mặt” - lao động Nguyễn Văn Cửu, ở xã Tuy Lai, Mỹ Đức, Hà Nội chia sẻ.
Bình luận 0

Khắp nơi cướp bóc

Đến giờ, mặc dù đã ở trong căn nhà ấm áp của mình, nhưng hồi tưởng lại những ngày mà sự sống lúc nào cũng đặt trong tình trạng “chỉ mành treo chuông”, anh Nguyễn Văn Cửu vẫn còn giữ nguyên nét hãi hùng trên khuôn mặt.

img
Anh Nguyễn Văn Cửu (giữa) kể lại chuyện đào thoát khỏi Libya.

Anh Cửu làm công nhân xây dựng ở Công ty Mesa của Thổ Nhĩ Kỳ, cách thủ đô Tripoli tầm 300km. 5 giờ chiều ngày 18.2, ban đầu, có khoảng 3 người Libya ăn mặc bình thường xông vào nhà máy và mang theo gậy gộc, hăm doạ nhưng đã bị bảo vệ khống chế.

Nhưng lập tức, hàng chục tên khác cầm gậy chạy đến và đập phá mọi thứ có thể trong nhà xưởng công ty. Chẳng mấy chốc, chỗ ở của công nhân bị phát hiện, và đoàn người lập tức ập tới, cướp đi tất cả những cái gì có thể, từ máy tính xách tay, điện thoại cho đến tiền của công nhân.

Lực lượng bảo vệ khá mỏng, không đủ để khống chế khoảng hơn 20 tên cướp mang vũ khí. Rất nhiều người dân quanh đấy cũng thừa dịp hỗn loạn vào cướp bóc.

Lao động Vương Văn Toản (Trung Tú, Ứng Hoà, Hà Nội), làm thợ mộc ở một nhà xưởng cách Tripoli khoảng 50km cũng bị lâm vào cảnh cướp bóc tương tự.

“Ở nhà xưởng đã bị cướp sạch, anh em chỉ còn kịp mang theo một chút tiền và một số thứ cần thiết để lên xe ra sân bay. Trên đường ra sân bay, cứ đi được 2km lại gặp một trạm canh của bọn phản loạn. Các chuyến xe đi qua đều phải dừng lại để khám xét. Tất cả đồ đạc chúng tôi mang theo đều bị lột sạch. Còn những người mà không mang theo thứ gì trên người thì bị đánh, bị mắng thậm tệ.

Ra xe, tôi mang theo được duy nhất một chiếc điện thoại di động để còn có thể liên lạc. Nhưng qua được trạm gác thứ 3, lúc đấy gọi điện về nhà, lại quên, để máy vào túi quần mà không giấu kín. Lúc bọn phản loạn lên lục soát, tôi cố gắng lấy tay che chiếc điện thoại đi nhưng cuối cùng cũng bị lộ. Lúc đấy, một tên phản loạn trẻ măng, tầm 20 tuổi giật mạnh chiếc điện thoại và chửi rủa” – anh Toản nhớ lại.

Liều chết vượt sa mạc

Theo lời anh Cửu, sau khi công nhân tập trung tất cả tại một trường học đang xây dở, khoảng 200 người, trong đó có 53 người VN lên 3 chiếc xe buýt loại lớn để đi về phía thành phố Tripoli. Cuộc hành trình chỉ có hơn 200km nhưng những chiếc xe phải đi hết gần 1 ngày đêm.

img Đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu nổi tại sao tôi lại có thể có đủ sức lực và sự can đảm để vượt qua chặng đường như thế. Lúc đó, trong đầu tôi chỉ có 2 chữ “phải sống”. Trong những lúc cam go nhất, tôi vẫn phải cố sống để về với gia đình. Khoản nợ ở nhà vẫn chưa trả, hai đứa con vẫn còn đi học. img

“Lúc đó khoảng 10 giờ tối, những chuyến xe đang đi băng trên con đường nhỏ ở sa mạc thì bỗng có bão cát. Xe đông, chúng tôi để cửa cho thoáng, bão cát lại kéo đến rất nhanh khiến chúng tôi không kịp trở tay. Từng đợt cát tấp thẳng vào mặt rát buốt, cảm tưởng còn mạnh và đau hơn ai đó cầm nắm cát ném vào mặt” – anh Cửu tâm sự.

Anh Vương Văn Toản gặp phải hoàn cảnh éo le hơn. Trong suốt cuộc hành trình hơn 50km từ công xưởng đến sân bay, anh gần như phải đi bộ. Ở sa mạc ban ngày trời nóng như đốt, ban đêm trời lại vô cùng giá rét. Nhìn quanh, gần như không thấy dấu hiệu của sự sống, chỉ thấy bạt ngàn một màu trắng của cát. Đoàn lao động gần 50 người phải lết bộ trong điều kiện thời tiết như thế trong khi thức ăn và nước uống đã trở thành thứ xa xỉ.

“Lúc đi, chúng tôi ai may mắn thì cầm theo được chai nước. Có những người chẳng mang theo được chút gì. Trên cuộc hành trình trên sa mạc nóng bỏng, nước chỉ dám dùng để nhấp môi cho đỡ khát. Môi khô quắt lại, mắt thì hoa lên. Nhưng chân vẫn phải cố bước. Đoàn người cứ thế lết từng mét một trong suốt cuộc hành trình dài dằng dặc mà đi mãi vẫn không thấy điểm đến.

Trong đoàn chúng tôi có một người VN tuổi đã gần 60, sức khoẻ lại rất yếu. Đi được khoảng chục km thì ông không thể bước tiếp được nên ngất xỉu. Cực chẳng đã, chúng tôi những ai còn sức thì cõng” – anh Toản nhớ lại.

Hơn 2 ngày trời, đoàn người rồng rắn như thế băng qua sa mạc trong cái đói, cái khát. Đến đường bến cảng ở TP.Tripoli, hầu như không có ai còn sức lực. Đến bến tàu, nhiều người ngất lịm không còn biết trời đất gì nữa...

(Còn tiếp)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem