Lao động Việt trở về từ Libya: Hành trình vượt cửa tử

Thứ hai, ngày 07/03/2011 06:25 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dù đã trở về nhà an toàn, nhưng trong ký ức của rất nhiều lao động Việt Nam, hành trình đầy gian khổ ở đất nước Libya vẫn còn hiển hiện.
Bình luận 0

Khi đó, sự sống có khi vô cùng mong manh, và mỗi bước chân đều là những hành trình vượt cửa tử.

Bảy đêm kinh hoàng

Lao động Nguyễn Hữu Tiến (Đồng Cháy, Thạch Thất, Hà Nội) là đầu bếp ở một công ty về xây dựng cầu đường ở Libya, vừa trở về Việt Nam vào tối 27.2 nhớ lại: "Sau khi công xưởng bị đốt trụi, ra đến bến tàu cũng không còn con tàu nào còn nguyên vẹn, chúng tôi chỉ còn con đường duy nhất là quay trở lại một nhà thờ ở trong thị trấn Dernah, cách thủ đô Tropoli gần 200km.

img
Lao động VN vui mừng khi về đến sân bay Nội Bài.

Những tưởng chỉ phải ở nhà thờ một vài hôm là có thể ra sân bay hoặc bến tàu sang Ai Cập để về Việt Nam. Ai ngờ, chúng tôi ở nhà thờ đó từ ngày 19.2 cho đến ngày 25.2. Và cũng 7 ngày đó, cuộc chiến sinh tồn với anh em lao động chúng tôi vô cùng ác liệt".

Theo lời anh Tiến, ban đầu chỉ khoảng 100 công nhân của công ty anh vào tá túc tại nhà thờ, sau đó dần dần có rất nhiều lao động đổ đến. Ban đầu, mọi người còn có thể nằm trên nền gạch để chợp mắt. Sau này phải ngủ ngồi, thậm chí một số người đến sau còn phải đứng. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn, cửa của nhà thờ luôn được đóng kín.

"Những đêm ở nhà thờ, thời gian như ngừng trôi. Anh em lao động chúng tôi không một ai có thể chợp mắt nổi. Vừa sợ, vừa rét, lại vừa phải thay phiên nhau nghe ngóng, canh gác. Tiếng súng, tiếng đạn và cả tiếng khóc thống thiết của những đứa trẻ hòa lẫn vào nhau tạo thành một âm thanh rợn da gà" - anh Phí Mạnh Dũng (Đồng Cháy, Thạch Thất, Hà Nội) công nhân cơ khí làm việc tại một nhà máy chuyên sản xuất vật liệu xây dựng ở Libya tâm sự.

Anh Tiến kể tiếp: Đến thời điểm đông nhất, nhà thờ phải chứa đến gần 500 lao động người Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ và cả Libya. Nhưng rất may là trong hoàn cảnh khó khăn, mọi người không ai phân biệt quốc gia, đều giúp đỡ nhau từ miếng bánh mì cho đến ngụm nước một cách nhiệt tình”.

Theo anh Tiến, kinh khủng nhất ở nhà thờ là việc không được tắm rửa. Mọi sinh hoạt cá nhân đều phải cố gắng "nhịn" được tí nào hay tí đấy. Không khí ngột ngạt, thiếu ô xy. Một số anh em không chịu nổi nên đã ngất đi. Một số người thì cảm thấy tuyệt vọng và nghĩ đến cái chết.

Đặc biệt, mỗi khi ông chủ người Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách ra ngoài lấy thức ăn, nước uống, ai ai cũng lo sợ bị chủ bỏ rơi, không có tiền, không có phương tiện để trở về với gia đình.

Giành giật sự sống

Sau đêm đầu tiên ở nhà thờ, phải đối mặt với đói khát, với giá rét, anh em công nhân hầu như đã hết sức mệt mỏi. Có những người lịm hẳn đi vì thiếu nước. Đến lúc đó, các nhân viên bảo vệ của công ty cũng có mặt ở nhà thờ mới quyết định phối hợp cùng hai người Libya và một lao động Việt Nam ra ngoài để kiếm bánh mì, nước uống và nếu may mắn là một ít chăn màn, quần áo cho anh em lao động.

Chuyến đi đó có tất cả 6 người, 4 nhân viên bảo vệ và 2 lao động vốn quen đường sá. Cảnh tượng hai bên đường, người chết, người bị thương nằm la liệt, nhà cháy, xe cộ cháy ở khắp nơi...

Anh Dũng kể: Chiếc xe đang đi trên một con đường vắng thì bỗng nhiên một loạt đạn bắn tới tấp. Người lái xe bị đạn bắn sượt ở tai, chảy máu đầm đìa. Kính và đèn ở xe vỡ nát, bắn tung tóe lên những người ngồi trên xe. Rất may người lái xe đã kịp hét lên và tất cả đều cúi thấp xuống. Chiếc xe lao ra khỏi đường chính, phi thẳng xuống một con dốc. Cứ như thế, người lái xe cho xe chạy hết tốc độ mới thoát khỏi làn đạn và những tiếng chửi rủa của quân phản loạn.

Chiếc xe trờ qua những trụ sở công ty gần như tan hoang vì bị đập phá, bị đốt cháy và cố gắng tìm ở đó một chút lương thực, quần áo may mắn còn sót lại. Cũng chuyến xe ấy, nhiều lao động còn bị lạc được tìm thấy, tất cả lại lên xe để cùng về lại nhà thờ để lánh nạn. Cũng may trước chiều tối, đoàn người cũng kiếm được kha khá bánh mì và mua được một ít bánh, nước uống và những tấm chăn mỏng ở những cửa hàng của người bản địa.

Lương thực và chăn màn, quần áo đã tạm đủ, chiếc xe lập tức trở về nhà thờ trước khi trời tối bởi khi đêm xuống, quân phản loạn hoạt động rất nhiều và sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Trong 7 ngày đêm, có 3 chuyến xe như thế lại ra khỏi nhà thờ và trở về, nhờ đó sự sống của hàng trăm công nhân mới được duy trì đến ngày được giải cứu.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem