Các khoản hỗ trợ đều… tắc
Thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), tính đến hết ngày 21.9, Việt Nam đã kết thúc chiến dịch sơ tán LĐ từ Libya về nước. Như vậy, thời điểm kết thúc sơ tán đã gần 1 tháng và cũng đã hơn 2 tháng kể từ ngày LĐ đầu tiên về nước (Thủ tướng có quyết định sơ tán vào ngày 4.8), tới nay các LĐ vẫn chưa được thanh lý hợp đồng và nhận các hỗ trợ.
Cụ thể, theo quyết định hỗ trợ LĐ từ Lybia về nước trước hạn được Bộ trưởng Bộ LĐTBXH ký ngày 12.8, thì mức hỗ trợ tối đa cho mỗi LĐ là 5 triệu đồng, riêng các LĐ ở các huyện nghèo được hỗ trợ thêm tối đa 2,5 triệu đồng/người. Khoản này do Quỹ Hỗ trợ LĐ ngoài nước chi trả. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đưa LĐ đi Libya sẽ phải thực hiện chi trả lại các khoản tiền (dịch vụ, môi giới) mà LĐ đã nộp trước khi xuất cảnh.
Đến thời điểm này lao động mới chỉ nhận được khoản tiền tạm ứng duy nhất là 1 triệu đồng ngay khi xuống sân bay.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch – Phó Tổng Giám đốc Công ty Simco Sông Đà cho biết: Công ty đã ứng trước tiền để mua vé máy bay (khoảng 1.000 USD/vé) cho LĐ về nước. Theo nguyên tắc, các hợp đồng đưa LĐ đi Libya đều có điều khoản yêu cầu đối tác là chủ sử dụng lao động phải hỗ trợ LĐ về nước khi có chiến tranh, tuy nhiên vì đối tác gặp nhiều khó khăn nên họ chưa chi trả khoản tiền này. Theo hướng dẫn của Bộ LĐTBXH, nếu LĐ và doanh nghiệp chứng minh được điều đó thì cũng sẽ được Quỹ Hỗ trợ lao động ngoài nước thanh toán vé máy bay. Hiện Simco chưa nhận được khoản tiền này nên… sốt ruột không kém LĐ. “Chúng tôi cũng đã họp để tiến hành thanh lý hợp đồng cho LĐ. Tinh thần là công ty sẽ cố gắng chi trả lại cho LĐ khoản tiền dịch vụ họ đã đóng” – ông Thạch nói thêm.
Ông Nguyễn Văn Hiệp – Giám đốc Công ty Vinaconex thì cho biết: Công ty chưa thanh lý cho bất cứ LĐ nào, và đang chờ khoản hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ LĐ ngoài nước.
Lao động khốn khó
Hai tháng tròn kể từ ngày về nước, LĐ Nguyễn Đình Sang (Nghệ An) vẫn đang chưa biết làm gì kiếm sống. Anh Sang đi vắng nên người nghe cuộc điện thoại từ phóng viên NTNN là bà Nguyễn Thị Lan (60 tuổi) – mẹ anh Sang. Bà rầu rĩ: “Chẳng thấy công ty thông báo tiền nong gì cả, nó gọi ra mấy lần nhưng họ toàn khất lần...”. Theo bà Lan, từ ngày con bà về nước đến giờ không có công ăn việc làm nên ngoài thời gian phụ giúp bố mẹ làm 4 sào ruộng thì không biết làm gì thêm. Tiền Sang góp nhặt sau 2 lần đi Lybia đã đắp vào khoản xây sửa nhà cửa. Nhà có 4 khẩu, với 4 sào ruộng, nhưng làm không đủ ăn nên việc cậu con trai không có công ăn việc làm khiến bà Lan ruột nóng như lửa đốt. “Tiền ăn tiêu thì tốn kém, mà công việc thì không có nên nó cứ lêu lổng cả ngày. Nó tính đi Nhật, nhưng gia đình không có tiền nên nó cứ ở nhà chờ thanh lý hợp đồng thôi” – bà Lan nói.
Cùng chung hoàn cảnh, LĐ Nguyễn Đình Hiệp (Nghi Lộc, Nghệ An) cũng bươn chải, làm đủ nghề. Ngoài làm ruộng, anh còn đi làm thợ xây nhưng công việc bấp bênh ngày có việc ngày không. “Giờ chỉ hy vọng công ty nhanh thanh lý hợp đồng để tôi làm thủ tục đi Angola làm việc. Không thanh lý hợp đồng thì tôi không thể đi làm việc ở các thị trường khác được” – anh Hiệp nói.
Chiều 13.10, trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định: “Hoàn toàn không có khó khăn trong việc hỗ trợ LĐ từ Libya về nước. Vấn đề chỉ là thủ tục chưa xong nên chưa thể xuất tiền hỗ trợ từ nguồn Quỹ Hỗ trợ lao động ngoài nước. Chúng tôi đang đôn đốc để thúc đẩy nhanh việc hoàn tất thủ tục, tiến hành chuyển tiền cho các công ty XKLĐ để hỗ trợ LĐ”. Theo ông Quỳnh, cái khó hiện nay là vấn đề giấy tờ. Cục đã hướng dẫn và thúc giục các doanh nghiệp hoàn tất thủ tục để Cục tiến hành chuyển giấy tờ cho đại sứ quán nhằm xác minh đúng LĐ, các hoàn cảnh về nước. “Chúng tôi đang hoàn tất thủ tục, chắc chắn một tuần nữa sẽ có thể chuyển tiền hỗ trợ cho công ty XKLĐ để công ty hỗ trợ và tiến hành thanh lý hợp đồng cho LĐ” – ông Quỳnh nói.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, đã có 1.758/1.763 LĐ Việt Nam làm việc tại Libya về nước. Hiện còn 5 LĐ Việt Nam tại Libya được xác định là trong tình trạng mất tích.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.