Hơn 1/3 số lao động Việt Nam bỏ trốn, Hàn Quốc có thể xem xét dừng EPS

Minh Nguyệt Thứ tư, ngày 08/10/2014 06:55 AM (GMT+7)
“Quả thực với tình hình như hiện nay, việc ký lại bản ghi nhớ đặc biệt (MOU) với phía Hàn Quốc là rất khó” - ông Phan Văn Minh - Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) thừa nhận như vậy với phóng viên NTNN khi vừa kết thúc chuyến tháp tùng Tổng Bí thư và Bộ trưởng Bộ LĐTBXH thăm, làm việc tại Hàn Quốc. 
Bình luận 0

Số lượng lao động bất hợp pháp giảm chậm

Ông Phan Văn Minh cho biết: Mặc dù trong năm 2014, các bộ ban ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ… nhưng tỷ lệ lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc vẫn giảm chậm. Nếu đầu tháng 1, tỷ lệ lao động bất hợp pháp của Việt Nam ở Hàn Quốc là 43,15% thì tới cuối tháng 9 tỷ lệ này đã giảm còn 35,44%. Tuy nhiên, mức giảm còn chậm (chỉ ở mức 7,71%), con số liên tục dao động và vẫn cao hơn nhiều so với quốc gia phái cử lao động khác trong khu vực tại Hàn Quốc (hiện chỉ ở mức trung bình 15%).

“Theo thỏa thuận với phía Hàn Quốc trong biên bản nhắc nhớ hồi cuối năm 2013, tới đầu tháng 11 này hai phía sẽ có cuộc gặp mặt để đánh giá tình hình thực hiện việc kiểm soát lao động bất hợp pháp. Nếu số lao động Việt Nam bất hợp pháp tại Hàn Quốc không giảm mạnh thì phía Hàn Quốc sẽ dừng ký thỏa thuận tiếp nhận lao động Việt Nam đi làm việc theo Chương trình EPS” - ông Minh nói.

Năm 2014 Việt Nam có khoảng 3.594 lao động hết hạn phải về nước nhưng hiện nay con số về nước là không nhiều. Riêng trong tháng 9, có thêm khoảng 700 lao động hết hạn hợp đồng, nhưng theo ước tính chỉ có một bộ phận nhỏ về nước.

Từ đầu năm 2014 tới nay, gần 5.300 lao động Việt Nam đã được ký hợp đồng với các chủ doanh nghiệp Hàn Quốc, gồm khoảng 3.800 lao động đã thi tiếng Hàn đợt đầu, số còn lại là lao động Việt Nam đã về nước đúng hạn (lao động trung thành) được tuyển dụng đợt 2.

Trong số gần 5.300 lao động trên, đã có 4.700 lao động chính thức xuất cảnh sang Hàn Quốc, số còn lại đang làm thủ tục đi trong tháng 10. Tuy nhiên, số lao động vượt qua kỳ thi tiếng Hàn trong quý II và III đã giảm nhiều so với thời gian trước (chỉ đạt 50% so với 80- 85%).

Chờ sự hỗ trợ từ phía bạn

Trong khi Trung tâm Lao động ngoài nước cho rằng chúng ta đã cố gắng hết sức, thực hiện “hết bài” và vấn đề là phía bạn cũng cần phải tích cực trong việc phối hợp thì phía Hàn Quốc cũng khẳng định, Việt Nam cần phải làm quyết liệt hơn nữa để giảm số lao động bất hợp pháp này.

Ông Choi Byung Gie - Giám đốc Trung tâm EPS Việt Nam (cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc) cho rằng: Nếu các giải pháp vận động, thuyết phục nâng cao ý thức của người lao động không hiệu quả thì Việt Nam cần có biện pháp quyết liệt hơn như xử phạt, thậm chí là cưỡng chế.

Trong lần gặp gỡ hồi đầu tháng 10 giữa đại diện Bộ LĐTBXH Việt Nam và Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc, phía Việt Nam đã đề nghị phía bạn tăng cường giải pháp hỗ trợ.

Cụ thể, phía Việt Nam mong muốn Hàn Quốc tăng cường giải pháp truy quét lao động bất hợp pháp, xử phạt chủ sử dụng lao động Hàn Quốc nếu họ tiếp nhận lao động bất hợp pháp từ Việt Nam và các quốc gia khác; thực hiện thay đổi hình thức chi trả tiền trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng tại Việt Nam thay vì trả tại Hàn Quốc…

Theo ông Choi Byung Gie, ngoài những biện pháp trên hiện Hàn Quốc đã hỗ trợ mở các khóa đào tạo nghề miễn phí cho lao động hồi hương. Theo đó, các lao động về nước đúng hạn có thể tham gia khóa học trong vòng 1 tháng để được củng cố thêm tiếng Hàn, khả năng quản lý, kỹ năng để có thể làm việc trong 3.200 doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Hiện một năm phía Hàn Quốc đào tạo 500 lao động Việt Nam, nếu lao động tăng thì sẽ mở thêm.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, mỗi năm lao động Việt Nam tại Hàn Quốc gửi về nước khoảng 700 triệu USD, chiếm hơn 1/3 lượng kiểu hối của lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài hàng năm gửi về nước. Nếu tỷ lệ lao động Việt Nam không về nước đúng hạn còn trên 30% tại Hàn Quốc, nguy cơ cánh cửa cho lao động nước ta vào thị trường này bị đóng lại là không thể tránh khỏi.

 Ông Choi Byung Gie - Giám đốc Trung tâm EPS Việt Nam cho biết:  Theo công bố của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, hiện lao động bất hợp pháp của Việt Nam ở Hàn Quốc vẫn ở mức hơn 35% (hiện có 49.108 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, trong đó hợp pháp là 32.458 người, bất hợp pháp là 16.640 người), trong khi các nước, tỷ lệ này dưới 15%. Tuy hai bên chưa có bàn bạc cụ thể gì về việc này, nhưng nhìn vào tỷ lệ này vẫn ở mức cao, không giảm là mấy so với trước lúc ký MOU đặc biệt có giá trị 1 năm. 
  Khó xử phạt lao động vi phạm
Cuối tháng 9.2014, Trung tâm Lao động ngoài nước đã xác minh khoảng 340 trường hợp lao động vi phạm, lao động bỏ trốn để gửi danh sách cho Cục Quản lý lao động ngoài nước và các địa phương chờ xử phạt. Tuy nhiên, có tới 140 trường hợp không xử phạt được bởi các lý do như lao động Việt Nam đã chuyển sang dạng visa với thời hạn dài hơn nhưng không báo cho Đại sứ quán Việt Nam, lao động lập gia đình tại Hàn Quốc…
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem