Lão nông tiết kiệm được vài chục triệu phân thuốc nhờ sản xuất sạch

Thứ ba, ngày 04/07/2017 19:04 PM (GMT+7)
Trăn trở vì phương thức sản xuất cũ không còn mang lại hiệu quả cao, nông dân Trần Bá Chuốt - thành viên Tổ hợp tác Quýt đường GlobalGAP xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung đã quyết tâm học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, áp dụng sản xuất nông sản theo hướng sạch. Đến nay, mô hình nông sản an toàn của ông Chuốt đã thu về “quả ngọt”.
Bình luận 0

img

Vườn cây ăn trái của ông Trần Bá Chuốt luôn đạt hiệu quả cao nhờ áp dụng phương pháp sản xuất sạch

Ghé thăm vườn cây ăn trái của gia đình ông Trần Bá Chuốt ở ấp Tân Khánh, xã Tân Thành, huyện Lai Vung, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi vườn cam, quýt rộng hơn 20.000m2 xanh tốt, trĩu quả. Tranh thủ hái những trái cam xoàn, quýt đường chín mọng, ông Chuốt vui vẻ chia sẻ, đây là năm thứ 4 vườn trái cây sạch nhà ông cho thu hoạch. Mỗi năm vườn cam, quýt này cho thu hoạch 2 vụ.

Để có được vườn cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế như ngày hôm nay là cả quá trình gầy dựng không ít gian nan. Ông Chuốt tâm sự: “Khi nhận thấy sản xuất nông sản theo phương thức cũ không còn mang lại hiệu quả, bởi qua từng năm quá trình sử dụng phân hóa học khiến cho độ phì nhiêu của đất giảm dần. Vì lẽ đó, tôi đã mày mò học hỏi cách sản xuất sao cho phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Từ gợi ý đó tôi bắt đầu bén duyên với mô hình trồng cam, quýt theo hướng sạch”.

Nghĩ là làm, ban đầu, với số vốn chỉ vài triệu đồng, ông Chuốt mua cây giống cam, quýt về trồng thử, sau 3 năm cây bắt đầu cho trái nhưng với số lượng không đáng kể. Mãi đến năm 2011, tích cóp được khoản tiền kha khá, ông Chuốt tiếp tục mua thêm giống về canh tác...

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đến năm 2012 số cây cam, quýt vườn nhà ông đã cho thu hoạch vài chục tấn trái. Tới nay, ông Chuốt tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích và có trong tay 20.000m2 đất trồng cây ăn trái, trong đó cam, quýt chiếm hơn 95%. Vụ mùa 2016, ông thu hơn 60 tấn trái cây với giá trị đạt hơn 300 triệu đồng.

Theo ông Trần Bá Chuốt, cam, quýt trồng có khả năng thích nghi trên rất nhiều loại đất. Điều quan trọng là phải chủ động được nguồn nước tưới cây. Điều may mắn là tất cả các yếu tố từ thổ nhưỡng, khí hậu và nguồn nước ở vùng đất tại địa phương đều rất thuận lợi để cây cam, quýt phát triển.

img

Ông Chuốt chia sẻ: “Trồng nông sản theo hướng sạch không khó, nhưng để thành công đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật, từ cách chọn giống đến các khâu chăm sóc, bón phân... làm sao để cây cho trái đều, ít bị sâu bệnh. Điều quan trọng là tôi luôn chú trọng sử dụng dòng thuốc hữu cơ cho cây, 1 vài loại vi lượng nhất định và các dòng phân hóa học phù hợp từ giai đoạn đầu đến thu hoạch. Tỷ lệ sử dụng trên vườn phải hơn 60% thành phần phân hữu cơ và hạn chế đến thấp nhất phân hóa học. Bên cạnh đó, để phòng bệnh cho cây có hiệu quả, ngoài việc xịt các loại thuốc bảo vệ thực vật chuyên dụng cho cây theo định kỳ, nhà vườn cần tưới nước thường xuyên để rửa các loại nấm bệnh, côn trùng bám đậu trên lá”.

Áp dụng giải pháp sản xuất sạch, mỗi năm, ông Chuốt có thể tiết kiệm được vài chục triệu tiền phân thuốc so với phương thức sản xuất cũ. Như vậy, ngoài giảm chi phí phun xịt thuốc, chất lượng trái an toàn nên cam, quýt luôn có giá cao hơn loại thông thường.

img

Nhờ thực hiện phương pháp sản xuất sạch nên khi kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật nông sản đều đảm bảo chất lượng. Hiện tại, Công ty VinEco thuộc Tập đoàn Vingroup đã bao tiêu toàn bộ sản phẩm cây ăn trái của ông Chuốt và thành viên Tổ hợp tác Quýt đường GlobalGAP xã Vĩnh Thới với giá cao hơn thị trường.

Chính sự tận tâm, tư duy không ngừng đổi mới và khả năng quản lý tốt, ông Trần Bá Chuốt đã đưa nông sản sạch đến gần hơn với người tiêu dùng. Thời gian tới, ông Chuốt sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ, chú trọng quảng bá ưu thế về sản phẩm nông sản sạch đến với người tiêu dùng trong, ngoài nước.

Hoài Minh (Báo Đồng Tháp)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem