Lấp hồ xây chung cư

Mỹ Hằng Thứ tư, ngày 25/12/2019 11:02 AM (GMT+7)
Việc cải tạo chung cư cũ giữa Hà Nội là cần thiết, chỉ có là sẽ quản lý thế nào để khu chung cư mới không bị quá tải, người dân vẫn đảm bảo đủ không gian xanh và không bị tắc thở, tắc cống, tắc đường.
Bình luận 0

Lâu nay người dân Hà Nội đã quá sức chịu đựng các vấn đề môi trường, nào bụi mịn mờ mịt như sương, cây xanh bị chặt nhanh hơn trồng cây mới, sông biến thành cống nước thải, nên dễ hiểu là nghe thấy đề xuất lấp hồ Thành Công xây chung cư mới 35 tầng thì sẽ có rất nhiều phản đối gay gắt.

Tìm hiểu kỹ hơn, chủ đầu tư là Công ty CP Ðầu tư phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) muốn lấp một phần hồ có diện tích gần 4.300m2 để xây 2 tòa nhà tái định cư chất lượng cao, nhưng sẽ đổi lại bằng cách mở rộng diện tích công viên và hồ về phía khu trung tâm đô thị, ở đối diện. Theo đó thì diện tích mặt nước sẽ không thay đổi, thậm chí còn lớn hơn. Các tòa nhà cũ được xây mới giãn ra, 100% dân khu Thành Công sẽ được tái định cư tại chỗ.

Câu chuyện lấp hồ thực sự gây bức xúc. Sau hàng chục năm mải miết xây cất đô thị, gần đây nhìn lại người ta mới thấy ao hồ Hà Nội đã bị bức tử quá nhiều để bê tông hóa. Một số liệu nói rằng 50 năm qua Hà Nội mất 80% diện tích mặt nước, gồm ao hồ, ruộng rau... Một tờ báo dẫn "Báo cáo hồ Hà Nội 2015" của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và cộng đồng cho biết, trong 5 năm 2010 - 2015, trên địa bàn Hà Nội có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn, 7 hồ mới được bổ sung, đưa tổng số ao hồ Hà Nội hiện nay là 122 hồ, giảm 10 hồ so với năm 2010; diện tích nước mặt hồ năm 2015 là gần 7 triệu mét vuông, giảm 72.500m2 so với năm 2010.

Ao rau muống hay vũng nước thải không thể tồn tại như những hồ rác giữa đô thị, nhưng việc lấp hồ vô tội vạ để xây cất mà không có quy hoạch, không có tầm nhìn, đã khiến người Hà Nội giờ phải hối hận.

img

Vihajico đề xuất cắt giảm diện tích mặt hồ Thành Công làm khu nhà tái định cư chất lượng cao.

Nếu làm theo đề xuất của Vihajico, thực chất là lấp đi một góc hồ đẹp nhất để xây dựng thêm 2 tòa nhà chung cư cao tầng… Mặc dù đề xuất này cũng được cơ quan chức năng, chuyên gia đánh giá là “ý tưởng có thể ghi nhận”, nhưng đa phần các ý kiến cho rằng, việc lấp một phần hồ nước và xây dựng các tòa cao ốc ở góc hồ Thành Công sẽ tác động nghiêm trọng đến không gian, cảnh quan tại đây. Góc ngã tư mà chủ đầu tư đề xuất xây cao tầng là phần rất cần được bảo vệ. Hồ Thành Công vốn đã bị thu hẹp sẽ càng chật hẹp hơn. Diện tích mặt nước có thể không thay đổi, nhưng hàng loạt chung cư cao tầng vây quanh thì hồ Thành Công sẽ biến thành “ao làng” tù túng.

Ths.KTS Nguyễn Thành Hưng - Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia, đã lưu ý thế này: Nếu bạn đã ở trong một khu tập thể cũ chật chội, ẩm thấp, dột thấm, thì bạn sẽ rất mong mỏi có một căn chung cư mới rộng rãi, thoáng mát. Thêm chục năm chẳng hạn, biết đâu ở Thành Công sẽ có những dãy nhà sẽ bị xếp vào danh mục có nguy cơ mục nát sập đổ lớn như ở khu Giảng Võ cạnh đó?

Việc cải tạo tập thể là phải làm. Vấn đề ở đây là khi một khu đô thị mới mọc lên, chúng ta có đi lại những vết xe đổ đã có ở ngay giữa Hà Nội: Chủ đầu tư để kiếm lời, biến đất vàng thành những tổ ong khổng lồ với mật độ dân số quá lớn, gây ách tắc giao thông, quá tải hạ tầng, tiêu diệt thiên nhiên môi trường và không gian vui chơi giải trí?

Đất Hà Nội giờ không phải "tấc đất tấc vàng" nữa, mà là "tấc đất cả trăm tấc vàng". Có biết bao khu đô thị mới đã bị nâng vượt tầng đến vài lần so với dự án để xây được số căn hộ tối đa đem bán thu tiền bỏ túi.

Đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, các tuyến đường quanh khu Trung Hòa - Nhân Chính... giờ đã tắc nghẹn vì quá tải các chung cư xung quanh. Các khu phố Pháp giữa trung tâm Hà Nội cũng chen vai thích cánh các tòa nhà văn phòng.

Mật độ cư dân ở khu Thành Công đã rất đông, thậm chí có thể vượt ngưỡng trong vài năm nữa. Vậy thì việc xây chung cư mới sẽ đẩy mật độ dân cư thực tế đến mức nào?

Hiện giờ chủ đầu tư báo cáo mức tăng này ở khu Thành Công là 10%, nhưng con số đó bị nghi ngờ sâu sắc.

Thành Công, Giảng Võ, Nguyễn Công Trứ, Kim Liên - những khu tập thể lớn một thời là lý tưởng với người dân, chứa đựng bao nhiêu ký ức, giờ đối mặt với bài toán giống nhau về quy hoạch đô thị mới.

Không cho nâng tầng, chủ đầu tư không có lợi thì chẳng ai bỏ tiền vào làm. Nhưng nâng tầng đến ngưỡng nào, tăng dân cư đến ngưỡng nào là hợp lý? Đâu là đáp số "win - win", các bên cùng thắng, người dân có nơi ở mới, chủ đầu tư có lãi, thành phố có diện mạo đô thị khang trang, Nhà nước đạt vai trò quản lý?

Trách nhiệm lớn nhất là của chính quyền. Ở đây cần một Nhà nước thông minh để giải ra đáp số “win – win” đó. Nhà nước phải lấy quyền lợi của dân ra làm đầu. Nếu vượt ngưỡng về mật độ cư dân gây hệ lụy sau này thì các bên đều thiệt, mà khổ nhất là người dân.

Hoàn toàn có thể đánh giá được các tác động giao thông, hạ tầng đô thị, tác động môi trường để tính ngưỡng đó bao nhiêu là an toàn. Nếu quá ngưỡng, Nhà nước phải gạt bỏ mọi lợi ích nhóm, kiên quyết từ chối phương án cải tạo này để tính biện pháp khác. Việc quy hoạch, đánh giá thẩm định phải được làm trên nguyên tắc minh bạch, khoa học, chú trọng quyền lợi của dân. Và phải làm dứt khoát, đừng để dân sống khổ sở trong cảnh quy hoạch treo như đã diễn ra ở Giảng Võ, Thành Công.

Chắc hẳn quanh hồ Thành Công, chẳng hộ dân nào chờ đợi bi kịch chỉ cách nhà chừng 1km mà 7h tối đi làm về chưa vượt qua nổi đám tắc đường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem