TS. Đào Ngọc Nghiêm: "Lấp hồ Thành Công là đề xuất không chấp nhận được"

Trần Kháng Thứ hai, ngày 23/12/2019 13:14 PM (GMT+7)
Công ty CP Ðầu tư phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) lại đề xuất lấp một phần hồ Thành Công để xây dựng thêm 3 tòa nhà chung cư cao tầng. Đa phần, đánh giá của các chuyên gia về vấn đề này đều không tán thành và lo ngại sẽ ảnh hưởng đến môi trường, phá vỡ quy hoạch Thủ đô…
Bình luận 0

Vấn đề cải tạo chung cư cũ là câu chuyện bế tắc của Hà Nội suốt hai thập kỷ qua. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng thừa nhận: “Kế hoạch cải tạo lại chung cư cũ được khởi động từ năm 1996 và đến năm 1999 được tiến hành. Cho đến nay mới xây dựng và cải tạo được 14/1579 tòa nhà. Để cải tạo lại chung cư cũ chúng ta phải đảm bảo được lợi ích hài hòa giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước; đảm bảo tiêu chuẩn quy hoạch; và cần phải có nguồn lực”.

Có thể thấy, một trong những vướng mắc chính khi triển khai dự án cải tạo chung cư cũ là việc cân đối lợi ích của 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Phía doanh nghiệp không mặn mà do lợi ích từ việc cải tạo chung cư cũ không hấp dẫn. Trong khi đó, Nhà nước thì lại không muốn gia tăng mật độ dân cư, thay đổi quy hoạch kiến trúc nên không cho phép xây cao tầng.

Mới đây, thông tin Hà Nội đã giao cho 19 nhà đầu tư tự bỏ kinh phí, triển khai lập nghiên cứu, lập ý tưởng quy hoạch cải tạo và thành lập Hội đồng chuyên gia cải tạo chung cư cũ được coi là những dấu hiệu đáng mừng.

Thế nhưng, bên cạnh những đề xuất phương án cải tạo chung cư cũ phù hợp, có đề xuất của doanh nghiệp lại khiến dư luận xôn xao, phản đối. Cụ thể như: phương án mới nhất cải tạo khu tập thể cũ Thành Công (quận Ba Ðình, Hà Nội), Công ty CP Ðầu tư phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) đã đề xuất Hà Nội cho phép điều chỉnh không gian mặt nước hồ Thành Công. Nếu làm theo đề xuất này thực chất là lấp đi một góc hồ đẹp nhất để xây dựng thêm 3 tòa nhà chung cư cao tầng…

img

Đề xuất lấp một phần hồ Thành Công xây chung cư nhận được sự phản đối gay gắt từ chuyên gia, người dân. 

Mặc dù đề xuất trên của Vihajico cũng được cơ quan chức năng, chuyên gia đánh giá là “ý tưởng có thể ghi nhận”, nhưng đa phần, các ý kiến cho rằng, nhà đầu tư cho lấp một phần hồ nước và xây dựng các tòa cao ốc ở góc hồ Thành Công sẽ tác động nghiêm trọng đến không gian, cảnh quan tại đây. Hồ Thành Công vốn đã bị thu hẹp thì nay càng chật hẹp hơn. Diện tích mặt nước có thể không thay đổi nhưng hàng loạt chung cư cao tầng vây quanh hồ thì chẳng khác nào biến hồ Thành Công thành “ao làng” tù túng. Góc ngã tư mà chủ đầu tư đề xuất xây cao tầng là phần rất cần được bảo vệ.

Bởi, theo các chuyên gia quy hoạch, môi trường hồ nước tự nhiên ở Hà Nội nói chung và hồ Thành Công nói riêng liên kết với nhau tạo thành một chuỗi hồ có tác dụng điều hòa không khí, nước mưa. Trong khi nhiều nước trên thế giới đang lấy thêm quỹ đất để xây hồ, trồng cây xanh thì doanh nghiệp lại đề xuất giải pháp ngược lại.

Theo Quyết định số 1495 của UBND TP Hà Nội ngày 18/3/2014 về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quan điểm phát triển của thành phố là tối ưu hóa quỹ cây xanh, mặt nước tự nhiên; Tích hợp các giải pháp cảnh quan với các giải pháp môi trường như gắn liền các mặt nước hiện có thành các công viên, mảng xanh đô thị, kết hợp thoát nước mưa; Bảo tồn diện tích mặt nước hiện có và cải tạo môi trường các hồ ở nội thành Hà Nội,…v..v.

Trao đổi về vấn đề này, TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc và đô thị Hà Nội cho rằng, khi xem xét xây dựng và cải tạo chung cư phải đảm bảo hài hòa cảnh quan và nét đặc trưng của Thủ đô. Đặc biệt, Hà Nội đã có rất nhiều bài học lớn về việc lấp hồ, lấp ao, ảnh hưởng đến môi trường.

Ao hồ, công viên không chỉ là lá phổi của thành phố mà còn có trách nhiệm chứa nước mưa mỗi khi trời mua to. Nhiều bài học đã xảy ra ở Hà Nội, TP.HCM và một số đô thị lớn khi xây dựng đã không giữ được diện tích hồ nên mỗi khi mưa to, không có chỗ thoát dẫn đến ngập lụt.

“Giờ chúng ta đang hướng tới tăng diện tích cây xanh, hồ để diều hòa mà doanh nghiệp lại đề xuất lấp hồ thì không ổn. Hơn nữa, quy hoạch chung thường không cho lấp hồ tạo cảnh quan. Do đó, lấp hồ Thành Công là đề xuất không chấp nhận được ", TS Nghiêm nói.

Cũng theo ông Nghiêm, việc nâng tầng phải tuân thủ theo quy hoạch thủ đô. "Trong quá trình cải tạo chung cư cũ có nhiều giải pháp không bền vững như việc xây ốp, xây chen. Tất cả đến nay đều không ổn định gây khó khăn cho giai đoạn tiếp theo. Phải đảm bảo cho Hà Nội phát triển ổn định lâu dài, phải tuân thủ theo quy hoạch nếu đặc biệt thì phải cân đối trên toàn địa giới thủ đô chứ không phải nhấn vào một vùng nào", ông Nghiêm nhấn mạnh.

img

Hồ Thành Công là lá phổi xanh của Hà Nội. 

Cũng không đồng ý với đề xuất phương án cải tạo tập thể cũ Thành Công, bà Bùi Thị An – nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa XIII cho rằng, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề rất bức xúc tại Hà Nội. Ô nhiễm môi trường đang tác động rất lớn tới xã hội, sự phát triển bềm vững của xã hội…

“Đây là chuyện ngược đời, bởi người ta tạo thêm hồ còn không được, đằng này lại đòi lấp một phần hồ. Hồ là “lá phổi” để điều hòa nước, không khí và môi trường. Chúng ta đã nhìn rõ hậu quả của việc lấp hồ, lấp cống trong quá trình xây dựng, đó là tình trạng ngập lụt trong thành phố”, bà An nhấn mạnh.

Cũng theo bà An, đề xuất là quyền của doanh nghiệp, nhưng lãnh đạo Hà Nội chắc chắn không bao giờ chấp nhận. Bởi, chính quyền luôn đứng về quyền lợi của đại đa số người dân. Cũng như, Chính phủ đã chỉ đạo “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”.

Phản ứng trước đề xuất của Vihajico, nhiều người dân sống quanh hồ Thành Công đều phản đối. Người dân cho rằng, phương án mà doanh nghiệp đề xuất không phải nhằm mục đích dãn dân mà tất cả phục vụ cho mục đích kinh tế. Đặc biệt, việc lấp hồ xây chung cư trong bối cảnh Hà Nội đang bị ô nhiễm không khí nặng lại càng vô lý. Hàng loạt công trình cao tầng sẽ tạo ra áp lực lớn đối với hạ tầng giao thông, ô nhiễm…

Trước đó, khoảng tháng 4/2017, tại hội thảo cải tạo chung cư cũ, lãnh đạo Vihajico đã đưa ra đề xuất nâng tầng chung cư và lấy 1ha diện tích hồ Thành Công phục vụ tái định cư tại chỗ… Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cũng từng thừa nhận: “Có những đề xuất mà ngay cả thành phố chưa thể quyết được, ví dụ lấy một ha hồ Thành Công làm nhà cho dân. Đề xuất này được cho dân, được cho doanh nghiệp nhưng liệu thành phố có dám xóa bỏ quy hoạch chỗ đó không? Chủ đầu tư nói sẽ đào thêm hồ chỗ khác, chắc gì đã làm được”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem