Lát đá vỉa hè ở Hà Nội: Đá tự nhiên hay gạch giả đá đều vỡ nát như nhau

Nhật Minh Thứ năm, ngày 08/12/2022 11:50 AM (GMT+7)
Quan sát bằng mắt thường có thể nhận thấy, vật liệu được dùng để lát lại vỉa hè trên phố Trần Duy Hưng (Cầu Giấy) là loại gạch giả đá chứ không phải loại đá tự nhiên nguyên khối có độ bền lên tới 70 năm.
Bình luận 0

Tất cả đều vỡ nát

Năm 2016, Hà Nội ban hành quy định mới về cải tạo hè phố. Trong đó, thành phố (TP) đặt mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm.

Sau quy định đó, Hà Nội ồ ạt đào xới vỉa hè để thay đá trên nhiều tuyến phố thuộc địa bàn các quận trung tâm như Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm. Người Hà Nội được dịp vui mừng vì trong khoảng một thời gian dài họ sẽ không còn phải chứng kiến cảnh đào xới vỉa hè vào những dịp cuối năm.

Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, từ hí hửng vui mừng chuyển sang thất vọng. Có những tuyến phố vỉa hè được lát loại đá có đội bền tới 70 năm thì chỉ sau khoảng 2 năm đã xuống cấp, nhiều đoạn vỡ nát như tương.

Lát đá vỉa hè ở Hà Nội: Đá tự nhiên hay gạch giả đá đều vỡ nát như nhau - Ảnh 1.

Hình ảnh vỉa hè nát như tương trên phố Trần Duy Hưng.

Lát đá vỉa hè ở Hà Nội: Đá tự nhiên hay gạch giả đá đều vỡ nát như nhau - Ảnh 2.

Vật liệu được dùng để lát vỉa hè phố Trần Duy Hưng là gạch giả đá.

Trên phố Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy), con phố đã được lát đá vỉa hè cách đây khoảng một thời gian. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hình hài của một vỉa hè sáng bóng, sạch sẽ không còn mà thay vào đó là cảnh đá lát vỉa hè bong tróc, vỡ nát, nhếch nhác.

Một người dân sống trên phố Trần Duy Hưng phàn nàn: "Vài năm trước họ ồ ạt đào xới vỉa hè rồi lát lại, tưởng rằng sẽ được lâu nhưng không ngờ chỉ vài năm vỉa hè đã nát bét. Mới đây họ lại đào lên thay thế, chỗ nhà tôi may mắn được họ thi công xong nhưng nền vỉa hè còn rất bẩn, nhìn chẳng rõ viên gạch".

Vòng sang bên kia đường, một nhóm công nhân gồm có 2 người đang thảnh thơi lát lại một đoạn vỉa hè, họ làm việc một cách bàng quan trước ánh mắt của nhiều người đi đường. Quan sát bằng mắt thường có thể nhận thấy vật liệu được dùng để lát lại vỉa hè trên phố Trần Duy Hưng là loại gạch giả đá, hàng đúc gồm có đá cuội, cát, xi măng chứ không phải loại đá xanh nguyên khối.

Lát đá vỉa hè ở Hà Nội: Đá tự nhiên hay gạch giả đá đều vỡ nát như nhau - Ảnh 3.

Một công nhân đang lát lại vỉa hè trên phố Trần Duy Hưng.

Lát đá vỉa hè ở Hà Nội: Đá tự nhiên hay gạch giả đá đều vỡ nát như nhau - Ảnh 4.

Những viên gạch giả đá bị vỡ khi va chạm với gờ vỉa hè trên phố Trần Duy Hưng.

Cách đó không xa, cả một đoạn vỉa hè dài, rộng hàng chục m2 cũng đang trong cảnh vỡ nát như tương cần phải lát lại. Theo quan sát, đoạn vỉa hè này có gờ cao, không phải là nơi ô tô, xe máy có thể lưu thông hay dừng đỗ.

Khác với phố Trần Duy Hưng, vật liệu được dùng để lát lại vỉa hè trên phố Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa) được cho là đá tự nhiên nguyên khối, từ đá lát nền đến phần đá dùng để bó vỉa hè.

Lát đá vỉa hè ở Hà Nội: Đá tự nhiên hay gạch giả đá đều vỡ nát như nhau - Ảnh 5.

Vật liệu lát vỉa hè trên phố Nguyễn Chí Thanh được cho là đá tự nhiên.

Lát đá vỉa hè ở Hà Nội: Đá tự nhiên hay gạch giả đá đều vỡ nát như nhau - Ảnh 6.

Công nhân rất vất vả khi thi công những phần bo gốc cây, trụ điện.

Một nam công nhân khoảng ngoài 40 tuổi tên T (quê Yên Bái), bên ngoài mặc một chiếc áo mưa mặc dù trời không mưa, khuôn mặt lem nhem vì bụi đá đang hì hục ghép từng viên đá trên vỉa hè một cách chậm rãi. Khi phóng viên hỏi một số thông tin liên quan như công trình làm khi nào thì xong, hay một ngày làm như vậy họ trả bao nhiêu tiền công thì chỉ nhận được cái lắc đầu không biết.

Trên trục đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), thi thoảng lại bắt gặp những đoạn vỉa hè nát như tương. Đây là trục đường huyết mạch mà quận Thanh Xuân đã chọn để lát đá vỉa hè có độ bền được cho là "vĩnh cửu". Vỉa hè trục đường Nguyễn Trãi chưa được cải tạo, thay thế những đoạn đá bị vỡ nát, bong tróc.

Một người dân sinh sống trên trục đường Nguyễn Trãi cho biết: "Trục đường này nhiều đoạn bị vỡ nát lắm, không hiểu sao đá lát vỉa hè có độ bền lên tới 70 năm rồi mà chỉ được một thời gian ngắn đã vỡ như vậy. Mà tôi thấy vỉa hè ở Hà Nội vẫn thường vỡ nát, xuống cấp như thế từ đá tự nhiên đến gạch giả đá".

Lát đá vỉa hè ở Hà Nội: Đá tự nhiên hay gạch giả đá đều vỡ nát như nhau - Ảnh 7.

Hình ảnh vỉa hè vỡ nát trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân).

Lát đá vỉa hè ở Hà Nội: Đá tự nhiên hay gạch giả đá đều vỡ nát như nhau - Ảnh 8.

Đây là loại đá được cho là có độ bền 70 năm, vỡ không còn một viên nào lành lặn.

Đề cập tới vấn đề này, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội - cho rằng vật liệu lát trên vỉa hè là vấn đề được ngành giao thông công chính nghiên cứu lâu dài với ứng dụng khác nhau như gạch terrazzo, gạch block… Tuy nhiên, lát vật liệu nào cần gắn với đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, chứ không phải chỉ có vỉa hè.

Vật liệu lát các tuyến phố phải đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế và người dân tán thành. Các tuyến phố hiện nay chủ yếu phục vụ kiến trúc cảnh quan nhưng có những tuyến phố phục vụ đi bộ, lối ra vào các công trình dịch vụ thương mại công cộng với cao độ khác nhau: Dốc, phẳng hay nằm ven cảnh quan như khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Từ 4 nhóm lý do như vậy nhất thiết phải nghiên cứu phân loại các tuyến phố để chỉ định được các loại vật liệu thích hợp, chứ không nên áp đặt một loại vật liệu duy nhất cho các tuyến phố.

Lát đá vỉa hè ở Hà Nội: Đá tự nhiên hay gạch giả đá đều vỡ nát như nhau - Ảnh 9.

Hình ảnh viên gạch giả đá vỡ trên phố Trần Duy Hưng.

Còn tồn tại trong việc xác định giá đá lát vỉa hè

Ngày 13/02/2018, Thanh tra Thành phố đã có thông báo số 675/TBKL-TTTP về kết luận thanh tra các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè các tuyến phố trên địa bàn một số quận thành phố Hà Nội.

Trong kết luận khẳng định có phần tồn tại trong việc xác định giá đá lát hè, tính đơn giá nhân công lát đá hè khi lập, thẩm định, phê duyệt các dự án. Từ việc áp dụng giá đá, đơn giá nhân công, đơn giá máy lát đá vỉa hè không đồng nhất nêu trên đã dẫn đến việc hiểu không đúng của các doanh nghiệp, người dân và dư luận.

Kết luận trên cũng đã chỉ rõ trách nhiệm những tồn tại trên thuộc cơ quan quản lý Nhà nước được giao thẩm định dự án (Phòng Quản lý đô thị các quận; Phòng Quản lý xây dựng - Sở Xây dựng), Ban QLDA Đầu tư xây dựng các quận mà trực tiếp là Trưởng phòng Quản lý đô thị các quận, Trưởng Phòng Quản lý xây dựng - Sở Xây dựng, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các quận và các cán bộ được giao theo dõi dự án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem