Năm 1984, xuất ngũ, ông Đính về làm công nhân ở Xí nghiệp thi công cơ giới 13 Hà Nội. Làm được một thời gian thấy nghề nghiệp không phù hợp, ông về quê tham gia công an rồi cán bộ văn hóa xã.
|
Ông Đính giới thiệu phật thủ - cây mới ở Đắc Sở. |
Nông dân không thể đứng ngoài Hội
Ngày ấy, ở quê ông tỷ lệ hộ nghèo trong xã lên tới 30%. Cây trồng chủ yếu của ND là lúa, cam Canh, bưởi Diễn. "Tôi muốn làm gì đó để giúp bà con. Và tôi đã làm đơn xin vào Hội ND để có điều kiện thực hiện ước vọng của mình” - ông Đính tâm sự. Năm 2006, Đại hội Hội ND xã, ông được bầu làm Chủ tịch Hội ND xã. Mới đây, ông tiếp tục được hội viên tín nhiệm bầu làm Chủ tịch.
Điều ông băn khoăn ngày mới nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội ND là Đắc Sở có 900 hộ ND, mà mới chỉ có hơn 200 hội viên Hội ND. Hội là tổ chức đại diện cho quyền lợi chính đáng của ND, thì phải làm sao để ND không đứng ngoài Hội. Muốn vậy, Hội phải biết ND cần gì, khó khăn gì để giúp họ. Từ suy nghĩ này, ông cùng với BCH Hội ND xã xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động giúp ND, trước hết là phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Giờ đây, số hội viên ND toàn xã đã tăng gấp 4 lần, với hơn 800 hội viên. Hầu hết hội viên tự giác tham gia sinh hoạt, đóng hội phí. Nhờ đó, chi hội nào cũng có quỹ hoạt động, bình quân 10 triệu đồng/chi hội. Tuy số tiền chưa nhiều, nhưng quỹ đã giúp một số hộ hội viên khó khăn vay với lãi suất thấp để đầu tư vào sản xuất...
Hội viên Tạ Văn Tâm, đội 3, thôn Đông Hạ cho biết: “Hội viên thích đi sinh hoạt, bởi Hội thường xuyên tổ chức hội thao, văn nghệ cho ND. Xã tôi có một đội văn nghệ ND, vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Hội NDVN hay xã có các sự kiện lớn, đội văn nghệ lại biểu diễn phục vụ bà con”.
Mở hướng đi mới
Trước kia, ngoài cây lúa, ND Đắc Sở trồng cam Canh, bưởi Diễn. Một thời, cam Canh, bưởi Diễn đem về nguồn thu đáng kể cho bà con. Song, do nhiều nơi trồng, nên bưởi, cam ngày một khó khăn trong tiêu thụ, giá bán cũng giảm.
“Ngày trước, một vài hộ trong xã trồng phật thủ, nhưng chủ yếu để bày dịp tết. Tìm hiểu, tôi thấy phật thủ là quả người dân dùng vào việc tâm linh, quả bình thường có giá vài chục nghìn đến 100.000 đồng, còn quả ngón dài, đẹp có thể tới vài triệu đồng. Tôi nghĩ, sao không trồng phật thủ" - ông Đính kể.
Ông Đính luôn hiểu nông dân chúng tôi thiếu gì, cần gì để giúp đỡ kịp thời.
Anh Tạ Văn Tâm
Song, để chuyển sang cây trồng mới không phải dễ. Trước khi vận động bà con, ông Đính trồng thử nghiệm 2 sào phật thủ trên ruộng của gia đình mình. Điều ông muốn chứng minh với bà con đã đúng. Phật thủ sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, không mất nhiều công chăm sóc. Vụ phật thủ đầu tiên, gia đình ông thu hơn 100 triệu đồng. Không cần vận động nhiều, nhiều hộ trong xã học theo ông Đính trồng phật thủ.
Ông Đính cho biết, đến nay, hơn 500 hộ trong xã trồng phật thủ. Xã có 80ha đất nông nghiệp thì diện tích trồng phật thủ tới 60%. Nguồn thu từ phật thủ chiếm gần 60% tổng thu nhập của xã. Nhiều hộ mỗi năm thu trên 1 tỷ đồng từ phật thủ. Chị Nguyễn Thị Thảo, trồng 6 sào phật thủ cho biết, mỗi năm bán phật thủ, chị có 300 triệu đồng. “Cuộc sống của ND chúng tôi ngày càng khá giả, trong đó có phần đóng góp công sức không nhỏ của ông Đính - Chủ tịch Hội ND xã".
Để giúp ND sản xuất hiệu quả, năm nào Hội ND xã cũng mở 1-2 lớp dạy nghề; tổ chức chuyển giao kỹ thuật trồng phật thủ, lúa... cho ND; phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện dạy nghề cắt may, gò hàn, làm cây cảnh. Đồng thời, giúp ND vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NNPTNT...
Lan Dương - Trang Lê
Vui lòng nhập nội dung bình luận.