Huy động tổng lực giải pháp giảm lao động bỏ trốn
Thông tin mới nhất từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) cho biết, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2018 tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước tại Hàn Quốc đã chiếm đến 41,38%, cao hơn 12,49% so với tỷ lệ cả năm 2017. Tỷ lệ này cũng cao gấp 2,5 lần so với các quốc gia có lao động phái cử sang Hàn Quốc làm việc. Rõ ràng mục tiêu giảm 30% tỷ lệ lao động Việt Nam hết hợp đồng bỏ trốn của Việt Nam và phía Hàn Quốc là không đạt được.
Lao động Việt Nam làm việc tại trang trại ở ngoại thành thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: M.N
Ông Nguyễn Gia Liêm – Phó cục trưởng Cục QLLĐNN cho biết, hiện nay Việt Nam đã triển khai đồng bộ 6 giải pháp nhằm hạn chế tình trạng lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc bỏ trốn. Cụ thể là: Tuyên truyền vận động; thực hiện ký quỹ 100 triệu đồng với lao động trước khi xuất cảnh; xử phạt với lao động vi phạm hợp đồng bỏ trốn; phối hợp với phía Hàn Quốc thực hiện truy quét, xử phạt lao động; xử phạt với doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động bất hợp pháp là người Việt Nam. Gần đây nhất hai bên đã bàn giải pháp thứ 6 là thực hiện ân hạn, đặc cách cho lao động hết hạn hợp đồng về nước được phép quay lại Hàn Quốc làm việc.
Ngoài việc tuyên truyền thường xuyên, Bộ LĐTBXH, Cục QLLĐNN và Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) đã phối hợp với Sở LĐTBXH các địa phương tổ chức một “chiến dịch” mới: tổ chức các hội nghị tuyên truyền và đến tận nhà vận động người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS về nước đúng quy định. Mới đây, ngày 7.9, các bên đã tổ chức hội nghị tuyên truyền vận động tại tỉnh Bắc Giang.
Ông Nguyễn Thế Dũng – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Giang cho biết, mỗi năm tỉnh Bắc Giang đưa được 4.000 - 4.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài và hiện khoảng 25.000 lao động tạo địa phương này đang làm việc ở nước ngoài. Trong đó, lao động đi theo Chương trình EPS tại Hàn Quốc luôn được nhiều lao động Bắc Giang đăng ký tham gia. Do chương trình EPS có chi phí xuất cảnh thấp nhưng có thu nhập cao, quy trình tuyển chọn lại đơn giản nên tại các kỳ kiểm tra tiếng Hàn đều có từ 1.000 - 2.500 lao động tham gia. Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 2.100 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình này, trong đó 7 tháng đầu năm nay có hơn 300 lao động xuất cảnh, với mức lương cơ bản từ 20 đến 30 triệu đồng/người/tháng.
“Hiện Bắc Giang có 3 huyện có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao bị tạm dừng xuất cảnh là: Lục Nam, Yên Dũng, Lạng Giang. Đến tháng 4.2018, do tỷ lệ lao động 2 huyện Yên Dũng, Lạng Giang đã giảm mạnh còn dưới 30% nên phía Hàn Quốc đã đưa 2 huyện này ra khỏi danh sách không được tham gia chương trình EPS năm 2018” – ông Dũng thông tin.
Bộ LĐTBXH đã giao Cục QLLĐNN và Trung tâm Lao động ngoài nước tổ chức các hội nghị tuyên truyền vận động người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc về nước đúng hạn. Chương trình này tổ chức tại 5 tỉnh là Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ, Bắc Ninh và Bắc Giang. Hiện nay Bộ LĐTBXH triển khai khá nhiều giải pháp nhưng Bộ luôn xác định coi công tác tuyên truyền, vận động người lao động về nước đúng hạn là nhiệm vụ trọng tâm. Đây được xem là vấn đề cốt lõi và là cái gốc để giải quyết vấn đề này, làm sao không chỉ là lợi ích của cá nhân, mà là lợi ích của cộng đồng, của cả quốc gia”.
Ông Nguyễn Gia Liêm
|
Ông Dũng cũng cho biết, dù đã có nhiều nỗ lực để vận động lao động về nước nhưng tới nay, tỷ lệ lao động của tỉnh cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài vẫn còn rất cao. Tính tới tháng 8.2018, tỉnh Bắc Giang vẫn còn 528 lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Chế tài xử phạt chưa đủ mạnh
Có thể thấy, mặc dù giải pháp hạn chế lao động bỏ trốn không thiếu và được triển khai tích cực, nhưng đến nay tỷ lệ lao động bỏ trống không những không giảm mà con tăng so với năm 2017. Bà Phạm Ngọc Lan – Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết, hiện phía Hàn Quốc cũng có quy định, chế tài đối với doanh nghiệp sử dụng lao động bất hợp pháp. Đối với những doanh nghiệp sử dụng lao động bất hợp pháp, khi bị phát hiện sẽ bị xử phạt 20 triệu won (tương đương với 20.000 USD, khoảng 450 triệu đồng).
“Chúng tôi thường xuyên trao đổi với phía Hàn Quốc để tìm giải pháp, cụ thể đã thực hiện giải pháp như truy quét lao động bỏ trốn, ân hạn cho lao động bỏ trốn về nước. Thực hiện đặc cách cho lao động quay về nước đúng hạn có thể quay lại Hàn Quốc làm việc” – bà Lan nói.
Tuy nhiên, bà Lan cũng thừa nhận có nhiều giải pháp đưa ra không thực hiện được trong thực tế do vướng mắc trong khuôn khổ pháp luật, hoặc thực hiện như hiệu quả không cao. Ví dụ như chế tài xử phạt khi lao động hết hạn hợp đồng không về nước, hay quy định ký quỹ...
Ông Nguyễn Gia Liêm cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là do công tác tuyên truyền, vận động lao động tại nhiều tỉnh thành chưa quyết liệt, chưa hiệu quả. “Đây chính là lý do khiến tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp trong 7 tháng của năm nay tăng cao. Cùng với đó là chế tài xử lý lao động làm việc và cư trú bất hợp pháp của Hàn Quốc và Việt Nam chưa đủ mạnh để răn đe chủ sử dụng lao động Hàn Quốc và người lao động Việt Nam. Trong khi đó, cơ hội tìm kiếm việc làm trong nước đối với người lao động trở về còn gặp nhiều khó khăn. Chênh lệch về thu nhập giữa việc làm trong nước và Hàn Quốc quá cao khiến nhiều lao động tìm cách trốn ở lại làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc... Đây cũng là tình trạng chung đang diễn ra tại các tỉnh, thành phố có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao tại Hàn Quốc hiện nay” – ông Liêm phân tích.
Từ phía địa phương, ông Phạm Chí Dũng – Phó trưởng phòng Lao động huyện Yên Dũng (Bắc Giang) cho rằng, để giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn xuống dưới mức 30% theo yêu cầu của phía Hàn Quốc, cần tăng cường quản lý lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc sử dụng lao động bất hợp pháp đối với các doanh nghiệp và hành vi cư trú bất hợp pháp của người lao động.
Ông Nguyễn Lương Trào – Chủ tịch Hiệp Hội xuất khẩu lao động Việt Nam: Nâng cao chất lượng tuyển chọn
Theo tôi, điều quan trong nhất để có thể giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn là phải nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho lao động trước khi họ đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng… Khi có kiến thức, hiểu đúng bản chất, họ sẽ không làm sai. Thêm vào đó, cần hỗ trợ họ những cơ hội việc làm trong nước, hoặc việc làm khác bao gồm cả quyền được quay lại Hàn Quốc làm việc nếu về nước đúng hạn. Có như vậy lao động mới yên tâm làm việc và về nước đúng hạn.
Ông Ngô Minh Đoàn – Phó chủ tịch UBND huyện Lạng Giang (Bắc Giang)
Xét tiêu chí gia đình văn hóa
Hiện nay huyện Lạng Giang đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giảm lao động bất hợp pháp của địa phương ở Hàn Quốc. Ngoài việc huy động các tổ chức đoàn thể như nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh… thực hiện tuyên truyền, địa phương còn đưa vấn đề gia đình có con em bỏ trốn khi đi xuất khẩu lao động vào việc xét tiêu chí gia đình văn hoá, hay tiêu chí đánh giá đảng viên tại cơ sở…
Minh Nguyệt (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.