Lễ cúng voi nhập buôn

Thứ hai, ngày 14/03/2011 07:09 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Người Mnông, Ê Đê ở Buôn Đôn (Đăk Lăk), sớm biết được nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng và đã trở thành nghề cha truyền con nối.
Bình luận 0

Mỗi khi bắt được voi rừng, người Mnông, Ê Đê không bao giờ đưa ngay voi vào trong buôn mà buộc voi ở đầu bìa rừng gần buôn làng, nơi có cỏ, có suối nước, có bãi tập để thuần dưỡng voi mỗi ngày. Sau khi voi được thuần phục, trở nên thân mật và quyến luyến với chủ cũng là lúc chuẩn bị đưa voi về nhập buôn.

Trong ngày đưa voi về nhập buôn, người Mnông, Ê Đê tổ chức lễ cúng rất trang trọng. Lễ cúng cầu sức khỏe cho voi, sự bình yên và cầu chúc sự phát đạt cho chủ voi để thần linh và dân làng chứng giám chú voi mới, đã hiển nhiên trở thành một thành viên quý của cộng đồng; từ nay voi mới được đối xử như những chú voi khác; được tham gia lễ hội trong buôn làng và theo phép tắc, tập tục của buôn làng...

Thầy cúng được mời trong buổi cúng voi phải là thầy cúng giỏi, có uy tín và am hiểu tập tục của đồng bào. Thầy cúng cùng với các nài voi trong buôn đến nhà chủ voi chuẩn bị lễ vật, cùng ăn và uống rượu với gia đình. Lễ cúng được coi là sang trọng và tươm tất khi gia chủ làm trâu ăn mừng, bình thường là heo, nếu không cũng phải là gà… tùy thuộc vào gia cảnh của chủ voi. Các lễ vật bắt buộc đi kèm là rượu cần ít nhất 3 ché, 1 chén gạo có gắn đèn sáp ong, 1 chén cơm, 1 bầu nước, một vài đĩa lòng lợn, lòng gà...

Trước khi cúng cho voi, thầy cúng phải làm nghi lễ cúng cầu sức khỏe, bình an cho gia đình chủ voi; nghi lễ trang trọng nhất trong buổi lễ là việc cúng thần Nguăl (thần voi) được tiến hành ở ngoài sân và trên sàn nhà. Voi rừng mới thuần dưỡng được cúng như thế nào, thì chú voi nhà có công bắt được voi rừng và thuần dưỡng voi rừng cũng được cúng như thế; chỉ có điều người nài của voi mới thuần dưỡng được cầm đầu trâu, hay đầu heo và được mặc áo thổ cẩm mới.

Thầy cúng vừa làm lễ nghi, vừa đọc những câu khấn thần xen lẫn trong tiếng cồng chiêng, tạo nên một không gian huyền bí và linh thiêng. Trong khi cúng voi, thầy cúng không quên cúng và chúc phúc cho nài voi, vì nài voi là người có quan hệ mật thiết với thần voi phải kiêng cữ để giữ mình cho sạch; hết lòng chăm sóc cho voi đến khi voi lìa đời. Người Mnông, Ê Đê tin rằng nài voi không chịu kiêng cữ, hay trong buôn có người làm chuyện xấu, thì voi cũng trở chứng và làm chuyện xấu.

Lễ cúng voi nhập buôn mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp, thể hiện lòng yêu thương quý trọng của con người đối với vật nuôi có giá trị và qua đó nhắn nhủ mọi người hãy chăm sóc và bảo vệ đàn voi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem