Như cây có cội
Sáng 23.1, Ban vận động hiến tặng kỷ vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam (BT BCVN) tổ chức lễ phát động hiến tặng đầu tiên của khu vực phía Bắc tại Hà Nội. Rất đông các cơ quan báo chí, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức các nhà báo và thân nhân các nhà báo lão thành đã có mặt tham dự buổi lễ xúc động này. Một lược sử hình thành báo chí Việt Nam trong vòng 150 năm tính từ tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên– Gia Định Báo- đã được tái hiện sinh động trong ký ức của rất nhiều người.
Tổng Biên tập Lưu Quang Định (giữa) thay mặt Báo NTNN trao tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Lê Tâm
Ông Hà Minh Huệ- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Đề án xây dựng BT BCVN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thông qua vào tháng 8.2014. Hội Nhà báo đã ấn định ngày khai trương của bảo tàng là 21.6.2016, giai đoạn tiếp theo sẽ là quá trình dài tiếp tục sưu tầm, tìm kiếm hiện vật. Do chưa có tòa nhà riêng cho bảo tàng nên toàn bộ mặt sàn rộng 1.500m2 của tầng 3 tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam ở khu đô thị mới Mỹ Đình sẽ được trưng dụng làm bảo tàng. Sau này Hội sẽ xin xây dựng một tòa nhà bảo tàng riêng cho đúng với quy định, bởi vì BT BCVN đã được Thủ tướng phê duyệt là bảo tàng cấp quốc gia”.
Một “chiến dịch” của Ban vận động hiến tặng kỷ vật cho BT BCVN đã được mở ra từ lúc đề án xây dựng bảo tàng được thông qua. Suốt mấy tháng nay, các thành viên của ban đã chạy đôn chạy đáo khắp nơi, gặp gỡ, liên lạc với các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tàng, các nhà báo lão thành để lên bộ khung cho những nội dung trưng bày đầu tiên và tìm kiếm hiện vật.
Có những nhà báo đã tự tìm đến để tặng những hiện vật quý giá nhất của cuộc đời họ, ví dụ như nhà báo, NSƯT Việt Tùng từ Nha Trang lặn lội ra Hà Nội để tặng bức ảnh Bác Hồ đang đánh máy chữ do nhiếp ảnh gia Nguyễn Tiến Đàm chụp. Chiếc máy chữ của nhà báo Giang Nam gắn bó với suốt cuộc đời ông cũng được gia đình đem đến tặng.
Nhà báo Hữu Thọ- nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương cho biết: “Việc xây dựng BT BCVN là việc đáng lẽ chúng ta phải làm từ lâu rồi, bởi giống như chim có tổ, cây có cội, nước có nguồn, những người làm báo phải có một ngôi nhà chung, có gốc rễ để các thế hệ về sau biết được cha ông họ đã lao động và cống hiến thế nào. Tuy nhiên việc đánh giá báo chí trước cách mạng thì rất dễ nhất trí, nhưng còn báo chí trong giai đoạn 1954-1975 thì sẽ rất khó, vì các báo chí trung lập thì sẽ thế nào, tôi cho là rất cần phải nghiên cứu kỹ và đánh giá chính xác, thận trọng”.
Hiến tặng câu chữ, bút lực
Trong buổi lễ hiến tặng hiện vật, có lẽ gây xúc động nhiều nhất là phần hiến tặng hiện vật của gia đình các nhà báo lão thành. Hai vợ chồng ông bà Cao Đắc Điểm và Ngô Thị Thanh Lịch- con gái và con rể của nhà văn, nhà báo Ngô Tất Tố dù tuổi cao sức yếu vẫn cùng nhau mang đến toàn bộ các ấn phẩm quý về cha mình. Con rể của nhà văn xúc động nói: “Gia đình chúng tôi mang đến đây không chỉ những tổng tập, tác phẩm quý của nhà báo Ngô Tất Tố mà còn là câu chữ, bút lực của ông để hiến tặng cho bảo tàng. Cha chúng tôi không chỉ là một nhà văn mà còn là một nhà báo lớn, luôn đau đáu tấm lòng với nhân dân và đất nước. Những đóng góp của ông cho làng báo Việt Nam từ những tờ báo đầu tiên xuất bản ở Hà Nội, lịch sử báo chí đã ghi rõ”.
Ông Trần Chiến Thắng- nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, con trai cố nhà báo Hoàng Tùng - nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương khóa V; nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, mang đến tặng bảo tàng chiếc mũ và chiếc máy ảnh- 2 vật gắn bó thiết thân với cha mình. Ông rưng rưng tâm sự: “Những kỷ vật này là những món đồ quý giá của gia đình chúng tôi, cha tôi mất mấy năm rồi, nhưng mỗi khi nhìn vào đó, các con các cháu thấy như ông vẫn đang hiện diện trong gia đình. Thế nhưng gia đình vẫn quyết định mang đến tặng bảo tàng và tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục đóng góp thêm nhiều kỷ vật nữa bởi suy nghĩ: Sự nghiệp lớn nhất của cuộc đời cha tôi là báo chí, vì vậy chắc quyết định này của chúng tôi sẽ khiến ông hài lòng”.
Bất ngờ nhất là nhạc sĩ Phạm Tuyên, con trai của cố nhà báo Phạm Quỳnh- ông chủ bút tạp chí Nam Phong, cho biết, cả đêm trước buổi lễ hiến tặng, ông đã ngồi suy nghĩ, tìm kiếm và cuối cùng quyết định mang theo một bộ sưu tập các tờ Nam Phong và tờ báo Xuân đầu tiên của tạp chí Nam Phong. Ông bảo: “Quyết định này cũng bất ngờ ngay cả với tôi, bởi tôi luôn muốn giữ những kỷ vật này cho gia đình, dòng họ. Tôi cứ mang theo đến đây nhưng cũng không dám hứa trước với các anh chị trong Ban tiếp nhận hiện vật là sẽ tặng cho bảo tàng. Đến đây chứng kiến buổi lễ quá xúc động, quá trang trọng, tôi mới quyết định tặng cho BT BCVN, tôi muốn nhiều người được biết về công trình tâm huyết của cha tôi”.
Thay mặt cho Ban tiếp nhận hiện vật BT BCVN, ông Hà Minh Huệ đã cảm ơn tấm lòng của tất cả những tổ chức, cá nhân đã đến hiến tặng hiện vật và thông báo tới đây, Ban tổ chức sẽ tiếp tục tiến hành một buổi lễ tương tự tại khu vực phía Nam.
Báo NTNN đã tặng cho BTBCVN bức ảnh “Nhánh lan rừng trên đường về bản” - tác phẩm đoạt giải Nhất ảnh đơn trong Cuộc thi ảnh “Đất và Người” do Báo NTNN tổ chức năm 2014; và tặng một số tờ báo mà báo đã xuất bản trong 30 năm qua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.