Tham dự lễ hội, ngoài các vị trưởng, phó các thôn còn có sự góp mặt của một số vị lãnh đạo UBND xã Thuận Thiên và UBND huyện Kiến Thụy.
Tại Lễ hội Minh thề, ban thờ được sắp đặt tuy đơn giản nhưng vẫn rất trang nghiêm. Những người có chức sắc trong làng tương ứng với các chức trưởng thôn, phó thôn sẽ là những nhân vật chính, những người tham gia thề tại lễ hội. Một con dao nhọn sắc, một con gà trống thiêng và một bình rượu được đặt ngay dưới ban thờ chuẩn bị cho nghi lễ.
Các chức sắc trong làng uống rượu thề trong lễ hội.
Mọi thủ tục diễn ra rất nhanh gọn, từ động tác đi lại của đội lễ đến các phần dâng lễ hay nghi thức đều được tối giản theo mong muốn tiết kiệm, hiệu quả nhưng không kém phần trang nghiêm.
Phần nghi lễ cắt tiết gà hòa rượu ăn thề là phần được quan tâm nhất trong Lễ hội Minh thề. Các vị chức sắc trong làng phải uống rượu thề làm việc chí công vô tư và đọc câu: "Ai dùng của công vào việc riêng, tham nhũng thì bị thần linh đả tử". Sau khi các vị chức sắc trong làng uống rượu thề xong, những người tham gia chứng kiến cũng sẽ uống rượu thề.
Cắt tiết gà hòa vào rượu để uống rượu thề không tham nhũng.
Theo ghi nhận của Dân Việt, tại buổi lễ này có nhiều lãnh đạo UBND huyện Kiến Thụy và UBND xã Thuận Thiên cũng tham dự. Tuy nhiên, các vị này không tham gia vào việc uống rượu thề.
Ông Nguyễn Văn Tuyên (trú tại làng Hòa Liễu, Thuận Thiên, Kiến Thụy, Hải Phòng) người tham gia nghi lễ thề ở lễ hội giải thích: “Sở dĩ các vị lãnh đạo huyện, xã có mặt tại lễ hội nhưng không uống rượu thề bởi đây là lễ hội của thôn, làng, ở cấp thôn làng nên chỉ có lãnh đạo thôn đọc lời thề mà thôi”.
Chủ tịch UBND xã Thuận Thiên phát biểu tại lễ hội.
Theo một người lớn tuổi trong làng, Lễ hội Minh thề của làng Thuận Thiên độc đáo ở chỗ, đây là dịp giáo dục con cháu, các vị chức sắc trong làng quán triệt tinh thần chí công vô tư, không biến của công thành của tư. Tinh thần của Lễ hội cũng cho thấy, những ai trong làng bao che tội phạm, chứa chấp của gian tà sẽ bị thần linh trừng phạt.
Chủ lễ đọc bài hịch thề.
Theo lịch sử, Lễ hội Minh thề có từ năm 1561, khi vợ của Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung là Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản lập ra ấp Lan Niểu, nay là làng Hòa Liễu. Cùng với đó, bà huy động hoàng thân quốc thích và quan lại triều đình góp tiền để tu tạo ngôi chùa cổ Thiên Phúc Tự.
Số tiền quyên góp dư ra để mua hơn 47 mẫu ruộng. Số ruộng này sau khi chia cho dân đinh cày thì phần còn lại là ruộng công dùng cho người có nhu cầu "đấu thầu" để canh tác.
Những người nhận ruộng công sẽ phải trả lại một phần hoa màu để làm một "quỹ" dự trữ dùng vào việc cứu đói, giúp người nghèo, cô nhân, quả phụ.
Để đề phòng tư lợi, Thái hoàng Thái hậu cùng dân làng đã lập ra Hịch văn Hội Minh Thề với lời thề lấy chí công làm trọng, không vì tư lợi, nghèo khó mà lấy của công làm việc riêng cho mình. Nếu phạm lời thề thì trời tru đất diệt bị thần linh đả tử. Những người đứng lên đài thề trong hội Minh thề là các vị chức sắc cấp làng như lý trưởng và các tùy tùng giúp việc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.