Lễ hội "quan thề không tham nhũng": Quan thề... dân cũng thề

Thu Thủy Thứ sáu, ngày 23/02/2024 13:30 PM (GMT+7)
Đến hẹn lại về, cứ ngày 14 tháng Giêng, người dân các nơi lại nô nức đổ về thôn Hòa Liễu (xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) để xem Lễ hội Minh thề hay người dân còn gọi là Lễ hội "quan thề không tham nhũng".
Bình luận 0

Clip: Dân làng đang khấn tế một nội dung trong Lễ hội Minh thề. Thực hiện: Thu Thủy

Lễ hội Minh thề có nguồn gốc từ thế kỷ 16, dưới thời thịnh trị của Vương triều nhà Mạc vàng son, lễ hội độc đáo này đã bị gián đoạn một thời gian, đến năm 1993 được khôi phục lại.

Tương truyền, vào giữa thế kỷ XVI, vợ của Thái Thượng Hoàng Mạc Đăng Dung là Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn đã tự mình đứng ra và vận động các hoàng thân quốc thích, quan lại trong triều cùng dân làng đóng góp xây dựng ngôi chùa làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên. Bà đã tự bỏ tiền ra mua hơn 25 mẫu ruộng để cúng vào chùa làm công đức.

Lễ hội "quan thề không tham nhũng": Quan thề... dân cũng thề- Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Tài – Chủ tịch UBND xã Thuận Thiên (huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng) đánh trống khai hội. Ảnh: Thu Thủy

Dân làng gọi số ruộng đó là Thánh điền, một phần diện tích dành cho nhà chùa cấy, một phần cấy hái dùng vào việc tuần tiết lễ hội. Số còn lại chia cho dân đinh cày cấy không lấy thuế và cho cấy đấu thầu lấy thóc lập quỹ nghĩa thương phòng để khi đói, có thể cấp đỡ cho người nghèo, cô nhân, quả phụ...

Sau khi đã chia đất cho dân đinh cày cấy hưởng bổng lộc và góp phần xây dựng kinh tế địa phương, để tránh việc nảy sinh tư lợi cá nhân, tiền bỏ túi riêng, Thái hoàng Thái hậu đã cùng dân làng lập ra Hịch văn hội Minh Thề với những nội dung quy định cho đại diện của mỗi tầng lớp những điều được làm, không được làm.

Lễ hội "quan thề không tham nhũng": Quan thề... dân cũng thề- Ảnh 2.

Lễ hội Minh thề hay còn gọi là “quan thề không tham nhũng” mới được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Thu Thủy

Đối với những người có chức sắc trong làng phải quyết tâm giữ gìn của công, nếu lấy của công làm của tư thì "nguyện chư thần đả tử" (bị thần linh đánh chết). Người dân thì phải thật thà, không ai lấy của ai bất kể lúa má, hoa màu, vườn cây, hoa quả, nếu lấy cắp của nhau thì đều bị thần linh đánh chết.

Những người làm công chức, nông dân, trí thức thì phải ăn ở phân minh, không dùng quyền uy để chèn ép người khác, không bao che kẻ trộm cắp, người nào không thực hiện được điều này sẽ bị thần linh xử phạt.

Cũng chính từ đây, lễ hội Minh thề đã ra đời, được nhân dân làng Hòa Liễu gìn giữ trong suốt nhiều thế kỷ qua. Do biến cố lịch sử, đến năm 1993, lễ hội Minh thề mới khôi phục lại.

Lễ hội "quan thề không tham nhũng": Quan thề... dân cũng thề- Ảnh 3.

Đại diện tư văn đọc Hịch Văn thề. Ảnh: Thu Thủy

Lễ hội Minh thề đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Trong nghi lễ, chiếc mũ của Thành hoàng làng sẽ được đặt lên vị trí cao nhất của đài thề đã được dựng sẵn từ trước đó. Quan chức, dân chúng dự lễ xếp theo thứ tự ở nơi hội thề. Sau phần thủ tục đọc chúc văn, người được phân công mặc quần áo trang trọng sẽ vào trong đền rước lần lượt các vị kỳ lão, chức sắc ra đài thề, rồi rước con dao bầu và con gà trống chân vàng, lông vàng đặt lên đài thề.

Đại diện tư văn dõng dạc đọc Hịch văn thề: "… Mọi người trong làng từ hương chức đến nhân dân, trên là bô lão, dưới từ 18 tuổi trở lên, ai dùng của công vào việc công xin thần linh ủng hộ, ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử… làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt".

Lễ hội "quan thề không tham nhũng": Quan thề... dân cũng thề- Ảnh 4.

Lễ hội Minh thề được đông đảo nhân dân Hải Phòng đồng tình hưởng ứng. Ảnh: Thu Thủy

Sau khi chủ tế và các vị bồi tế đã yên vị, chủ tế vái bốn lạy. Lúc này, con dao bầu được chuyển từ trên đài thề xuống. Chủ tế cầm con dao cắm mạnh xuống đất, chỗ cắm dao được gọi là điểm thiêng. Chủ tế rút dao lên vẽ một vòng tròn đường kính khoảng 2m quanh điểm thiêng gọi là vòng thiêng, rồi cắm con dao lại điểm thiêng.

Ông Phạm Văn Tài – Chủ tịch UBND xã Thuận Thiên (huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng) cho rằng, Lễ hội Minh thề có ý nghĩ giáo dục sâu sắc, xây dựng cuộc sống tốt đẹp trong làng xóm. Lễ hội Minh thề có lịch sử gần 500 năm. Xưa kia, hội thề diễn ra thu hút được rất nhiều thành phần, đủ chức dịch hàng tổng, quan lại hàng phủ về tham dự. Họ cùng giơ cánh tay thề biểu thị sự thanh liêm, quyết không lấy của công dùng làm của tư.

Tại địa phương, các trường học, các thầy cô giáo cũng giảng dạy tư tưởng, nội dung Văn thề cho các em học sinh. Các dòng họ trong làng cũng lấy nội dung Văn thề để giáo dục con cháu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem