Lễ kết nghĩa đã được đồng bào Tây Nguyên trân trọng gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Trong âm thanh nhạc cụ Đing Tak, trong tiếng cồng chiêng réo rắt, mời gọi đồng bào M’nông buôn Jiê Juk, xã Đăk Phơi, huyện Đăk Lăk và đồng bào Ê Đê, buôn Kô Siêr, TP. Buôn Mê Thuột tề tựu tại nhà rông làm Lễ kết nghĩa anh em.
Mở đầu chủ Lễ thực hiện nghi thức đứng quay mặt về hướng đông đón ánh sáng tinh túy từ mặt trời, để truyền lại cho những người kết nghĩa.
Các thanh niên dân tộc M’nông tấu lên bài chiêng mời gọi Yàng về chứng kiến buổi lễ.
Chủ Lễ đọc lời khấn: “Ơ…Yàng! Nay dòng họ Niê kết nghĩa với dòng họ M’lô. Thương nhau cho đến chết, uống rượu cần cho đến lạt, đánh cồng chiêng cho đến lúc già làng bảo thôi. Kể từ nay như anh em một nhà, phải thương yêu, việc gì khó phải giúp nhau, không được chia rẽ, có vui cùng hưởng, có họa cùng lo, cùng nhau làm ăn tiến bộ, xây dựng buôn làng no ấm”.
Nghi thức đeo vòng đồng và chuỗi hạt cho người kết nghĩa.
Trong Lễ, người kết nghĩa sẽ uống rượu, ăn chén cơm nếp, trong đó, có hai quả trứng gà, hai quả chuối, có cả tiết heo trộn tim, gan để bày tỏ sự sắt son, trung thành với nhau.
Sau khi chứng kiến các nghi thức kết nghĩa xong, đồng bào hai dân tộc M’nông và Ê Đê cùng khách dự được mời thưởng thức rượu cần, ẩm thực, cùng hát múa giao lưu, chúc phúc cho những người kết nghĩa.
Cùng các nghi thức Lễ, những điệu chiêng Kok; hòa tấu chiêng Kram; chiêng Leo Wit Hgu; hát Ay ray; múa Mbo drai... mang tới khách dự một không gian văn hoá đậm đà bản sắc Tây Nguyên.
Lễ kết nghĩa của các dân tộc Tây Nguyên có ý nghĩa hết sức tốt đẹp, thể hiện tinh thần đoàn kết trong cuộc sống, lao động, sinh hoạt giữa các cộng đồng dân tộc vùng đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.
Thế Dương (dangcongsan.vn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.