Lê Kiều Như: Tôi cũng có nhiều điểm tốt, sao không ai nhắc?

Thứ năm, ngày 05/04/2012 06:18 AM (GMT+7)
Tôi cũng có nhiều điểm tốt mà sao không ai nhắc đến, sao cứ dí vào những điều không hay đã qua? Con người mà, đâu có ai hoàn hảo, mà tôi đâu phải chỉ có Sợi xích, tôi cũng đóng nhiều phim mà sao không ai nhắc đến?".
Bình luận 0
img
 

- Từ đâu chị lại có ý tưởng thực hiện cuốn tiểu thuyết Người đàn bà lúc 0 giờ?

Với Người đàn bà lúc 0 giờ, ngoài sự tưởng tượng, tôi còn muốn nhấn mạnh những nỗi đau đang hiện diện xung quanh chúng ta, nỗi đau mà những người phụ nữ phải cam chịu nhưng không dám thổ lộ.

Tác giả Sợi xích – Lê Kiều Như vừa hoàn thành bản thảo tiểu thuyết thứ hai mang tên Người đàn bà lúc 0 giờ.

Bản thảo của tiểu thuyết này dày 300 trang, nói về người đàn bà trao chọn trái tim yêu và tôn thờ người đàn ông của mình. Nhưng một cú sốc đau đớn về tinh thần và thể xác khiến cô dần thay đổi tâm sinh lý mỗi lúc một trở nên phức tạp, thậm chí bệnh hoạn.

Cô luôn bị ám ảnh về những nhục hình mà mình đã phải chịu đựng trong cuộc sống. Thế rồi từ đây những chuyện kỳ lạ đã liên tiếp xảy ra vào lúc 0 giờ.

- Trong những nỗi đau mà chị vừa nhắc đến, có nỗi đau nào xuất phát từ chính con người chị?

Tôi cảm thấy bản thân mình là người rất có phước, rất có phước. Xung quanh tôi, anh chị em, bạn bè, có người có chồng có con, nhưng bỗng dưng sự bất hạnh đến với họ, tôi chứng kiến những điều đó và phần nào cảm nhận được cảm giác mà họ trải qua.

Ngoài điều này, dĩ nhiên trong tôi còn phải có chiều sâu tâm hồn để khắc họa và diễn đạt lên được nỗi đau đó, tôi muốn người đọc khi cầm trên tay cuốn tiểu thuyết này phải cảm nhận được những điều này.

Nỗi đau mà tôi đang nói ở đây không phải nỗi đau khi bị chồng đánh, chồng bỏ, mà nhân vật trong Người đàn bà lúc 0 giờ mang một nỗi đau của sự ám ảnh, nói thẳng ra là ám ảnh của nhục hình, tất nhiên nỗi đau này không thể bình thường được.

Trong vòng gần 2 năm viết Người đàn bà lúc 0 giờ, tôi đã phải vào viện 3 lần. Nhân vật lần này có diễn biến tâm sinh lý nặng hơn Sợi xích rất nhiều. Có nhiều đêm tôi cảm giác như mình không còn là mình nữa. Tôi tự đặt ra mâu thuẫn để vượt qua những nỗi đau này, nhưng lại tôi không thể tha thứ cho chính bản thân và người tình của mình. Khi hai cảm giác này đối nghịch với nhau, tâm lý của tôi dần “bệnh” theo nhân vật ấy.

- Từ "Sợi xích" đến "Người đàn bà lúc 0 giờ", các nhân vật đều có sự ám ảnh bởi nhục hình. Vì sao những người đàn bà trong chị luôn có nỗi cắn rứt này?

Có lẽ cuộc đời tôi có quá nhiều hạnh phúc, nên phải luôn suy nghĩ để viết về những người xung quanh chưa bao giờ được hạnh phúc như mình. Và tất nhiên tôi cũng là một người phụ nữ từng trải, từng thấm thía ít nhiều vài nỗi đau, dù tuổi đời cũng chưa phải là nhiều. Nỗi đau đó là những điều mà tôi luôn luôn giấu kín trong lòng, có khi với bạn trai tôi cũng không bao giờ chia sẻ.

- Nhiều người quá sung sướng thường không viết nổi một chữ, nhưng trường hợp chị lại ngược lại hoàn toàn. Chị có thể chia sẻ thêm về điều này?

Tôi nói ra điều này có thể nhiều người nói tôi hoang đường, nhưng thật sự vào thời điểm hiện tại, tôi vừa sống trong hiện tại, vừa sống trong giấc mơ. Như hiện tại tôi có thể nói chuyện vui vẻ với mọi người, nhưng khi nằm xuống tôi lại thấy một viễn cảnh khác, vẫn nghe mọi người nói chuyện bình thường, nhưng trong đầu lại như đang có một cuốn phim đang được phát, và diễn viên trong cuốn phim đó là mình chứ không phải ai khác.

Mà có những giấc chiêm bao thật sự tôi nhớ đến từng chi tiết, có những giấc chiêm bao mà trong đó cuộc sống của tôi rất bi kịch. Có những đêm tôi đang mơ thì bật dậy và khóc, cảm giác như vừa trải qua chính cuộc đời của mình.

Nói ra điều này thì sợ anh Huy ghen, chứ trong mơ, tôi đã từng thấy một người đàn ông, người này cũng là nhạc sĩ. Chúng tôi quen nhau trong tiết trời rất lạnh và chỉ gặp nhau vào ban đêm, người đó dạy tôi hát, nắm tay tôi… Đến một đêm, khi người ấy đàn cho tôi hát, tôi vừa hát đúng một câu: “Mong anh đừng rời xa em”, thì người đó bỗng dưng tan biến, chỉ còn mình tôi với bóng đêm rồi bật khóc.

Và kì lạ hơn khi trong đêm đó tôi thấy người ấy 2 lần, lần đầu vào khoảng 2 giờ mấy, lúc đó đang hạnh phúc. Tỉnh dậy, tôi mới cầu xin được gặp người ấy lần nữa, đến 4 giờ mấy chúng tôi gặp lại rồi chia tay. Thức dậy, tôi khóc đến nỗi sưng cả mắt. Sau giấc chiêm bao đó, tôi vẫn nhớ anh ta cho đến tận bây giờ. Sau này tôi không gặp người đàn ông đó trong mơ nữa, nhưng hình ảnh đó tôi sẽ không bao giờ quên.

- Những chuyện xảy ra có bao giờ khiến chị cảm thấy mình là một người không bình thường?

Tôi không nghĩ như vậy. Tôi tin vào Phật pháp, tin vào số phận lắm, tôi tin có kiếp trước kiếp sau, có số phận của mỗi con người... Chuyện này đã xảy ra từ khi tôi 5-6 tuổi, nó có cái lợi, nhưng cũng có cái hại. Tôi đã từng vào khoa thần kinh để đo điện não, để kiểm tra thần kinh, chụp CT mấy lớp xem trong đầu có điều gì bất thường.

Bạn có biết mỗi lần nằm mơ là não vẫn hoạt động, mà cả ngày mình suy nghĩ đã quá mệt mỏi rồi, đến đêm chỉ cần một giấc ngủ ngon, vậy mà vẫn phải mơ những giấc mơ rất khủng khiếp, tỉnh dậy mà nhớ đến từng chi tiết rồi phải quỳ xuống lạy ông trời đừng cho tôi gặp những giấc mơ như vậy nữa.

Tôi đi chùa, thầy nói nên biết chấp nhận, hoặc giải bớt bằng cách tụng kinh niệm phật, thì những ác mộng sẽ giảm đi. Đi bác sĩ tâm lý thì họ cũng chỉ khuyên mình nên sống thoải mái, đừng suy nghĩ nhiều, đừng nên kháng cự lại những giấc mơ đó thì mình sẽ không bị nó làm hại.

- Với khả năng này, chị có nghĩ mình khi sinh để làm nhà văn?

Tôi không nghĩ xa đến như vậy, tôi chỉ nghĩ nếu từ nhỏ mình học chuyên văn thì sẽ rất tốt. Nhưng không có gì là quá muộn, những năm qua tôi cũng đã âm thầm tự mình học hỏi, từ nhỏ tôi đã viết nhiều truyện ngắn mang tính chất liêu trai rồi.

- Thời gian đầu chị tham gia âm nhạc, điện ảnh là để trốn chạy những cơn ác mộng đó?

Làm ca sĩ, diễn viên là một cái duyên rất lớn. Trước khi lên Sài Gòn tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ tham gia nghệ thuật, nhưng đúng như câu nói cuộc đời không thể đoán trước được điều gì. Tôi nhớ mình chỉ đi hát karaoke với bạn bè, xong họ tự thu lại rồi gửi cho 1 người nhạc sĩ, người này gửi lên đài truyền hình và từ đó, tôi bắt đầu tham gia Bài hát tôi yêu và giành giải, ngay trong đêm trao giải tôi lại gặp anh Nguyễn Nhất Huy, đó quả là cái duyên rất lớn.

- Cũng trong thời điểm này, chị bị khán giả gọi với biệt danh “thảm họa âm nhạc”. Lúc đó chị có sốc không?

Cũng buồn lắm chứ, rất buồn. Đó cũng là lý do mà trong vài năm trở lại đây, nhiều show mời nhưng tôi không nhận lời. Đó thật sự là một sai lầm khi tôi đã hát một ca khúc hoàn toàn không hợp với mình, nhưng thôi, chuyện gì qua rồi thì tôi không muốn nhắc lại. Tôi biết phải làm sao để lần trở lại này, tôi chứng minh được mình không phải là người để khán giả phải gọi bằng cái tên như vậy.

img
 

- Chị áp lực như thế nào trong lần trở lại này, khi cùng lúc phát hành sách và 2 CD nhạc xưa?

Sự thật là tôi cũng có nhiều điểm tốt mà sao không ai nhắc đến, sao cứ dí vào những điều không hay đã qua? Con người mà, đâu có ai hoàn hảo, mà tôi đâu phải chỉ có Sợi xích, tôi còn ra truyện tranh và một CD song ca cùng ca sĩ Duy Quang Nửa hồn thương đau, tôi cũng đóng nhiều phim mà sao không ai nhắc đến? Tôi chỉ nói rằng con người không ai hoàn hảo, chuyện đã qua thì cũng không nên nói lại.

- Người làm nghệ thuật thường đa cảm, không chung thủy. Nhưng chị và nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy đã chứng minh điều hoàn toàn ngược lại khi bên nhau đã 6 năm. Chị có thể chia sẻ bí quyết?

Hạnh phúc hay không phải có sự cố gắng đến từ 2 phía. Anh Huy thì không biết ảnh có giấu gì tôi ở ngoài không, nhưng theo tôi thấy thì chưa quen ai khác ngoài tôi. Tôi nói thật là cũng có nhiều người theo đuổi, nhưng cũng chưa có ai ngoài anh Huy. Nhiều năm như vậy thì anh ấy rất tin tưởng tôi, bản thân tôi cũng luôn cố gắng để đáp lại lòng tin đó.

- Khi nào chị và anh Huy tính đến việc kết hôn?

Kết hôn thì không phải chỉ riêng tôi, mà bất cứ người con gái nào cũng mong đến ngày đó. Nhưng hiện tại cả 2 chúng tôi đều quá bận rộn, mà tôi muốn khi đã lên xe hoa thì phải dành nhiều thời gian và tình cảm cho anh ấy, và còn phải nghĩ đến chuyện sinh em bé.

- Nếu phải lựa chọn, chị sẽ chọn gia đình hay theo đuổi đam mê công việc?

Đã quyết định theo chồng và có con, tôi chắc chắn sẽ dành hơn 50% tình cảm cho gia đình.

- Yêu nhau quá lâu dễ dẫn đến cảm giác nhạt nhẽo, nhàm chán. Chị có bao giờ rơi vào trường hợp này?

Tôi không cảm thấy nhàm chán. Anh Huy duyên dáng là thế, nhưng nhiều lúc lại giống như một ông cụ non. Tôi nghĩ khi yêu nhau cũng không nên so bì kiểu vì sao anh lại không làm cái này, tại sao anh lại không làm cái kia?, nhưng nhiều lúc cũng phải cần có sự sáng tạo, thực hiện những ý tưởng lạ cho cuộc sống thêm nhiều màu sắc. Sự sáng tạo đó giúp tình yêu của chúng tôi không bao giờ nhàm chán.

- Chị có thể chia sẻ cụ thể hơn về những sáng tạo này?

Không! Xin lỗi là tôi không thể chia sẻ.

img
 

- Chị xếp mình là một cô gái cá tính hay một cô gái ngoan hiền, mà theo nhiều người định nghĩa là “gái ngoan” và “gái hư”?

Thật sự tôi không thích đi vũ trường, quán bar. Nhưng nếu bạn đến đó thì cũng không gọi là “hư” được. Còn về cá tính thì tất nhiên tôi cũng có, ngoan thì cũng ngoan, nhưng đôi khi cũng lì lắm, và nhiều lúc cũng dữ dằn nữa.

- Và chị có xem mình là mẫu người phụ nữ sexy?

Tôi không thể nhận xét về mình, nhưng nhiều đàn ông khen tôi hấp dẫn.

- Điều gì khiến chị rất tự nhiên khi viết về sex?

Bạn có bao giờ nghĩ sex là một thứ thuộc về bản năng, tất cả mọi người đều có bản năng đó? Nếu bạn sống và nghĩ nó là một điều tốt đẹp, thì chẳng có gì là ghê gớm cả. Nếu mình sống đúng với nó thì nó sẽ đem đến cho mình cuộc sống tốt đẹp và thăng hoa hơn. Còn nếu ngược lại, bạn biết hậu quả sẽ như thế nào rồi đấy.

- Trò chuyện với Lê Kiều Như, cảm nhận ở chị có chút gì đó sống thiên về cảm xúc, nhưng cũng rất lý trí và quy tắc. Chị có đồng tình?

Tôi đúng là một người như vậy. Bởi mới nói anh Huy sống rất khổ tâm. (cười)

Theo Infonet

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem