Lê Ngân: Công thần nhà Lê vì thờ Phật Quan âm, nhận cái kết bi thảm

N.N Thứ tư, ngày 28/08/2024 22:08 PM (GMT+7)
Lê Ngân được trao quyền Tể tướng, được phong là nhập nội Đại đô đốc, phiêu kỵ Thượng tướng quân, Đặc tiến Khai Phủ Nghi Đồng Tam Ty, Thượng trụ quốc, tước Thượng hầu. Nhưng đến cuối năm 1437, ông cũng bị buộc phải tự tử, gia sản bị tịch thu...
Bình luận 0

Theo sách "Đại Việt thông sử", sau khi đã giải phóng được toàn bộ khu vực đồng bằng xứ Nghệ, Lê Lợi cho quân ráo riết vây hãm thành Nghệ An. Để đề phòng khả năng giặc có thể kết hợp từ Bắc đánh vào, từ Nam đánh ra, lại cũng để không ngừng mở rộng vùng giải phóng, Lê Lợi cho một bộ phận lực lượng bất ngờ tấn công vào vùng Thuận Hóa. Lực lượng này gồm hơn 1.000 quân và một thớt voi, do Thượng tướng Lê Nỗ, Chấp lệnh Lê Đa Bồ và tướng Trần Nguyên Hãn chỉ huy. Ngay sau đó, Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn lại phái tướng Lê Ngân đem 70 chiến thuyền, gấp rút vượt biển tiến vào để tiếp ứng.

Sự có mặt của đạo quân tăng cường này khiến cho quân Minh đã sợ lại càng thêm sợ. Chúng không dám chống cự mà buộc phải rút vào cố thủ trong thành. Vậy là cũng tương tự như ở Nghệ An, Lam Sơn đã giải phóng tất cả vùng đồng bằng dân cư đông đúc, thành giặc chỉ như ốc đảo chơ vơ, có thể bị tiêu diệt bất cứ lúc nào. Trận Tân Bình - Thuận Hóa có ý nghĩa rất to lớn đối với toàn bộ sự phát triển sau đó của phong trào Lam Sơn. Tháng 9/1426, sau khi giải phóng được một vùng đất rộng lớn và liên hoàn từ Thanh Hóa trở vào Nam, Bộ chỉ huy Lam Sơn liền cho hơn 1 vạn quân, chia làm ba đạo khác nhau cùng tiến ra hoạt động ở vùng còn tạm bị quân Minh chiếm đóng và tìm cách uy hiếp thành Đông Quan. Tháng 11/1426, quân Lam Sơn đã đập tan mưu đồ phản công của Vương Thông ở Tốt Động - Chúc Động.

img

Ảnh minh hoạ. Báo Bình Phước.

Tin đại thắng báo về, Lê Lợi rất lấy làm phấn khởi. Ông lập tức đưa toàn bộ Bộ chỉ huy Lam Sơn ra đóng ở ngay vùng ngoại thành Đông Quan. Trước khi đi, Lê Lợi trao quyền tổ chức vây hãm thành Nghệ An cho Lê Ngân. Và Lê Ngân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông vừa ráo riết siết chặt vòng vây vừa không ngừng lên tiếng dụ hàng. Tháng 2/1427, tướng giặc đang giữ thành Nghệ An là Thái Phúc phải mở cửa xin hàng. Lê Ngân hiên ngang vào tiếp quản thành Nghệ An. Sự kiện này khiến quân Minh lo sợ. Đội ngũ của chúng mỗi ngày một rệu rã hơn.

Năm 1434, Lê Ngân được phong hàm tư khấu, chức Đô tổng quản Hành quân Bắc Đạo và được cùng Đại Tư đồ Lê Sát nắm quyền phụ chính. Năm 1437, khi Lê Sát bị bãi chức, ông được trao quyền Tể tướng, được phong là nhập nội Đại đô đốc, phiêu kỵ Thượng tướng quân, Đặc tiến Khai Phủ Nghi Đồng Tam Ty, Thượng trụ quốc, tước Thượng hầu. Nhưng đến cuối năm 1437, ông cũng bị buộc phải tự tử, gia sản bị tịch thu và con gái ông là Huệ phi Lê Nhật Lệ bị giáng xuống hàng Tu Dung.

Về vụ án Lê Ngân, sử cũ chép rằng: Mùa đông, tháng 12 năm Đinh Tỵ - 1437, có người tố giác nhà Lê Ngân thường thờ Phật Quan âm cốt để cầu cho con gái được vua yêu hơn. Nhà vua ra cửa Đông kinh thành, sai Thái giám là Đỗ Đại đem 50 võ sĩ đến nhà ông lục soát, bắt được tượng Phật và nhiều thứ vàng bạc, vải lụa. Hôm sau, Lê Ngân vào chầu, bỏ mũ để tạ tội. Vua sai bắt nô tì nhà ông ra tra hỏi. Lê Ngân liền tâu rằng:

- Trước đây thần từng theo vua (Lê Thái Tổ) khởi nghĩa ở Lam Sơn. Nay tuổi già lắm bệnh, nghe thầy bói nói ngôi nhà thần ở, trước là nơi thờ Phật, vì làm cho ô uế nên mới sinh ra lắm yêu quái. Muốn hết tai họa thì phải sửa lễ để cầu. Thần có người thiếp họ Nguyễn đã bị thần đuổi đi, lại thêm người thiếp họ Trần vốn của Lê Sát được (triều đình) ban cho, cả hai người ấy đều thù ghét thần, thường cùng gia nô ương ngạnh, thêu dệt cho nên chuyện đó thôi. Xưa tiên đế (chỉ Lê Lợi) từng biết rõ lòng thần, thường ưu đãi và bao dung. Nay thần đã mỏi mệt, xin được về với ruộng vườn ở chốn quê nhà để sống nốt chút đời tàn. Nếu cứ nghe lời tả hữu mà tra tấn người nhà của thần thì kẻ bị đòn đau tất nhiên sẽ khai lời sai sự thật, thì tấm thân của thần đây chắc cũng khó mà giữ được, xin bệ hạ nghĩ lại cho.

Nhà vua không nghe. Hình quan chiều theo ý nhà vua rồi lại thêu dệt thêm cho thành án. Tờ xét tội trạng dâng lên, vua bắt ông phải tự tử và sai tịch thu hết gia sản. Mãi đến năm 1453, nhân kỳ đại xá, vua Lê Nhân Tông mới sai cấp cho con ông 100 mẫu ruộng để lo hương hỏa cho ông.

Lời bàn về Lê Ngân

Dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi, Lê Ngân đã nhanh chóng bộc lộ khí chất và không ngừng nâng cao tài năng quân sự của mình. Ông dần dần trở thành một võ tướng cao cấp của nghĩa quân Lam Sơn, lập được nhiều chiến công xuất sắc trong những trận đánh lớn và trở thành một trong những công thần khai quốc hàng đầu của nhà Lê. Nhưng cũng trớ trêu thay, vì ông cũng là một trong những công thần không toàn danh của nhà Lê. Bởi Tể tướng Lê Ngân đã bị nhà vua khép vào tội chết và bị tịch thu hết tài sản do phạm vào tội dùng bùa ngải, tin vào mê tín dị đoan.

Với cương vị là tể tướng, Lê Ngân là người đứng trên muôn người mà chỉ dưới một người. Nhưng cuối cùng ông phải nhận cái chết thảm và bị tịch thu hết gia sản. Như vậy, câu nói của người xưa rằng "làm bạn với vua chẳng khác nào làm bạn với hổ" quả không sai. Và đó là chuyện của ngày xưa, còn ngày nay thì chỉ khi người nào hành nghề mê tín dị đoan gây tổn hại sức khỏe... cho người khác mới phải chịu tội. Tuy nhiên, bài học cho hậu thế từ giai thoại này là bất cứ người nào cũng luôn phải biết mình là ai, chức phận là gì và quan trọng hơn cả là phải biết thế nào là đúng, là sai để có cách ứng xử phù hợp. Có như vậy mới là người biết thời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem