Lễ Vu lan thắng hội ở Trà Vinh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lễ Vu lan thắng hội ở Trà Vinh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Huỳnh Xây
Thứ tư, ngày 28/08/2024 15:45 PM (GMT+7)
Tối qua 27/8, lễ Vu lan thắng hội Cầu Kè được tổ chức khai mạc. Dịp này, UBND huyện Cầu Kè đón nhận quyết định của Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch về việc đưa lễ Vu lan thắng hội vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ Vu lan thắng hội Cầu Kè diễn ra từ 27 đến ngày 31/8 với các hoạt động chính như: lễ khai mạc, hội chợ thương mại, không gian ẩm thực, liên hoan lân sư rồng, trưng bày hình ảnh lễ Vu Lan Thắng hội, hoạt động thể thao và trò chơi dân gian, hoạt động tín ngưỡng Ông Bổn.
Ông Nguyễn Quỳnh Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh thông tin trong đêm khai mạc, trên địa bàn tỉnh có 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa sinh sống từ lâu đời. Nét văn hóa mỗi dân tộc có điểm riêng, nhưng đã hòa quyện, tạo nên bản sắc văn hóa chung của địa phương.
Lễ hội Vu lan thắng hội Cầu Kè là hoạt động tín ngưỡng đặc sắc, đan xen giữa lễ Vu lan của Phật giáo và lễ vía ông Bổn của người Hoa trở thành lễ hội chung của cộng đồng Kinh, Khmer, Hoa tại địa phương.
Trong đó, lễ Vu lan theo quan niệm dân gian, liên quan đến truyền thuyết Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu cứu mẹ, mang ý nghĩa thiêng liêng cao cả. Qua đó nhắc nhở con cháu nhớ đến công ơn của bậc sinh thành, khơi dậy tinh thần báo hiếu đáng quý, đáng trân trọng.
Còn lễ vía ông Bổn được thực hiện với 20 lễ thức liên hoàn, tiêu biểu như lễ thỉnh chư Phật, chư thần thánh, lễ thỉnh kinh - đánh động, lễ hưng tác lễ trình tổ, khai Chung - Cổ, lễ khai quang, lễ cầu quốc thái dân an… Các hoạt động thu hút hàng chục nghìn người dân địa phương, khách thập phương tham dự.
Cũng theo ông Thiện, địa bàn tỉnh Trà Vinh hiện có 47 miếu thờ của đồng bào người Hoa. Riêng huyện Cầu Kè có 8 điểm tín ngưỡng gồm: Minh Đức Cung, Vạn Ứng Phong Cung, Vạn Niên Phong Cung, Niên Phong Cung, Thiên Đức Cung, Vạn Đức Phong Cung, Thiên Hậu Cung, Vĩnh Hưng Cung.
Những cơ sở tín ngưỡng này được cộng đồng người Hoa xây dựng từ rất sớm, với niên đại hàng trăm năm, trong đó Minh Đức Cung được xây dựng cách nay gần 200 năm, trùng tu lần đầu vào năm Ất Dậu (1825). Các điểm tín ngưỡng đều có lối kiến trúc phương đông cổ kính, với nhiều tác phẩm điêu khắc, câu đối được chế tác cầu kỳ, tinh xảo, góp phần bảo tồn, lưu truyền nhiều loại hình văn hóa phi vật thể.
Với quyết tâm bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc, UBND tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp UBND huyện Cầu Kè hoàn thành các hồ sơ, thủ tục đề nghị Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch công nhận lễ Vu lan thắng hội huyện Cầu Kè trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
"Việc Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch công nhận lễ Vu lan thắng hội huyện Cầu Kè là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vui, niềm tự hào chung của huyện, của tỉnh nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm mà cấp ủy, chính quyền địa phương phải tiếp tục giữ gìn, bảo tồn, phát huy tốt hơn nữa những giá trị di sản văn hóa, tinh thần cho hôm nay và cho cả thế hệ mai sau" - ông Thiện nói.
Ông Thiện nhấn mạnh, địa phương đánh giá rất cao, trân trọng biểu dương và vui mừng trước những đóng góp tích cực của các cơ sở tôn giáo, điểm tín ngưỡng dân gian vào sự ổn định, phát triển chung của huyện Cầu Kè nói riêng và tỉnh Trà Vinh nói chung, nổi bật nhất là các hoạt động từ thiện nhân đạo, giúp đỡ người nghèo...Từ đó, góp phần quan trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn bó keo sơn, bền vững theo thời gian.
Trước đó, năm 2019, huyện Cầu Kè đã vinh dự đón nhận quyết định công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đối với Minh Đức Cung – một điểm tín ngưỡng dân gian người Hoa, tọa lạc ở ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân.
Lễ Vu lan thắng hội Cầu Kè cũng là một trong những hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Trà Vinh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.