Lên đỉnh Pu Si Lung huyền thoại, xem người La Hủ trồng quốc bảo sâm Lai Châu
Lên đỉnh Pu Si Lung huyền thoại, xem người La Hủ trồng "quốc bảo" sâm Lai Châu
Thanh Ngân
Thứ hai, ngày 11/09/2023 14:14 PM (GMT+7)
Trên đỉnh Pu Si Lung huyền thoại, mấy chục hộ đồng bào La Hủ, ở bản Xín Chải B (xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) đang ngày đêm miệt mài gieo trồng, chăm sóc sâm Lai Châu – loài cây được coi là quốc bảo của Việt Nam. Đồng bào La Hủ nơi đây kỳ vọng, sâm Lai Châu sẽ giúp họ “đổi đời”.
Những ngày đầu tháng 9, chúng tôi có chuyến ngược ngàn lên Pa Vệ Sủ - nơi có ngọn Pu Si Lung huyền thoại của vùng nông thôn Tây Bắc, là đỉnh núi cao thứ 2 Việt Nam, để xem người La Hủ trồng "quốc bảo" - sâm Lai Châu. Trồng dược liệu, trong đó có sâm Lai Châu đang là hướng mới trong phát triển kinh tế của xã nghèo Pa Vệ Sủ. Xín Chải B là bản đi đầu của xã Pa Vệ Sủ về trồng sâm Lai Châu.
Biết chúng tôi có ý định lên Xín Chải B, chị Lý Mỹ Ly – Bí thư Đảng ủy xã Pa Vệ Sủ nói vẻ ngập ngừng "Tìm hiểu về người dân trồng sâm Lai Châu, các nhà báo chọn Xín Chải B là đúng rồi. Tuy nhiên, đường lên đó vừa khó đi, vừa rất nguy hiểm. Ô tô không lên được, chỉ có thể đi bằng xe máy và cuốc bộ. Các anh tay lái không cứng thì không lên đó được đâu. Tay lái cứng đi trên con đường đó còn ngã lên, ngã xuống đấy. Nhà báo muốn lên Xín Chải B thì nên vào đồn biên phòng Pa Vệ Sủ, nhờ các cán bộ, chiến sỹ của đồn chở lên".
Nghe lời khuyên của nữ bí thư xã, chúng tôi đến đồn biên phòng Pa Vệ Sủ. Ở đây, chúng tôi tiếp tục được nghe các cán bộ, chiến sỹ của đồn nói về mức độ nguy hiểm của đường lên Xín Chải B. Đường lên Xín Chải B vốn đã khó đi, sau mùa mưa vừa rồi lại càng gian nan hơn. Để cho an toàn, Đồn trưởng Trần Văn Kiên gọi điện nhờ trưởng bản Xín Chải B cử người xuống đón.
Clip: Lên đỉnh Pu Si Lung xem người La Hủ trồng sâm Lai Châu
Từ đồn biên phòng Pa Vệ Sủ lên Xín Chải B, chúng tôi mất gần 2 tiếng đồng hồ đi bằng xe máy trên đoạn đường dài hơn 13km, gập ghềnh, khúc khuỷu, đất đá lởm chởm. Từ Xín Chải A lên Xín Chải B, độ khó của con đường như được nhân lên. Nhiều đoạn dốc dựng ngược, lổn nhổn đá chẳng khác đi dưới lòng suối. Ngồi sau tay lái cứng cựa Và Lỳ Hừ - Trưởng bản Xín Chải A, tôi không dám thở mạnh, lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Chiếc xe exiter chở chúng tôi nhảy chồm chồm trên đường đá, y như phi ngựa.
Bản Xín Chải B hiện lên trước mắt chúng tôi với vẻ yên bình như bao bản làng vùng cao khác. Xín Chải B nằm trên độ cao hơn 2000m so với mực nước biển, không khí trong lành mát mẻ, phù hợp trồng các loại cây dược liệu, trong đó có sâm Lai Châu. Quanh bản là những cánh rừng xanh tốt.
Người mở lối trồng sâm Lai Châu trên đỉnh Pu Si Lung
Là một trong 2 người chở chúng tôi lên Xín Chải B, trưởng bản Pờ Và Hừ nhìn khá trẻ và nhanh nhẹn, hoạt bát. Dáng người cân đối, nước da ngăm đen, nói tiếng kinh lơ lớ, đặc sệt chất giọng người La Hủ, Và Hừ kể: "Người dân tộc chúng tôi gọi sâm Lai Châu là tam thất. Trước đây, trên những cánh rừng của bản, tam thất nhiều vô kể, bán rẻ như cho, người dân không mấy quan tâm. Bố già (bố của Và Hừ - PV) trồng tam thất trong rừng từ năm 1992. Hồi đó, tam thất bán với giá rẻ bèo".
Qua câu chuyện với Và Hừ, được biết: Những năm 2012, 2013, nhiều thương lái người Trung Quốc sang Mường Tè tìm mua tam thất với giá cao, lên đến mấy chục triệu đồng/kg. Khi đó, người dân trong bản đổ xô vào rừng tìm tam thất bán cho thương lái, khiến cho nguồn tam thất rừng ngày càng cạn kiệt. Nhận thấy giá trị kinh tế của cây tam thất, năm 2013, Pờ Và Hừ đã giữ lại 6 củ để trồng trong vườn của gia đình.
"Thấy tôi giữ lại trồng, nhiều người dân trong bản bảo tôi dở hơi. Họ nói "Giá cao thế không bán, dở người à mà đem trồng, trồng sống làm sao được". Hồi đó, tôi suy nghĩ, nếu cứ tìm được tam thất rồi bán đi thì chả mấy mà hết. Đem trồng nhân giống, biết đâu sau này giá cao hơn thì sao. Nghĩ vậy nên tôi đã giữ lại trồng, rồi mỗi năm nhân lên một ít. Lúc đó, tôi có biết tí tẹo kĩ thuật nào về trồng tam thất đâu, cứ đem hạt giống vùi xuống đất, nảy mầm được hạt nào hay hạt đấy thôi" – Pờ Và Hừ thật thà nói.
Sau một thời gian trồng, chăm sóc, mầy mò tìm hiểu, Pờ Và Hừ đã nắm được đặc tính sinh trưởng của cây sâm Lai Châu. Năm 2017, Và Hừ quyết định nhân rộng diện tích trồng sâm Lai Châu và làm bài bản hơn. Thay vì vùi trực tiếp xuống đất như trước, Và Hừ làm đất, lên luống cẩn thận để trồng sâm Lai Châu. Không hết, Và Hừ còn mua lưới B40 về quây xung quanh và làm mái che theo từng luống sâm của gia đình. Vừa làm vừa mở rộng diện tích, từ vài nghìn mét vuông trồng sâm ban đầu đến nay, gia đình Và Hừ đã có khoảng 2ha sâm Lai Châu.
Vườn sâm 4 năm tuổi của trưởng bản Xín Chải B Pờ Và Hừ, cách nhà ở vài bước chân, nằm thấp so với mặt đường nội bản hơn 10m, trên mảnh đất bằng phẳng, rộng rãi. Bên trong vườn là những luống sâm chạy dài, cao ngang đầu gối. Luống nào, luống nấy cũng được Và Hừ quây lưới xung quanh, đóng cọc ngăn không cho đất sạt xuống. Luống nào cũng chi chít những cây sâm thấp le tè, áng chừng 20cm.
Chia sẻ với Dân Việt về kĩ thuật trồng sâm Lai Châu, Và Hừ vui vẻ nói: "Sâm Lai Châu có thể trồng bằng củ hoặc gieo hạt đều được. Củ sâm Lai Châu hay hạt giống đều được tìm từ trong rừng. Trước khi ươm sâm giống cần phải làm đất tơi xốp, trộn với đất mùn lấy từng rừng già, sau đó mới gieo hạt giống, rồi phủ lớp lá cây khô để giữ ẩm cho đất. Sau khi gieo hạt giống cần phải thường xuyên tưới nước, nhất là khi trời nắng nóng kéo dài. Khi cây sâm được 2 năm tuổi thì mới tách ra trồng, với khoảng cách 20cm/cây".
Theo anh Hừ, trồng sâm quan trọng nhất là khâu lấy đất mùn. Đất mùn lấy từ rừng già là tốt nhất. Trong quá trình chăm sóc, cần thường xuyên theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của cây sâm. Khi phát hiện cây sâm bị sâu bệnh thì phải nhổ đem trồng ở nơi khác để tìm nguyên nhân. Nhiều đêm, Và Hừ phải thức trắng, soi đèn bắt sâu hại cây sâm.
"Cây sâm sau khi trồng từ 3 – 5 năm sẽ cho quả. Cây sâm rất dễ bị thối củ khi trời mưa to, kéo dài. Vì vậy cần phải làm mái che mưa cho vườn sâm. Tôi không sử dụng phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật, mà để cho cây sâm phát triển tự nhiên. Tính đến nay, tôi đã đầu tư gần 1 tỷ đồng vào vườn sâm rồi đấy. Mấy năm gần đây, gia đình tôi thu trên dưới 100 triệu đồng từ bán cây, hạt sâm giống ra thị trường. Tin rằng, không lâu nữa, gia đình tôi sẽ có thu nhập "khủng" từ trồng sâm" – Pờ Và Hừ cho hay.
Cây sâm Lai Châu hứa hẹn mang lại cuộc sống mới cho đồng bào La Hủ
Năng động, dám nghĩ, dám làm, năm 2018, Pờ Và Hừ được người dân bản Xín Chải B tín nhiệm bầu làm trưởng bản. Mong muốn cuộc sống của bà con dân bản ngày một tốt lên, ngay từ trước khi được bầu làm trưởng bản, Pờ Và Hừ đã đến từng gia đình vận động các hộ dân trồng sâm Lai Châu. Trên cương vị trưởng bản, Pờ Và Hừ càng tích cực hơn trong việc tuyên truyền, vận động người dân trong bản trồng sâm và trồng thảo quả, phát triển kinh tế gia đình.
"Mưa dầm thấm lâu" trước sự kiên trì vận động, thuyết phục của trưởng bản Pờ Và Hừ, số hộ đồng bào La Hủ ở Xín Chải B tin tưởng, làm theo ngày một tăng lên. Đến nay, bản Xín Chải B đã có 44/56 hộ trồng sâm Lai Châu. Hộ ít cũng vài chục mét vuông, hộ nhiều thì diện tích trồng sâm lên đến hàng trăm mét vuông.
Trò chuyện với Dân Việt, anh Pờ A Sồ, ở bản Xín Chải B, phấn khởi nói: Trước đây, gia đình tôi tìm được củ tam thất rừng nào là bán lấy tiền luôn. Năm 2018, được anh Hừ vận động, giải thích và hướng dẫn kĩ thuật, gia đình tôi đã tìm cây, hạt giống trong rừng về trồng gần 100m2 sâm. Vườn sâm của gia đình tốt phát triển tốt. Mỗi năm bán giống, gia đình tôi cũng thu được hơn 20 triệu đồng/năm. Trồng sâm cho giá trị kinh tế cao, thời gian tới gia đình tôi sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích. Hy vọng không lâu nữa, vườn sâm sẽ mang lại thu nhập cao cho gia đình".
Cũng như gia đình anh Sồ, nhiều hộ dân khác ở bản Xín Chải B kỳ vọng, cây sâm sẽ giúp họ thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Nói như Bí thư Đảng ủy xã Pa Vệ Sủ, Pờ Và Hừ là người có công lớn trong việc vận động người dân bản Xín Chải B trồng sâm Lai Châu. Nhờ đó mà loài sâm quý được coi là quốc bảo này đã và đang được bảo tồn, phát triển trên đỉnh Pu Si Lung huyền thoại.
"Pờ Và Hừ rất năng nổ, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, có ý chí quyết tâm làm giàu cao. Với vai trò là trưởng bản, Pờ Và Hừ là người có uy tín trong nhân dân, nói được, làm được, được bà con tin tưởng. Và Hừ đã vận động được gần như cả bản trồng sâm Lai Châu. Từ khi Pờ Và Hừ được bầu làm trưởng bản, thu nhập, đời sống của người dân bản Xín Chải B được cải thiện rõ rệt" – Bí thư Đảng ủy xã Pa Vệ Sủ đánh giá.
Mạnh dạn phát triển kinh tế, trong đó có cây sâm, tỷ lệ hộ nghèo ở bản Xín Chải B đã giảm rõ rệt, từ hơn 90% vào năm 2017 xuống còn hơn 40% như hiện nay. Cây sâm hứa hẹn sẽ mang lại thu nhập tốt cho người dân trên đỉnh Pu Si Lung huyền thoại này.
Mời bạn tham gia Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"
- Tác phẩm dự thi phải viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam", ưu tiên cho chủ đề về "Nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số", là những tác phẩm phản ánh đúng sự thực khách quan. Ban Tổ chức Giải báo chí không nhận các tác phẩm hư cấu, tác phẩm văn học.
- Thể loại của các phẩm dự thi là ký sự, phóng sự, bút ký, bài phản ánh, bài phản biện viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.
- Bài gửi dự thi trên báo in (đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay): Bài viết có dung lượng 1.000-1.500 chữ + 2-3 ảnh, không vi phạm bản quyền hình ảnh.
- Bài dự thi trên báo điện tử (đăng trên Báo điện tử Dân Việt- Danviet.vn): Bài viết có dung lượng tối đa không quá 2.500 từ + 3-4 ảnh + clip, không vi phạm bản quyền hình ảnh.
- Đối với các tác phẩm từ các cơ quan báo chí khác, bài dự thi là một tác phẩm hoặc một chùm bài được đăng tải trên báo, tạp chí in hoặc báo, tạp chí điện tử.
- Mỗi cơ quan báo chí được gửi tối đa 05 tác phẩm về Ban Tổ chức Giải báo chí viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam" để chấm giải (với báo, tạp chí in, phải gửi tác phẩm, kèm số báo đăng tác phẩm, có xác nhận của cơ quan; bài đăng trên báo, tạp chí điện tử phải in tác phẩm ra và gửi kèm đường link, có xác nhận của cơ quan).
- Thời gian: Từ tháng 4 đến tháng 12/2023. (Trong đó, thời gian nhận bài bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc ngày 15/11/2023 để Ban Tổ chức tổng hợp, chấm Giải).
Địa chỉ nhận tác phẩm:
Các tác phẩm gửi về để đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt gửi về hòm thư điện tử nhận bài dự thi: buihongliendv@gmail.com.
Điện thoại: 0902026692 (Nhà báo Bùi Hồng Liên- Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, thư ký Giải).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.