Bạn đọc bức xúc trước chiêu trò "tẩy trắng" sâm Trung Quốc thành quốc bảo sâm Ngọc Linh
Bạn đọc bức xúc trước chiêu trò "tẩy trắng" sâm Trung Quốc thành sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu của Việt Nam
Nhóm PV
Chủ nhật, ngày 13/08/2023 12:25 PM (GMT+7)
Sau khi Báo điện tử Dân Việt đăng tải loạt bài điều tra "Chiêu trò "tẩy trắng" sâm Trung Quốc thành quốc bảo sâm Ngọc Linh", nhiều bạn đọc bày tỏ sự bức xúc và đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt để bảo vệ thương hiệu, bảo vệ người nông dân trồng sâm và bảo vệ sức khỏe của người dân.
Sâm Ngọc Linh – loại sâm đặc hữu chỉ có ở Quảng Nam và Kon Tum với hàm lượng saponin vượt trội các loại sâm nổi tiếng trên thế giới. Sâm Ngọc Linh đã được coi là quốc bảo của Việt Nam.
Nhưng thời gian qua, trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều giao dịch buôn bán quốc bảo này với mức giá rẻ giật mình. Thật khó tin, khi giá sâm Ngọc Linh chính gốc lên đến hàng trăm triệu đồng/kg, còn trên thị trường trôi nổi, chỉ vài triệu đồng đến hơn chục triệu đồng/kg.
Sau một thời gian dài thâm nhập các đường dây nhập lậu sâm ở biên giới phía Bắc, đến tận vườn sâm Ngọc Linh chính gốc ở Quảng Nam, Kon Tum, nhóm PV Báo điện tử Dân Việt đã tường tận cách thức "tẩy trắng" sâm nhập lậu từ Trung Quốc thành loại sâm quốc bảo của Việt Nam.
Thậm chí, loại sâm Lai Châu đang dần có chỗ đứng trên thị trường cũng bị sâm từ Trung Quốc về trà trộn, ảnh hưởng đến nguồn cung sâm thật.
Với mức giá rẻ giật mình nếu mua tận vườn bên Trung Quốc, nếu đưa trót lọt về Việt Nam để mạo danh các loại sâm quý hiếm của nước ta, giới buôn sâm so sánh tỷ suất lợi nhuận "còn hơn cả buôn ma túy".
Sau khi loạt bài được đăng tải, bạn đọc Phương Anh bình luận: Nhiều người không biết là bị lừa ngay, sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu của nước ta đắt lắm, không có tiền không mua được đâu. Cái loại vài triệu một kg là giả 100%. Bà con nên cảnh tỉnh.
Bạn đọc Mai Hoa cho biết: "Tôi người Lai Châu đây, ở đây sâm mới chỉ được trồng với số lượng rất ít, bây giờ mới đang có hướng phát triển trồng sâm. Một củ sâm trồng cả gần chục năm mới được thu hoạch thì lấy đâu ra sâm hàng tạ mà bán".
Trong khi đó, bạn đọc Thùy Dương cho rằng, những người trồng sâm chân chính ở Việt Nam họ chỉ canh tác diện tích bằng đấy vườn, ra sản lượng cũng chỉ bằng đấy nên không thể có lô sâm nào thu hoạch mấy tạ mỗi tháng được. Vì thế, những ai bán sâm mà bảo cứ hết lại có là nghi lắm!
"Mặt hàng này thời gian qua thấy nổi quá, nhiều người rao bán sâm Ngọc Linh nhưng giá lại rẻ bất ngờ, chỉ tội cho những người không may mua phải sâm giả" – bạn đọc Bình Nguyên nêu suy nghĩ.
Bạn đọc Anh Khôi nêu bức xúc: Sâm giả như này làm sao có nhiều dinh dưỡng được, rồi lại làm ảnh hưởng tới uy tín của những người nông dân trồng sâm thật.
Để giải quyết tình trạng sâm giả tràn làn trên thị trường, bạn đọc Minh Đức hiến kế: Nên có một hội đồng kiểm định để kiểm soát thực trạng sâm giả, kém chất lượng. Người xấu đang hưởng lợi còn nông dân chân chính lại không bán được hàng vì thị trường đang bị phá giá.
"Chỉ kêu thôi thì làm được gì? Nếu không bảo vệ vùng nguyên liệu và tạo chỉ dẫn địa lý thì đồ giả nhái tràn lan làm mất giá trị của cây sâm gốc" - bạn đọc Hà Phương cho biết.
Đồng quan điểm, bạn đọc Khải Nguyên cho rằng, quản lý thị trường và các cơ quan hữu quan cần siết chặt kiểm tra để dẹp bỏ những đối tượng bán hàng giả hàng nhái.
Không làm nghiêm sẽ ảnh hưởng thứ nhất là thương hiệu mà chúng ta đang xây dựng, tiếp đến là ảnh hưởng đến người nông dân và đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
"Theo tôi thấy cứ nên xây dựng thành một thương hiệu gọi là "sâm Việt Nam" rồi tập trung phát triển, hạ giá thành cho người dân nước ta dùng thoải mái, dễ tiếp cận. Sau đó xuất ngoại thu kiều hối về.
Chứ giờ cứ ôm khư khư cái thương hiệu sâm Ngọc Linh, suốt ngày ngồi lo thật với giả, bao năm rồi thật giả chưa đâu vào đâu lại khiến người dùng hoang mang, cuối cùng của hàng của Trung Quốc tuồn vào và con buôn là người hưởng lợi" – bạn đọc Hoàng Thịnh hiến kế.
Trong khi đó, nhiều bạn đọc khác cũng cho rằng, cần trừng trị nghiêm minh đối với những kẻ bất lương, làm ảnh hưởng đến thương hiệu sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu như thế này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.