Ở huyện Đơn Dương có một số người dân thường đi hái trái thông rừng còn xanh trên cây vào những ngày cuối năm đem bán cho các thương lái tại TP Đà Lạt với giá 4.000-4.500 đồng/kg trái tươi.
Những trái thông 2 lá sau khi hái rụng xuống gốc được vặt sạch sẽ bỏ vào bao tải. Anh A Rim cho biết nhiều người đã nhìn thấy trái thông nở nhưng ít thấy được trái thông xanh mới hái từ trên cây xuống.
Đây được coi là một nghề “mưu sinh” khá đặc biệt tại tỉnh Lâm Đồng bởi không phải ai cũng có sức khỏe, gan dạ để bám với nghề “leo trèo” như một “Tarzan” trong rừng như vậy.
Anh Kon Sa A Rim (27 tuổi) đã có thâm niên gần 10 năm hái thông rừng trèo lên ngọn thông cao gần 25 m để hái trái. Thường trái thông rừng tập trung trên ngọn và dễ hái nhất. Đứng chông chênh trên những cành thông nhỏ, không sợ gió, độ cao là kỹ năng rất kén người trong nghề này.
Những ngày cuối năm 2017 không khí lạnh lẽo hơn hẳn so với ngày thường. Như sáng sớm nay (ngày 7/12) trời Đơn Dương sương mù bao phủ rừng thông xanh làm hơi lạnh phả vào mặt người có phần tê tái hơn. Ông Ka Sã Ha Dương (55 tuổi, ngụ xã Đạ Ròn) như mọi khi cùng 2 người con trai đem theo móc câu, bao tải, dao, hộp cơm cùng hai chiếc xe máy chạy lên những quả đồi rộng bạt ngàn bắt đầu một ngày “mưu sinh” trên những cây thông già.
Để chinh phục những cây thông cao to, ban đầu những “Tarzan” phải dùng cây móc đu người bám vào những cành cây đầu tiên để trèo lên những cây thông cao tới vài chục mét. Trường hợp không có cành cây gần gốc, họ phải tự dùng chân tay bám chặt vào thân cây để trèo lên khó khăn hơn.
Anh Kon Sa Ha Rim (27 tuổi) từng có gần 10 năm làm nghề này chia sẻ, người đi hái trái thông hầu hết đều là đàn ông có sức vóc và thường phối hợp với nhau thành từng nhóm độ 3-5 người. Quan trọng nhất là phải biết leo trèo và không sợ độ cao bởi cây thông có trái thường cao trung bình từ 10-30 m, thân thẳng và có nhiều nhánh cây khó bám, trơn trượt.
Thành quả của anh Kon Sa A Khrim sau một ngày làm việc vất vả. Tầm 17 giờ chiều, những bao thông rừng nặng khoảng 55-60 kg được anh vác từ trên núi xuống chất lên xe máy để về nhà.
Tại Lâm Đồng thì từ tháng 5 tới tháng 8 là tới mùa thông 3 lá. Mùa này hái trái thông rừng khá dễ, chỉ cần trèo lên cây rung mạnh thông rụng hoặc dùng móc câu giật, nhưng dễ hái nên giá trái thông 3 lá khá rẻ. Còn từ tháng 9 tới tháng 3 năm sau là mùa thông 2 lá, nhà buôn có nhu cầu mua trái thông xanh đem về phơi để trái nở đều có màu hổ phách, sau đó phân loại bán cho các doanh nghiệp dưới TP Hồ Chí Minh.
Hiện trái thông tươi được mua với giá 4.000-4.500 đồng/kg, trừ chi phí xăng mỗi người được khoảng trên dưới 200.000 - 250.000 đồng/ngày. Cuối ngày, một nhóm thanh niên hái trái thông rừng vui vẻ về nhà sau một ngày vất vả làm “Tarzan” trên rừng.
Tuy nhiên, thông 2 lá trái dai và hái khó khăn hơn. “Nghề này kén người, không có sức khỏe và quen việc chắc không bám nổi đâu. Tôi có tuổi rồi nhưng thi thoảng vẫn muốn đi vì nhớ nghề. Giống như hái cây đót làm chổi, tới mùa trái sai thương lái cần là mình ngứa ngáy tay chân đi vào rừng leo trèo. Thích nhất là được thoải mái, tự do không ai quản lý giờ giấc chứ thu nhập cũng không hơn công hái cà phê nhiều lắm” - ông Ka Sã Ha Dương nhận xét về cái nghề khá đặc biệt của mình.
Những trái thông xanh khi thu mua từ Đơn Dương về được các thương lái tại TP Đà Lạt phơi dưới nắng cho nở bung nở có màu hổ phách rất đẹp, sau đó được đóng gói khoảng 6-7 tấn xuất xuống TP Hồ Chí Minh.
Chính Phong (Báo Lâm Đồng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.