Lên Mường Lò say đắm vị tết

Quỳnh Nguyễn – Việt Dũng Thứ ba, ngày 01/02/2022 12:00 PM (GMT+7)
Người Thái ở Mường Lò (Yên Bái) đón tết vui xuân với nhiều phong tục và nét văn hóa đặc sắc không thể trộn lẫn.
Bình luận 0

Mảnh đất Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ là cội nguồn, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái bao đời nay. Hiện nay, người Thái Mường Lò vẫn còn giữ được nhiều những phong tục tập quán độc đáo trong ngày Tết cổ truyền.

1 năm "ăn" 3 tết

Đối với người Thái quanh năm có rất nhiều cái tết, nhưng họ chỉ ăn 3 cái tết chính. Thứ nhất là "Chiêng Xam" (Tết Thanh Minh ) được tổ chức vào ngày 3/3 âm lịch, sau đó là "Xíp Xí" được tổ chức vào 14/7 âm lịch hàng năm và cái Tết quan trọng nhất là Tết Nguyên đán - Tết cổ truyền của toàn dân tộc Việt Nam và được người Thái gọi bằng cái tên là "Bươn Chiêng".

tat/ Lên Mường Lò say đắm vị xuân - Ảnh 1.

Mâm cỗ của người Thái trong dịp tết. Ảnh: V.D

tat/ Lên Mường Lò say đắm vị xuân - Ảnh 2.

tat/ Lên Mường Lò say đắm vị xuân - Ảnh 3.

Từ 29 Tết, người Thái mổ lợn, nhà nào cũng làm vài mâm mời tất cả anh em, họ hàng, thông gia, con cháu đến ăn tết. Ảnh: V.D

Không để mai một những nét đẹp

Ông Đinh Anh Tuấn - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Nghĩa Lộ cho biết, Nghĩa Lộ là cái nôi của nền văn hóa Thái với gần 50% dân số là đồng bào Thái. Để gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng báo Thái, hàng năm thị xã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động mừng Đảng mừng xuân. Ngoài những hoạt động trong dịp tết thì vào ngày rằm tháng Giêng, thị xã định hướng cho tất cả các xã, phường trên địa bàn tổ chức chương trình văn hóa, văn nghệ thể thao, lễ hội truyền thống của đồng bào để không bị mai một. Đây cũng là dịp để người dân giao lưu, là cơ hội để các nam thanh nữ tú gặp gỡ tìm hiểu và thành đôi dựng vợ gả chồng; đồng thời, là dịp để người dân trong và ngoài tỉnh biết đến những bản sắc văn hóa đặc trưng riêng có của người Thái.

Tết Nguyên đán của người Thái Mường Lò có nhiều phong tục rất thú vị, mang đậm nét đặc trưng riêng có. Đồng bào Thái nơi đây có quan niệm rằng không cần phải chuẩn bị tết quá sớm như những đồng bào Thái ở nơi khác, bởi vì theo họ cần phải giải quyết việc ruộng đồng, nương rẫy xong mới chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa đón Tết. 

Đặc biệt, vào ngày 23 tháng Chạp, người Thái không cúng ông Công ông Táo bằng các lễ vật như cá, mũ táo quân… mà họ chỉ rót chén rượu và thắp hương cho tổ tiên nhằm báo cáo với tổ tiên về việc dọn dẹp nhà cửa; bởi người Thái rất kiêng kị khi làm gì liên quan đến nhà cửa, vì vậy muốn dọn dẹp, trang trí nhà phải báo cáo với tổ tiên cho phép.

Bà Lò Thị Kim (ở bản Tông Co 1, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ), cho biết, để chuẩn bị đón năm mới, cứ đến tầm tháng 10 âm lịch bà con đã chuẩn bị nếp nương, lợn, gà để dành ăn tết. Từ ngày 25-26/12 âm lịch, bà con bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, người phụ nữ trong gia đình thì phải quét dọn mọi ngóc ngách dưới sàn, dưới sân, lối vào nhà hay cả chuồng trại… sao cho tất cả phải thật sạch sẽ.

tat/ Lên Mường Lò say đắm vị xuân - Ảnh 5.

Trước khi chơi ném còn, đồng bào Thái sẽ làm lễ cúng cây còn. Ném còn thể hiện nếu ai ném trúng thì báo hiệu một năm mới sẽ được may mắn, thuận lợi trong mọi việc.

Còn người đàn ông là trụ cột trong gia đình mới được dọn dẹp trên bàn thờ tổ tiên: Thay bát hương quét dọn, lau chùi, dán giấy đỏ xung quanh bàn thờ, sắp xếp lại tất cả mọi thứ trên bàn thờ, để lên đó nải chuối, bánh kẹo, buộc thêm 2 cây mía ở cạnh hai bên tượng trưng cho hai chiếc thang để đón tổ tiên về ăn tết cùng con cháu.

Đến sáng 29 Tết, người Thái mổ lợn, nhà nào cũng làm vài mâm mời tất cả anh em, họ hàng, thông gia, con cháu đến. Theo phong tục của người Thái, chủ nhà sẽ mang thủ, đuôi, chân, xương sườn lợn đã luộc chín đặt lên bàn thờ thắp hương cúng tổ tiên; cầu xin tổ tiên phù hộ cho sức khoẻ, mùa màng tươi tốt... Sau khi cúng xong, tất cả phải để nguyên trên bàn thờ và không được ăn.

Từ tối 29 Tết, người Thái bắt đầu gói bánh chưng. Bánh chưng của đồng bào Thái không phải bánh vuông mà dạng ống tròn, nhiều nơi gọi là bánh tày. Bánh thường có 2 loại bánh trắng và bánh đen. Bánh đen của người Thái được làm từ gạo nếp trộn với tro của cây muối khi được đốt lên và cây vừng đen để có mùi thơm, khi ăn sẽ bùi. Riêng nhân bánh được làm từ đỗ đen (người Thái gọi là nho nhe) nấu bông lên sau đó giã ra rồi cùng với thịt lợn sẽ làm nhân bánh.

Đến đêm 30 Tết, người Thái sẽ làm một mâm cơm thịnh soạn để cúng tổ tiên và mời tổ tiên về ăn tết ngay từ lúc trước khi ăn bữa tối; đến khoảnh khắc giao thừa họ không mổ gà để cúng giáp canh như tục lệ của người Kinh, mà họ chỉ rót rượu, chè để thắp hương cho tổ tiên. Sau đó, người Thái có tục lệ "hảng cống" tức là dàn trống, chiêng. 

Đối với họ, ngày tết bắt buộc phải có trống chiêng. Đúng vào giây phút giao thừa thì người Thái thực hiện lễ rước "hảng cống", mang trống, chiêng từ nhà đến tại địa điểm như nhà văn hóa, sau đó tất cả mọi người tụ tập, có cả già làng, trưởng bản sẽ đánh trống, chiêng với mong muốn năm mới tốt đẹp, may mắn hơn và ai cũng đều được đánh trống, nếu không sẽ không được may mắn trong năm tới.

Nối dài những ngày xuân vui

Sáng mùng 1 Tết, người Thái kiêng không đi chúc tết hàng xóm, mà chỉ có con cháu trong gia đình đem rượu, mứt, bánh chưng đến tết bố mẹ đẻ; ngày mồng 2 đi tết bố mẹ bên vợ và từ ngày mùng 3 Tết trở đi đến ngày rằm tháng Giêng bắt đầu vui chơi cộng đồng với các trò chơi dân gian như ném còn, tó mác lẹ, hạn khuống, leo cột mỡ, kéo co, đẩy gậy... được tổ chức rất sôi nổi.

Trò chơi ném còn có 3 cách chơi. Cách thứ nhất là chơi "còn vòng" có đích ở trên cao 20 - 30m, người chơi tung trúng là được thưởng. Cách thứ hai là chơi "còn sai" một bên là nam, bên là nữ tung còn cho nhau, bên nào không bắt được là thua. Cách cuối cùng chơi "còn xổm" là nam, nữ đứng xen kẽ thành 5 - 6 vòng tròn đồng tâm (tượng trưng sự đoàn kết), ai cũng được cầm quả còn ném cho nhau; nam ném cho nữ, nữ ném cho nam, nếu nam hoặc nữ không bắt được thì bị thua cuộc và sẽ bị bên thắng thơm vào má, vỗ vào vai, lưng...

Bà Lò Thị Kim cho biết thêm, cùng với trò chơi ném còn, các trò chơi khác cũng được tổ chức liên tục trong những ngày tết như Tó mác lẹ, Hạn khuống (dành cho nam, nữ chưa chồng, chưa vợ hát giao duyên). Người Thái tìm một bãi đất rộng làm một cái sàn, sau đó con gái chưa chồng lên sàn thêu, dệt, xe tơ; còn con trai chưa vợ mang khèn, vè, sáo... đến hát xin lên sàn. 

Con trai hát: "Ở xa trông thấy lửa - Ở xa trông thấy nước - Trông thấy nước muốn ướm thử nước có sâu không - Thấy nước trong, anh muốn uống một ngụm - Thấy áo chàm anh muốn mặc thử...". Các chàng trai Thái vừa hát vừa leo lên sàn trò chuyện hát đối với các thiếu nữ. Cũng từ lễ hội mùa xuân này mà nhiều đôi đã nên vợ nên chồng và chung sống hạnh phúc với nhau.

Đón năm mới, đồng bào Thái vùng Mường Lò cứ ăn Tết vui xuân như vậy cho đến ngày 15 tháng Giêng thì họ lại gói bánh chưng để thắp hương cho tổ tiên và báo cáo là hết tết. Sau đó, họ mở hội Lồng Tồng (hội xuống đồng), thi đua lao động sản xuất bắt đầu một năm mới, mùa vụ mới với nhiều niềm vui và đầy ước vọng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem