Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức ngày 7.7.
Sau khi Tổng thống Putin phủ nhận cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 trong cuộc gặp với ông Trump thì Tổng thống Mỹ đã cố gắng bỏ qua vấn đề để theo đuổi mối quan hệ nồng ấm hơn với Nga, bất chấp các kết luận trái ngược của cộng đồng tình báo Mỹ.
Nỗ lực đầu tiên của chính quyền Trump để hợp tác với Nga liên quan đến một cuộc khủng hoảng quốc tế với việc thực thi lệnh ngừng bắn ở phía tây nam Syria bắt đầu có hiệu lực từ ngày 9.7. Đây là thành công đầu tiên trong cuộc họp vào hôm 7.7 giữa 2 nhà lãnh đạo Nga, Mỹ.
Nếu thỏa thuận ngừng bắn được duy trì, nó có thể mở đường cho sự hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa Mỹ và Nga trong nỗ lực dập tắt bạo lực và tiến tới các thỏa thuận ngừng bắn khác tại những nơi khác ở Syria.
Với thỏa thuận ngừng bắn trên, Mỹ dường như đã chấp nhận kế hoạch lớn hơn của Nga đó là tạo ra một loạt các khu vực giảm leo thang ở khắp Syria nhằm chấm dứt bạo lực ở đất nước này. Các khu vực giảm leo thang này sẽ do các cường quốc khu vực hoặc quốc tế có ảnh hưởng bảo trợ.
Thỏa thuận ngừng bắn lần này tạo ra cơ chế riêng cho Mỹ và Jordan sử dụng ảnh hưởng của họ đối với các nhóm phiến quân trong khu vực tây nam Syria để ngăn chặn xung đột, trong khi Nga gây sức ép lên đồng minh của mình là chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad.
Các cư dân trong khu vực ngừng bắn cho biết, tiếng súng đã im bặt vào buổi trưa Chủ nhật (9.7), thời hạn ngừng bắn có hiệu lực. Họ hy vọng lệnh ngừng bắn sẽ ngăn chặn bạo lực và chết chóc.
Các chiến binh thuộc Quân đội tự do Syria ở Quneitra buông súng nghỉ ngơi vào hôm 8.7, một ngày trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.
Tuy nhiên, theo giới phân tích chi tiết của lệnh ngừng bắn vẫn còn mơ hồ và chưa rõ liệu thỏa thuận này có dẫn tới một giải pháp bền vững để chấm dứt cuộc nội chiến 6 năm qua ở Syria hay không.
Iran, một trong những đồng minh chính của Tổng thống Assad không phải là một bên trong thỏa thuận. Tuy nhiên, Iran lại có ảnh hưởng đáng tới tới khu vực tây nam Syria thông qua mạng lưới các lực lượng dân quân bao gồm phong trào Hezbollah của Lebanon.
Theo đó, có quan ngại cho rằng Iran và thậm chí cả chính phủ Syria có thể tìm cách làm hỏng thỏa thuận có khả năng giúp ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực này gia tăng. Một câu hỏi đặt ra là, liệu Nga có đủ ảnh hưởng để thuyết phục chính phủ Syria và Iran để thuyết phục họ tuân thủ thoả thuận ngừng bắn hay không.
Ngoài ra, cơ chế thực thi của thỏa thuận cũng được cho là chưa rõ ràng. Theo một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ, cảnh sát quân đội của Nga sẽ được triển khai trong khu vực.
Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là, liệu Israel có chấp nhận để các lực lượng Nga hiện diện gần biên giới nước này vì quan ngại Moscow sẽ không có khả năng cũng như không có ý định ngăn chặn sự mở rộng của Iran trong khu vực tây nam Syria, tờ Haaretz của Israel bình luận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.