Lịch xương trâu của người La Ha

Thứ hai, ngày 27/09/2010 17:46 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đã có một thời, nhắc đến cộng đồng La Ha là người ta nghĩ ngay đến bộ lịch bằng xương trâu, nó được coi như một phần "gia phả" của người La Ha...
Bình luận 0

 

Đồng bào La Ha hiện nay còn khoảng 6.000 người, cư trú chủ yếu ở địa bàn các huyện Than Uyên (Lai Châu) và Thuận Châu, Mường La (Sơn La).

img
Bộ lịch xương trâu của người La Ha hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Dân tộc học.

Đã có một thời, nhắc đến cộng đồng La Ha là người ta nghĩ ngay đến bộ lịch bằng xương trâu, nó được coi như một phần "gia phả" của người La Ha. Tuy nhiên đến nay, muốn xem “gia phả” này phải vào Bảo tàng Dân tộc học ở Hà Nội.

Nhắc đến điều này, già Lò Văn Păn ở bản Sài Lương (xã Tà Mít, huyện Than Uyên) thở dài: "Trước đây tôi cũng được người bác ruột cho một bộ lịch xương trâu. Tôi giữ nó suốt mấy chục năm nhưng cuối cùng đành gửi lại cho mấy anh cán bộ văn hóa ở tỉnh vì các thế hệ sau không chịu học, nhỡ tôi mất đi thì không có người dùng...”.

Truyền thuyết của người La Ha kể rằng, ngày xưa, họ có một quyển sách xem ngày tháng nhưng bị một con trâu vô tình ăn mất. Từ đó, công việc và cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn do không phân biệt được ngày tốt, xấu.

Người La Ha liền mổ con trâu kia để lấy lại quyển sách, nhưng không thấy nên quyết định lấy chiếc xương sườn của nó để khắc lịch. Nhờ loại lịch này, họ có thể tính được ngày tốt, xấu và đặc biệt là biết được sự thay đổi thời tiết để điều chỉnh công việc cho phù hợp.

Trên mỗi xương sườn trâu, người La Ha khắc 30 vạch tương ứng với 30 ngày trong tháng và các ký hiệu với nghĩa tốt, xấu khác nhau. Lịch xương trâu gắn bó mật thiết với đời sống của người La Ha và được xem như một tài sản quý.

Dù khó xem nhưng lịch bằng xương trâu trước kia rất phổ biến trong cộng đồng người La Ha. Vậy nhưng hiện nay, loại lịch này đã trở thành vật hiếm và hiện chỉ còn duy nhất một quyển được cất giữ trong bảo tàng, số người La Ha biết xem lịch cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. "Vì lịch rất quý, người ta bí mật cách xem nên ngày nay gần như thất truyền.

Ông nội tôi cũng có 1 bộ. Lúc còn khỏe ông không dạy bố tôi, khi ông ốm bố tôi học không kịp nữa nên ông đã đem theo xuống mộ rồi. Nay lịch này chỉ còn một bộ ở Sài Lương, các bản khác người ta chủ yếu xem ngày bằng sách hoặc bấm độn như người Thái..." - già Hoàng Văn Ín ở bản Pắc Muôn, xã Tà Mít phân bua.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem