Liên hoan nghi lễ Chầu văn Hà Nội: Hiểu đúng mới yêu và trọng

Thứ bảy, ngày 28/09/2013 16:25 PM (GMT+7)
Lần đầu tiên Hà Nội tổ chức liên hoan cho nghi lễ Chầu văn, sau một thời gian dài, nghệ thuật này bị nằm trong vùng mờ ảo giữa mê tín dị đoan và di sản văn hóa truyền thống.
Bình luận 0
Thanh lọc nghi lễ

Hát Chầu văn, còn gọi là hát văn có xuất xứ từ đồng bằng Bắc Bộ. Theo GS Ngô Đức Thịnh - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, thời kỳ thịnh vượng nhất của hát văn là cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt nghiêm trang, hát văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa hầu Thánh (hay còn được biết là tín ngưỡng thờ Mẫu - tín ngưỡng Tứ phủ). Từng có thời gian dài tín ngưỡng thờ Mẫu bị tác động bởi những yếu tố khách quan đã không còn trong sáng và nguyên gốc như khi ra đời, và cũng vì thế mà bị quy là “mê tín dị đoan”.

Vòng sơ loại Liên hoan Chầu văn Hà Nội 2013 tại đền Lâm Du (Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội).
Vòng sơ loại Liên hoan Chầu văn Hà Nội 2013 tại đền Lâm Du (Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội).

Thời gian gần đây, những vướng mắc đã được gỡ bỏ, Bộ VHTTDL cũng đã chính thức coi đây như một loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu. Thế nhưng, cho đến nay tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn bị bao phủ bởi làn sương huyền bí. Chính bởi vì lý do đó nên trong liên hoan lần đầu tiên này, Ban tổ chức đã có nhiều quy định rất chặt chẽ để nhằm làm thanh sạch nghi lễ hầu đồng, ví dụ như một loạt nguyên tắc “không”- hút thuốc liên tục, uống rượu tì tì, ném tiền lộc vung vãi… Tuy thế, sức hút của nghi lễ này vẫn còn nguyên với khán giả, ngay từ vòng sơ khảo khai mạc vào 25.9 tại đền Kim Giang, mưa to gió lớn nhưng liên hoan vẫn thu hút được đông đảo người dân đến tham dự.

Việc tổ chức Liên hoan nghi lễ Chầu văn Hà Nội lần thứ nhất 2013 do Sở VHTTDL Hà Nội tổ chức ngoài mục đích kiểm kê và bước đầu tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể chầu văn trên địa bàn TP.Hà Nội. Đồng thời, thông qua hoạt động này sẽ có thêm cơ sở để xây dựng hồ sơ nghi lễ Chầu văn ở Hà Nội, trình Bộ VHTTDL chứng nhận để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhưng hơn cả, liên hoan đã tạo ra một “sân khấu” lớn, thỏa niềm mong mỏi được thưởng thức trực tiếp các tiết mục đặc sắc mang đậm yếu tố nghệ thuật tâm linh của đông đảo người dân. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng- thành viên Ban tổ chức: “Liên hoan là cơ hội để người dân có thể hiểu và cũng như có những kiến thức trong việc hành lễ. Bởi ý nghĩa mong muốn của liên hoan là khắc họa nên cái gốc rễ, cội nguồn, cũng như những chuẩn mực của nghệ thuật hát văn cũng như văn hóa tín ngưỡng hầu đồng”.

Tìm lại giá trị đẹp

Có thể thấy so với những thập niên từ 1950 - 1980 khi hát chầu văn, hầu đồng khá trầm lắng do bị cấm vì những biểu hiện mê tín, dị đoan, thì hiện nay hầu đồng, hát chầu văn đã phát triển mạnh và được tổ chức biểu diễn ở trong và ngoài nước. Cùng với đó, số điện thờ tự gia tăng nhanh, đối tượng thờ đa dạng gồm: Mẫu, Phật, Thánh Trần, Quan Âm… Và một thực tế là việc tổ chức hầu đồng đã và đang có nhiều biến tướng, làm mất đi bản chất, giá trị tốt đẹp vốn có. Cách đây hơn chục năm, nghi lễ vẫn còn “sạch”, lễ vật đơn giản, không cầu kỳ, hoành tráng như hiện nay.

Đền Kim Giang (Thanh Xuân) và đền Lâm Du, (Long Biên); đền Yên Phú (Thanh Trì) và đền Cây Quế (Cầu Giấy) là nơi diễn ra vòng sơ loại. 10 nhóm Chầu văn tiêu biểu của TP. Hà Nội sẽ được lựa chọn tham gia trình diễn từ ngày 4.10 đến hết ngày 5.10 tại rạp Công Nhân (Tràng Tiền, Hà Nội).


Tuy nhiên thực tế hiện nay nhiều người hát văn không còn giữ “đạo” cổ xưa. Lời văn được sáng tạo thêm theo kiểu “moi tiền”, ban thưởng nhiều thì văn hát càng “bốc” và ngược lại nếu hầu “khiêm tốn” thì cung văn sẽ “mất điện”. Trong khi đó, các thầy đồng đang nổi lên nhiều, người dân thiếu hiểu biết, tin vào ma lực thần bí ở cõi vô hình hoặc hiểu chưa đúng về tín ngưỡng này nên bị lợi dụng. Đây chính là nguyên nhân làm cho tín ngưỡng thờ Mẫu biến tướng. Cùng với đó, không ít người đã lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước để “buôn thần bán thánh”, tuyên truyền mê tín dị đoan trong hát văn, hầu đồng, tạo ra những sinh hoạt không lành mạnh. Có thể thấy việc tổ chức liên hoan là cách để người dân, cũng như những thanh đồng, người hát chầu văn có một cách nhìn đúng về loại hình nghệ thuật đa ngành, hội tụ nhiều giá trị khác nhau như: Âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, văn học, vũ đạo, đạo cụ, trang phục, nghệ thuật trình diễn… Vì mỗi giá đồng còn là một trích đoạn sân khấu dân gian có sự giao tiếp giữa con người với thánh thần.

Một trong những được nhiều người khá quan tâm khi tổ chức liên hoan đó là việc Ban tổ chức yêu cầu không hút thuốc, uống rượu quá nhiều, khuyến khích “phát lộc” bằng hiện vật như oản, xôi nén… thay cho tiền mặt. Tuy nhiên, về vấn đề này dường như còn có nhiều sự lúng túng khi sử dụng khái niệm “hạn chế” hay cấm. Thanh đồng Nguyễn Hải Nam (quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Giá chầu chúa, giá nữ thần nên hạn chế ở một mức độ và phạm vi nhất định với việc hút thuốc, uống rượu… Không nên làm thái quá, lố lăng sẽ làm xấu đạo mẫu, không thanh sạch cho đạo đồng”.

Ông Nguyễn Khắc Lợi- Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội cho biết, vẫn còn khá nhiều ý kiến và cách nhìn nhận khác nhau về tín ngưỡng này và liên hoan là dịp để cơ quan quản lý văn hóa kiểm kê lại “tài sản” của mình có bao nhiêu, giá trị thế nào, yếu tố nào nguyên gốc, yếu tố nào mới phát sinh để từ đó tìm ra cách quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị phù hợp nhất. Bởi có hiểu đúng về chầu văn thì người dân mới có thể yêu và trọng nó”.

Minh Hoàng (Minh Hoàng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem