Liên kết chăn nuôi theo chuỗi an toàn thực phẩm, cả doanh nghiệp, nông dân đều "khỏe"

Thiên Hương Thứ sáu, ngày 12/11/2021 11:31 AM (GMT+7)
Khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 ở Việt Nam, đặc biệt là khi 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội, người ta mới thấy rõ sức mạnh của chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Nhờ chuỗi này, nhiều doanh nghiệp, chủ trang trại giảm nguy cơ thua lỗ, tiêu thụ tốt sản phẩm, thậm chí tăng trưởng ngoạn mục.
Bình luận 0

Tăng trưởng ngoạn mục nhờ liên kết chăn nuôi theo chuỗi 

Thời điểm dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phía Nam diễn biến phức tạp, nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến thủy sản gặp phải muôn vàn khó khăn vì nguyên liệu bị tồn đọng, dẫn đến giá heo hơi, giá các sản phẩm thuỷ sản, gia cầm tụt dốc không phanh.

Bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, khi dịch Covid-19 bùng phát, 9/10 cơ sở giết mổ gia cầm của tỉnh phải đóng cửa, chỉ còn cơ sở của Công ty TNHH San Hà hoạt động với công suất đạt 2/3 so với trước. Trước đây, mỗi ngày công ty này giết mổ 60.000 con gia cầm, nay chỉ còn 40.000 con/ngày; trong đó đưa về TP. Hồ Chí Minh 30.000 con.

Theo chia sẻ của bà Phạm Thị Ngọc Hà – Giám đốc Công ty TNHH San Hà, thời điểm đó mỗi ngày San Hà lỗ gần 1 tỷ đồng, thì các doanh nghiệp khác tính sơ sơ cũng lỗ khoảng 500 triệu đồng/ngày.

Liên kết chăn nuôi, doanh nghiệp tăng trưởng ngoạn mục trong mùa dịch (Bài 3) - Ảnh 1.

Trang trại nuôi gà của Công ty TNHH San Hà. Ảnh: Dân Việt

Cũng theo bà Đinh Thị Phương Khanh, tất cả các cơ sở giết mổ lợn, trâu bò đều giảm công suất xuống chỉ còn từ 10 - 20% so với trước dịch. Duy chỉ có nhà máy giết mổ, chế biến thịt mát của Công ty Massan tăng công suất lên 4 lần, đạt 600 con/ngày.

Đại diện Masan cho biết, đầu vào nhà máy giết mổ, Masan đang liên kết với Tập đoàn Dabaco, Công ty CP C.P Việt Nam để nhập lợn hơi. 

Còn đầu ra, Masan phân phối chủ yếu trong chuỗi Vinmart, Vinmart+, nhờ đó sản phẩm thịt lợn vẫn tiêu thụ tốt, đồng thời còn đảm bảo nhiệm vụ cung ứng thực phẩm cho thị trường.

Đáng chú ý, mảng kinh doanh thịt mát MeatDeli của tập đoàn này đã bắt đầu có lãi từ quý 3. Lợi nhuận hợp nhất 9 tháng đầu năm tăng 29%, lên 379 tỷ đồng.

Mới đây, Tập đoàn Masan đã quyết định tập trung vào mảng thịt và bán toàn bộ 14 nhà máy thức ăn chăn nuôi cho De Heus Việt Nam, đồng thời đạt thoả thuận cung cấp thịt dài hạn với De Heus. 

Theo đó, nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi đến từ Hà Lan sẽ cùng các đối tác trong chuỗi liên kết của mình cung cấp thịt lợn, thịt gà cho các nhà máy giết mổ của Masan.

Liên kết chăn nuôi, doanh nghiệp tăng trưởng ngoạn mục trong mùa dịch (Bài 3) - Ảnh 2.

Dây chuyền chế biến thịt mát của Masan MeatLife. Ảnh: M.H

Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2008, đến nay Công ty TNHH De Heus Việt Nam (thuộc Tập đoàn De Heus – Hà Lan) đã có tổng cộng 22 nhà máy thức ăn chăn nuôi; 2 nhà máy giết mổ heo và gia cầm; 3 trang trại heo giống cụ kỵ, ông bà; 2 trung tâm nghiên cứu với hệ thống phòng thí nghiệm nằm tại các nhà máy… 

Công ty này cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong xây dựng các chuỗi liên kết chăn nuôi, mà chuỗi xuất khẩu gà đi Nhật là thành công lớn nhất.

Tháng 9/2020, De Heus liên kết cùng Tập đoàn Hùng Nhơn triển khai Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN tại Đắk Lắk, quy mô 200ha. Mới đây tổ hợp này đã đón 1.200 con heo cụ kỵ, ông bà về chăn nuôi. Hiện De Heus đang cùng Tập đoàn Hùng Nhơn xây dựng một loạt tổ hợp DHN ở Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum.

Cũng trong năm 2021, 2 tập đoàn này tiếp tục góp vốn và cùng Công ty Bel Gà xây dựng nhà máy giống gia cầm tại Tây Ninh, đồng thời triển khai Tổ hợp khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh, với tổng mức đầu tư khoảng 3.325 tỷ đồng, bao gồm: 2 trang trại gà bố mẹ, 250 trang trại chăn nuôi gà thịt an toàn (có công suất 25 triệu gà thịt/năm); chuỗi các nhà máy sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi khép kín.

Chia sẻ về việc đầu tư một loạt dự án giữa đại dịch Covid-19, ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc điều hành De Heus châu Á cho biết, những năm trở lại đây, ngành chăn nuôi đã trải qua nhiều biến cố phức tạp: bão giá lợn hơi năm 2017, dịch tả lợn châu Phi năm 2019, bão giá gia cầm và cá da trơn.

 Gần đây nhất là sự tái bùng phát nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thực phẩm và suy giảm chuỗi cung ứng, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi… 

Tuy nhiên, De Heus vẫn kiên trì xây dựng các chuỗi giá trị, chuỗi liên kết để hướng đến mô hình sản xuất tiên tiến. Mục đích là cùng người chăn nuôi sản xuất bền vững. 

"Đại dịch Covid-19 khiến nhiều công ty, doanh nghiệp thận trọng, không dám đầu tư, song đó lại là cơ hội cho chúng tôi mở rộng các nhà máy. Việc liên kết với Tập đoàn Masan, Hùng Nhơn, Bel Gà sẽ giúp chúng tôi hoàn thiện chuỗi liên kết chăn nuôi từ đầu vào đến đầu ra" - ông Gabor nói. 

10 tháng đầu năm 2021, De Heus vẫn tăng sản lượng thức ăn chăn nuôi lên 10% so với cùng kỳ năm 2010. De Heus giữ vị trí vững chắc trên thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam ở tất cả các dòng sản phẩm cho gia súc, gia cầm, động vật nhai lại và thủy sản với 3 thương hiệu De Heus, Windmill và Koudijs, vươn lên trở thành một trong hai công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất tại Việt Nam về quy mô, sản lượng, doanh thu…

Liên kết chăn nuôi, doanh nghiệp tăng trưởng ngoạn mục trong mùa dịch (Bài 3) - Ảnh 4.

Trại chăn nuôi lợn giống cụ kỵ, ông bà của De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn tại huyện Cư M'Gar, Đắk Lắk.

Là 1 thành viên trong chuỗi này, ông Vũ Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, Hùng Nhơn có vai trò là người chăn nuôi gia cầm, lợn; De Heus cung cấp thức ăn và thu mua sản phẩm đưa vào nhà máy giết mổ.

"Liên kết theo chuỗi giúp chúng tôi giảm nguy cơ rủi ro, sản xuất bền vững hơn. "Sức mạnh" của chuỗi liên kết chăn nuôi quy mô lớn càng thể hiện rõ khi dịch Covid -19 bùng phát, giãn cách xã hội khiến giá gia cầm, giá lợn hơi giảm mạnh. Song các trại chăn nuôi của Hùng Nhơn vẫn duy trì hoạt động, tiêu thụ được nhờ có các nhà máy giết mổ của De Heus; thức ăn chăn nuôi do De Heus cung cấp với giá gốc" – ông Hùng chia sẻ.

Liên kết giúp người chăn nuôi "sống khoẻ"

Cùng với sự bùng nổ của các chuỗi liên kết với sự tham gia của các tập đoàn lớn, gần đây các chuỗi liên kết quy mô nhỏ hơn cũng thể hiện rõ điểm mạnh trong bối cảnh dịch bệnh.

Tại Tây Ninh, mô hình liên kết trong chăn nuôi từ sản xuất đến tiêu thụ giữa một số trang trại trên địa bàn tỉnh với Công ty CP chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty TNHH CJ Vina Agri đang được thực hiện tốt, tạo tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

Liên kết chăn nuôi, doanh nghiệp tăng trưởng ngoạn mục trong mùa dịch (Bài 3) - Ảnh 5.

Trang trại chăn nuôi gà của anh Phạm Lê Tâm. Ảnh: Báo Tây Ninh

Từ năm 2018, trang trại của anh Phạm Lê Tâm (xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên) nuôi gia công cho Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam. Trang trại được xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại, phòng, chống dịch bệnh nghiêm ngặt, chất thải xử lý đảm bảo không gây ô nhiễm ra môi trường. Ngoài ra, anh Tâm còn có một trang trại tại huyện Bến Cầu với diện tích 40.000m2, mỗi năm nuôi hàng chục ngàn con gà.

"Liên kết chăn nuôi cho Công ty C.P giúp chúng tôi "sống khoẻ" qua dịch bệnh, không phải lo lắng chật vật tìm đầu ra, lợi nhuận trung bình khoảng 500 triệu đồng/năm" – anh Tâm nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, 141 chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản của TP vẫn hoạt động thông suốt trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Các chuỗi này có thế mạnh nhờ nông sản được kiểm soát tốt chất lượng, đảm bảo an toàn, người tiêu dùng tin tưởng.

Giám đốc HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai, Hà Nội) Nguyễn Đình Tường cho biết, chuỗi thịt lợn sinh học Quốc Oai vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường. Nhằm bảo đảm tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, HTX đã chủ động liên kết với một số cửa hàng tiện ích; đẩy mạnh bán hàng trực tuyến nên lượng thịt lợn tiêu thụ tăng 30%. Chỉ tính trong 1 tháng gần đây, HTX đã bán ra thị trường 25 tấn thịt lợn hơi với giá ổn định.

Trong chuỗi liên kết, doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Người chăn nuôi xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải theo yêu cầu của doanh nghiệp, chăn nuôi theo hợp đồng ký kết. Nhờ nguồn giống đảm bảo, thức ăn cung cấp theo giá tại nhà máy, đầu ra ổn định, hạn chế dịch bệnh nên người chăn nuôi cắt giảm chi phí tối đa, đem lại hiệu quả cao nhất…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem