Giá lợn hơi đang tăng, có nên nuôi lợn vào thời điểm này không?
Giá lợn hơi đang tăng, có nên nuôi lợn vào thời điểm này không?
Khánh Nguyên (ghi)
Thứ bảy, ngày 30/10/2021 19:05 PM (GMT+7)
Giá lợn hơi đang tăng, có nên nuôi lợn vào thời điểm này không là băn khoăn của nhiều người chăn nuôi? Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, ngành chăn nuôi đang phục hồi, tuy nhiên bà con cần tăng cường các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi trước dịch bệnh.
Giá lợn hơi đang tăng, có nên nuôi lợn vào thời điểm này không?
Hiện, giá lợn hơiđang tăng nhưng giai đoạn cuối năm là thời điểm nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Nhiều bà con đang băn khoăn có nên nuôi lợn vào thời điểm này không?. Vậy Thứ trưởng đánh giá thế nào về nguy cơ bùng phát dịch tác động đến thị trường chăn nuôi cuối năm?
- Việt Nam có quy mô đàn gia súc, gia cầm rất lớn với hơn 8,6 triệu con trâu bò, 527 triệu con gia cầm, 28,02 triệu con lợn. Từ nay đến cuối năm, người chăn nuôi phải hết sức cẩn trọng vì dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục, cúm gia cầm đang diễn biến hết sức phức tạp.
Trong khi đó, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm trên 50%, quy mô giết mổ cũng nhỏ lẻ; nhu cầu giao thương của những tháng dịp Tết Nguyên đán, Noel rất lớn… nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao.
Hiện, tỷ lệ tiêm vaccine trên đàn gia súc gia cầm tại các tỉnh chưa cao; mầm bệnh trong môi trường vẫn tồn tại, đường lây truyền phức tạp, độc lực rất cao.
Do vậy, nguy cơ bùng phát trong những tháng cuối năm, đặc biệt là đầu năm 2022 là rất lớn.
Thứ trưởng có khuyến cáo gì với người chăn nuôi để phòng tránh dịch bệnh khi bà con vẫn đang băn khoăn với câu hỏi: Có nên nuôi lợn vào thời điểm này không?
- Dịch bệnh trên đàn gia súc từ đầu năm đến nay đã khiến 161.000 con lợn, 31.000 con trâu bò và nửa triệu con gia cầm buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục và cúm gia cầm. Điều đáng lo ngại là chủng cúm gia cầm mới H5N6, H5N8 đã xuất hiện.
Do vậy, chúng ta phải có bước chủ động, trước hết về hệ thống trong Luật Thú y tại Điều 6 ghi rất rõ: Trung ương có Cục Thú y, tỉnh có Chi cục Thú y, huyện có trạm thú y và xã có nhân viên thú y.
Nhưng thời gian qua, có những địa phương đưa nhiệm vụ thú y vào trung tâm dịch vụ dẫn đến thiếu nguồn nhân lực, không có chuyên môn.
Thứ hai, phải đảm bảo quy trình chăm sóc nuôi dưỡng. Việt Nam đã xây dựng rất nhiều cơ sở an toàn dịch bệnh, phải duy trì củng cố phát triển, vừa đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong nước mà còn đảm bảo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) để truy xuất nguồn gốc, xuất khẩu đi các thị trường.
An toàn sinh học, an toàn dịch bệnh phải đảm bảo và duy trì. Sắp tới là mùa rét, phải tập trung vào phòng chống rét, cung cấp đủ thức ăn cho đại gia súc.
Giá lợn hơi tăng, có nên nuôi lợn vào thời điểm này không? Câu trả lời là nên tái đàn thận trọng
Những ngày vừa qua, giá lợn hơi bắt đầu tăng trở lại. Nguyên nhân tăng do đâu và liệu mức tăng giá có bền vững không, thưa Thứ trưởng?
Khi ảnh hưởng Covid-19, sức tiêu thụ giảm rất lớn, ví dụ như TP.HCM 1 ngày tiêu thụ 1.600 tấn thực phẩm. Thực hiện giãn cách xã hội, lượng tiêu thụ ở các nhà máy, trường học, khách sạn nhà hàng… gần như ảnh hưởng tuyệt đối, giảm sức tiêu thụ khoảng 25 - 35%.
Với TP.HCM, khi giãn cách xã hội mấy tháng, thành phố chỉ tự sản xuất được 5-10% lượng thực phẩm, còn lại các tỉnh miền Tây đưa lên.
Khi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, vận chuyển khó khăn, dòng thực phẩm không chuyển được vào TP.HCM.
Chỗ tiêu thụ thì thiếu, chỗ sản xuất lại thừa khiến đàn gia súc, gia cầm đặc biệt là lợn và gà công nghiệp tồn ứ. Hiện nay, phòng chống dịch bệnh đã có kết quả, sức tiêu thụ quay trở lại, lượng tồn đọng mới được giải quyết.
Trong quá trình tồn đọng đó, con lợn chỉ ở mức 1,1 -1,2 tạ là xuất chuồng nhưng để quá thì tỷ lệ mỡ tăng cao, làm người mua giảm giá.
Hiện nay khi đã có Nghị quyết 128, Thủ tướng chỉ đạo phải tập huấn cho các địa phương, cập nhật từng ngày, tỉnh nào ở mức 1, 2, 3, 4 và chống dịch chỉ có chỉ đạo duy nhất của Chính phủ. Đơn vị, địa phương nào ban hành quy định phải xin ý kiến của Trưởng ban chỉ đạo là Thủ tướng Chính phủ.
Nhờ đó lưu thông được phục hồi trở lại, đồng thời nhu cầu tăng lên. Đến nay, các trường học chưa quay trở lại hoạt động bình thường, còn nhà hàng khách sạn từng bước mở lại, nhu cầu của TP.HCM bắt đầu nhích lên.
Xét đến cùng, dịch Covid-19 là nguyên nhân tác động đến nhiều ngành kinh tế, trong đó có ngành chăn nuôi.
Do vậy, cần có các giải pháp thực sự bền vững trong tất cả các tình huống để đảm bảo nguồn cung thực phẩm và đảm bảo hiệu quả cho người chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng.
"Năm nay, dự kiến sản lượng thịt lợn đạt khoảng 3,8 triệu tấn, bằng thời điểm năm 2018. Nếu khống chế dịch bệnh đạt được kết quả tốt, lưu thông trở lại bình thường, nhu cầu xã hội dần phục hồi thì giá cả sẽ trở lại hợp lý ở những tuần tới đây".
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến
Thứ trưởng dự báo từ nay đến cuối năm bức tranh cung-cầu thị trường thịt lợn sẽ ra sao. Liệu bà con có nên nuôi lợn vào thời điểm này không?
- Năm nay dự kiến sản lượng thịt lợn đạt khoảng 3,8 triệu tấn, bằng thời điểm năm 2018.
Nếu khống chế dịch bệnh đạt được kết quả tốt, lưu thông trở lại bình thường, nhu cầu xã hội dần phục hồi thì giá cả sẽ trở lại hợp lý ở những tuần tới đây.
Những ngày vừa qua giá lợn hơi đã liên tục tăng. Nhu cầu, sức tiêu thụ lớn lên thì lượng tiêu thụ cũng tăng, giá cũng sẽ tăng theo.
Bà con băn khoăn có nên tái đàn lợn vào thời điểm này không?. Bộ NNPTNT đang phối hợp với các địa phương khuyến khích nông dân tái đàn để đảm bảo cung ứng thực phẩm dịp cuối năm.
Nghị quyết 128 ra đời thì tác động, chuyển biến thế nào cho ngành chăn nuôi, thưa Thứ trưởng?
- Khi có văn bản về các mặt hàng thiết yếu, các địa phương không thống nhất được với nhau thế nào là thiết yếu. Tiền, sữa đều bảo không thiết yếu, những mặt hàng khác cũng cãi nhau không phải mặt hàng thiết yếu, gây ra sự cát cứ không đáng có.
Trước tình hình đó, các Bộ NNPTNT, Công Thương, Y tế và Công an đã tham mưu Thủ tướng có Kết luận 5187 là chỉ hàng hóa cấm mới không được lưu thông, còn lại hàng hóa được lưu thông bình thường.
Tuy nhiên, khi thực hiện, các địa phương cũng chưa thực hiện nghiêm, vẫn tạo ra cát cứ, làm khó khăn cho việc lưu thông.
Hiện nay, Chính phủ đã thành lập các tiểu ban như tiểu ban đặc biệt, tiểu ban sản xuất, tiểu ban lưu thông…
Việc tháo gỡ lưu thông và hoạt động trở lại bình thường từng bước một đang được triển khai tương đối tốt. Tuy nhiên, để xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành tập trung hướng dẫn và tập huấn thực hiện Nghị quyết 128, nhờ đó lưu thông đã có chuyển biến tích cực.
Tin rằng khi lưu thông được thông suốt không những phục vụ cho thị trường nội địa 100 triệu dân mà xuất khẩu nông lâm thủy sản cũng sẽ tăng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.