Liên kết tạo việc làm cho lao động miền núi

TRỌNG BÌNH Chủ nhật, ngày 17/05/2015 09:11 AM (GMT+7)
Hợp tác xã nông nghiệp (HTX) Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn (An Giang) đang mở ra mô hình liên kết đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm cho hàng ngàn nông dân miền núi tại địa phương.
Bình luận 0

Chuỗi liên kết dạy - học - làm

Cơ giới hóa trong nông nghiệp khiến lao động nông thôn ở xã Vĩnh Trạch dôi ra. Cùng với nhu cầu việc làm ngày càng cao của khu vực nông thôn, ngày càng nhiều nông dân phải rời quê đi tìm việc ở các khu công nghiệp. “Từ thực trạng đó, chúng tôi quyết định tận dụng mặt bằng của HTX Vĩnh Trạch, phối hợp với giáo viên dạy nghề và giao HTX làm trung gian đứng ra ký kết hợp đồng với các công ty lo đầu vào, đầu ra cho sản phẩm” – ông Lê Minh Thảo - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trạch cho biết.

img
Các học viên tham dự một khóa dạy nghề đan ghế ở xã Vĩnh Trạch. TRỌNG BÌNH
Phó Chủ nhiệm HTX Vĩnh Trạch, ông Võ Văn Quang phân tích thêm: “Mấu chốt của vấn đề không chỉ là ai đứng ra đại diện mà còn là sự liên kết chặt chẽ có tính chất xâu chuỗi. Chẳng hạn như phải có dạy nghề, người học phải có việc làm, làm ra phải có người tiêu thụ. Xác định mấu chốt là chuỗi liên kết đó chúng tôi cùng với chính quyền địa phương, Hội Nông dân nhanh chóng ngồi lại bàn bạc ngay các bước. Trước tiên là mở lớp dạy đan”.

 

“Nghe nói học xong có việc làm liền thì ai cũng hăng hái, vả lại học ở gần nhà cũng tiện. Sau khi tham gia học hơn một tháng tôi đã biết đan và nhận hàng (ghế) về nhà làm” – chị Nguyễn Thị Ngọc Bình ở ấp Trung Bình Tiến, một người tham gia khóa học cho biết. Chỉ sau chưa đầy một năm hoạt động, chuỗi liên kết dạy – học – làm của HTX Vĩnh Trạch đã tạo việc làm cho cả ngàn lao động trong xã. Hiện nghề đan ghế nhựa đã phủ khắp cả 7 ấp trong xã với thu nhập bình quân từ 80.000 – 100.000 đồng/người/ngày.

Không cần phải ly hương tìm việc

Quan điểm

Ông Võ Văn Quang
  Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng ra các nghề và công việc khác. Khi số lượng lao động nhiều lên và ổn định, HTX sẽ tổ chức mua bảo hiểm xã hội cho người lao động, để cho nông dân sau này cũng có lương hưu.
 
Thật ra nghề đan ghế nhựa đã có từ nhiều năm nay nhưng những người làm đều phải lên tận Bình Dương hoặc các cơ sở, công ty ở xa nhà để làm công. “Nhiều người cũng muốn mang hàng về nhà làm, hoặc là hợp đồng với các công ty làm gia công rồi giao sản phẩm. Tuy nhiên người lao động đơn lẻ không có tư cách pháp nhân, công ty không dám ký kết, làm ăn” – ông Quang chia sẻ.

 

Từ khi có cơ sở dạy nghề đan ghế nhựa của HTX Vĩnh Trạch, nhiều lao động ở các khu công nghiệp Bình Dương đã quay về làm tại nhà ở Vĩnh Trạch. Chị Phạm Thị Thực, một người đã từng làm việc tại Bình Dương nhiều năm tâm sự: “Phận nữ đi làm xa nhà cũng nhiêu khê lắm. Nhờ có cơ sở gần nhà này mỗi tháng xem như tui khỏi phải tốn cả triệu bạc tiền nhà trọ và nhiều chi phí lặt vặt khác. Ở nhà, gần gia đình, vừa làm việc nhà vừa đan ghế mỗi ngày làm được 2 cái, kiếm được 140.000 – 160.000 đồng”.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem