Liên kết trồng điều năng suất cao

Thứ tư, ngày 23/10/2013 06:38 AM (GMT+7)
Hơn 60 câu lạc bộ sản xuất điều năng suất cao đã được thành lập tại Đồng Nai nhằm giúp hộ nông dân tăng năng suất, chất lượng hạt điều, từ đó tăng thu nhập cho người trồng...
Bình luận 0
Từng nghèo vì… “cây xóa nghèo”

Nhiều năm liền, cây điều được xem là cây xóa đói, giảm nghèo, cây trồng chủ lực của Đồng Nai nhờ có khả năng thích nghi tốt trên vùng đất xám bạc màu, đát nghèo dinh dưỡng, các vùng không chủ động được nước tưới. Đồng Nai cũng là địa phương hiện có diện tích vườn điều lớn nhất cả nước, khoảng hơn 50.300ha, chủ yếu tại các huyện Xuân Lộc, Định Quán, Trảng Bom, Cẩm Mỹ…

Tuy nhiên, do tập quán canh tác quảng canh, phó thác cho thời tiết, giống điều chưa được chọn lọc nên năng suất điều thấp, giá cả bấp bênh. Hiệp hội Điều Đồng Nai (Donacas) cũng cho biết, sau nhiều năm phát triển, năng suất và chất lượng hạt điều ở Đồng Nai vẫn chưa xứng tầm là cây trồng chủ lực của tỉnh.

Ngoài việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trồng điều, các thành viên trong CLB còn  hợp tác  “tạm trữ” điều nhân để tránh bị ép giá.
Ngoài việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trồng điều, các thành viên trong CLB còn hợp tác “tạm trữ” điều nhân để tránh bị ép giá.

Ông Lê Quốc Việt – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuân Lộc cho hay, là cây trồng chủ lực của huyện nhưng năng suất điều bình quân của huyện chỉ đạt 11 – 15 tạ/ha, thậm chí nhiều năm nông dân liên tục mất mùa do sâu bệnh. Tình trạng chặt bỏ cây điều để chuyển sang cây trồng khác còn nhiều.

Ông Trương Văn Mỹ - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Năng suất cao cây điều ở ấp Suối Cát 2 (xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc) cho biết thêm, những năm gần đây, nông dân trồng điều đã biết thực hành xen canh, tưới nhỏ giọt, áp dụng khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng suất cây điều. Tuy nhiên, đầu ra sản phẩm vẫn còn nhiều bấp bênh do thương lái ép giá, trong khi giá vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao nên nông dân trồng điều không có lời.

Hợp tác để cùng phát triển

Để hạn chế tình trạng trồng điều không hiệu quả, nhiều nông dân các địa phương đã liên kết, thành lập Câu lạc bộ Năng suất cao (CLB NSC). Qua đó, cùng trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác để nâng cao năng suất, đồng thời, hợp tác “tạm trữ” điều nhân để đẩy giá lên. Dù mới thành lập được hơn 1 năm nhưng CLB NSC cây điều ấp Suối Cát 2 (xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc) đã thu hút được nhiều nông dân tham gia.

Ông Trương Văn Mỹ - Chủ nhiệm CLB cho biết, trước khi vào CLB, năng suất của các vườn điều tại địa phương chỉ đạt dưới 2 tấn/ha. Từ khi có CLB, năng suất bình quân đã tăng lên 2,5 tấn/ha. Cá biệt, có nhiều hộ đạt năng suất trên 3 tấn/ha, nhiều vườn trồng xen ca cao cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha.

“Các hộ trồng điều đều rất hào hứng với CLB NSC”- ông Mỹ cho biết. Bản thân gia đình ông Mỹ, với diện tích 5ha trồng khoảng 4.000 gốc ca cao và gần 700 gốc điều đã mang lại thu nhập khoảng 600 triệu đồng/năm.

Theo Hiệp hội Điều Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có 62 câu lạc bộ điều. Các câu lạc bộ, tổ hợp tác này cũng dần tiến tới làm đầu mối thực hiện các giao dịch kinh tế cũng như triển khai các chương trình, dự án trên cây điều của Trung ương và địa phương.

Ông Nguyễn Văn Rung (ngụ ấp 4, xã An Viễn, huyện Trảng Bom) cũng cho biết, khi mới thành lập, Tổ hợp tác trồng điều năng suất cao xã An Viễn chỉ có vài thành viên tham gia. Đến nay, tổng số tổ viên đã tăng lên 57, năng suất bình quân đạt xấp xỉ 3 tấn/ha.

Tại huyện Xuân Lộc, từ CLB NSC cây điều đầu tiên được thành lập năm 2003, đến nay toàn huyện đã có hơn 60 CLB NSC cây điều với tổng diện tích hơn 3.200ha và gần 1.900 thành viên tham gia. “Từ khi thành lập CLB NSC, tập quán canh tác của nông dân đã chuyển từ quảng canh sang thâm canh, toàn bộ diện tích điều trên địa bàn tỉnh đã được thay bằng giống mới, thực hiện trồng xen ca cao… Nhờ những biện pháp này, hiệu quả kinh tế thay đổi rõ rệt”- ông Lê Quốc Việt cho biết.

Thuận Hải (Thuận Hải)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem