Liên kết trồng và xuất khẩu mủa

Thứ bảy, ngày 01/09/2012 16:48 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, chính quyền và người dân, sản phẩm mủa (hành hoa) ở Hải Dương đã được xuất khẩu sang nhiều nước.
Bình luận 0

Nông dân không phải lo đầu ra sản phẩm

Theo Sở NNPTNT Hải Dương, mủa là một loại cây rất dễ trồng và dễ chăm sóc, có thời gian sinh trưởng từ 40 - 50 ngày/lứa, nhanh hơn nhiều loại cây trồng khác. Đây là loại cây có thể trồng ở nhiều loại đất khác nhau, như đất cát pha, đất phù sa bãi bồi, đất thịt. Sản lượng thu hoạch bình quân mỗi lứa 600kg/sào, thu nhập từ 2-2,5 triệu đồng/lứa.

Việc phát triển mủa những năm qua ở Hải Dương vẫn ổn định về số lượng và chất lượng, song việc tiêu thụ gần đây còn gặp khó khăn, khi chỉ tiêu thụ được khoảng 34% lượng mủa trên địa bàn. Do khó khăn trong khâu tiêu thụ, nên diện tích mủa ở Hải Dương đã liên tục giảm trong những năm gần đây.

img
Chế biến cây mủa phục vụ xuất khẩu.

Đứng trước khó khăn này, tỉnh Hải Dương đã triển khai mô hình liên kết tiêu thụ nông sản cho cây mủa. Ông Mai Văn Hội - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện mô hình liên kết doanh nghiệp- nhà nước- nông dân để tiêu thụ mủa. Theo đó, nhà nước sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp một phần kinh phí để cung ứng vật tư, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân. Bà con sau khi thu hoạch mủa thì bán lại sản phẩm cho chính doanh nghiệp”.

Bà Nguyễn Thị Lan ở xã Nam Trung (Nam Sách) cho biết, trồng mủa một năm cho thu hoạch trung bình khoảng 8 lứa, với giá bán như hiện tại khoảng 6.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi lứa cũng cho thu nhập khoảng 2 triệu đồng và một năm thu khoảng 15 triệu đồng/sào. “Trước đây, do đầu ra không ổn định nên cũng nhiều người bỏ cây trồng này. Nhưng từ khi tham gia vào mô hình liên kết tiêu thụ nông sản, bà con không còn phải lo đầu ra như trước, chỉ tập chung cho sản xuất thật tốt” - bà Lan nói.

Đánh giá về các mô hình liên kết tiêu thụ nông sản (trong đó có mưa) ông Nguyễn Dương Thái – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết: “Về cơ bản, mô hình đã giúp thay đổi tập tục canh tác, tạo sự gắn kết với đồng ruộng. Đặc biệt, đã tạo dựng, phát triển mối liên kết kinh tế xã hội giữa doanh nghiệp - hợp tác xã -hộ kinh doanh - nông dân”.

Cây trồng còn nhiều tiềm năng

Chế biến, tiêu thụ hàng trăm tấn mủa khô thành phẩm với doanh thu trên 10 tỷ đồng mỗi năm, ông Nguyễn Anh Bến – Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Bến Thành cho biết, để có nguồn nguyên liệu ổn định, công ty đã tham gia mô hình liên kết tiêu thụ nông sản bằng việc hỗ trợ cho người dân một phần về giống, vật tư nông nghiệp và giá và cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.

“Việc liên kết sản xuất tiêu thụ mủa sẽ tạo điều kiện quy hoạch, phát triển vùng cây tập trung, phát triển công nghiệp chế biến, tạo lập kênh phân phối hàng hoá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu...”.

“Hiện nay, thị trường rất ưa chuộng mặt hàng sản phẩm lá mủa sấy khô, dùng xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản… Ngay thị trường trong nước cũng cần một lượng hàng trăm nghìn tấn mủa cho sản xuất bột canh, mì ăn liền, nên mặt hàng này có rất nhiều tiềm năng. Mủa tươi còn là một gia vị không thể thiếu trong các món ăn của người Việt, nên có thời điểm đơn đặt hàng lớn, chúng tôi không thu mua, chế biến kịp” - ông Bến cho biết.

Cũng theo ông Bến, bên cạnh những thuận lợi, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân cũng gặp không ít khó khăn, do mất mùa, điều kiện về thời tiết không thuận lợi. Mặt khác, những biến động bất thường về giá cả thị trường khiến cho một số nông dân vẫn phá hợp đồng liên kết, gây bị động cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất, trang thiết bị đầu tư còn thô sơ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem