Liên tiếp các vụ trẻ em tử vong do đuối nước: Người lớn thờ ơ, trẻ chết oan

Hữu Anh - Bình Minh - Đức Cường Thứ tư, ngày 25/06/2014 08:57 AM (GMT+7)
Ngày 24.6 và vài ngày trước đó, tại nhiều tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em đuối nước thương tâm. Từ những cái chết ấy cho thấy nguyên do lớn nhất là sự thiếu quan tâm của người lớn tới trẻ...
Bình luận 0

Những cái chết đau lòng

Sáng 24.6, gia đình đã vớt được thi thể em Lê Văn Thanh (SN 1998, ở thôn La Vân, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) bị chết đuối tại bãi biển thôn Thạch By 2, xã Phổ Thạnh. Trước đó, vào khoảng 16 giờ 30 chiều 23.6, Thanh và Võ Hữu Thịnh (SN 1999, ở cùng thôn) rủ nhau tắm biển thì bị nước cuốn trôi. Những người tắm biển gần đó chạy đến cứu, nhưng chỉ vớt được em Thịnh và em này cũng đã tử vong.

Trước đó, vào khoảng 7 giờ ngày 21.6, 4 em gồm Đậu Thị Đào (lớp 9), Trần Thị Ninh (lớp 8), Nguyễn Thị Chi (lớp 7) và Võ Thị Thanh Nga (lớp 8) học Trường THCS Kỳ Trinh (xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đạp xe ra bờ sông Đào để bắt hàu. Mãi đến chiều tối cùng ngày không thấy con về, các gia đình mới đổ xô đi tìm thì phát hiện dép và xe đạp của các em để bên bờ sông Đào chạy qua địa bàn xã. Tìm dọc bờ sông, gia đình phát hiện thi thể em Đậu Thị Đào đã tử vong, nổi trên mặt nước. Tới khoảng 4 giờ sáng ngày 22.6, các gia đình mới hoàn tất việc tìm kiếm thi thể 4 em.

Theo thống kê sơ bộ từ đầu năm 2014, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có trên 15 trẻ em bị chết đuối, trong đó nhiều vụ tai nạn đuối nước hết sức thương tâm, khiến cả nhóm 2-4 em chết đuối.

“Hàng xóm” của tỉnh Hà Tĩnh là tỉnh Nghệ An trong vòng 5 ngày qua cũng xảy ra nhiều vụ đuối nước. Trong đó thương tâm nhất là vụ xảy ra sáng 22.6 tại xóm 9 xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu). Nạn nhân là hai anh em Nguyễn Anh Tấn (lớp 3C) và Nguyễn Anh Phát (lớp 1C, Trường Tiểu học Quỳnh Hồng). Người nhà nạn nhân cho biết, bố mẹ 2 cháu đều đang bệnh nặng, bố 2 cháu bị u ở lưng đang chờ mổ, mẹ đang cấp cứu vì viêm ruột thừa. Hôm đó hai cháu Tấn, Phát theo bà nội ra đồng cắt cỏ. Trên đường về cháu Phát không may bị trượt chân xuống ao làng gần nhà, thấy thế cháu Tấn lao xuống nước để cứu em nhưng vì ao nước sâu nên hai cháu đã chết trong tư thế ôm nhau.

Trước đó, ngày 18.6, cháu Nguyễn Văn Nam (lớp 11 Trường THPT Quỳnh Lưu I) đang cắt cỏ giúp mẹ trên bờ kênh Nông Giang (thuộc xóm 2, xã Quỳnh Hồng) thì bị trượt chân xuống dòng nước chảy xiết. Mẹ của Nam thấy thế lao xuống cứu con cũng bị nước cuốn đi. Rất may có người đi qua trông thấy liền hô hoán làng xóm mới cứu được hai mẹ con. Được biết trên bờ kênh này ngày 20.5 cũng đã xảy ra một vụ chết đuối thương tâm.

Dạy kiến thức, quên dạy kỹ năng

Vài năm trở lại đây con số trẻ chết đuối cứ tăng lên cho dù đã có rất nhiều cảnh báo, nguyên nhân không chỉ do trẻ hiếu động, thích khám phá nhưng lại chưa biết cách tự bảo vệ mình khi gặp phải tình huống nguy hiểm, mà phần lớn do cha mẹ trẻ chưa quan tâm đầy đủ nên không bảo vệ được con em khỏi những tai nạn luôn rình rập.

Bà Phan Thị Mai Hương - Phó Trưởng phòng Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em, Sở LĐTBXH Hà Tĩnh cho biết: Tỉnh Hà Tĩnh có địa hình phức tạp với nhiều sông suối, ao hồ nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Nhiều gia đình còn chủ quan, thiếu sự quản lý, để con em tự ý đi chơi ra biển, ao hồ, sông suối tắm mà không có sự giám sát của người lớn. Để hạn chế mức thấp nhất những vụ đuối nước, Sở LĐTBXH đang tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống tai nạn trẻ em, nhất là tai nạn đuối nước đến từng gia đình, nâng cao kiến thức, nhận thức cho phụ huynh, nhân rộng các mô hình dạy bơi cho trẻ em, nhất là tại khu vực nông thôn.

Ông Nguyễn Huy Hoàng - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu, Nghệ An) - địa bàn có nhiều vụ tai nạn thương tâm - cho biết, xã Quỳnh Hồng có đến 2km kênh chính sông Nông Giang chảy qua. Vào những dịp hè nắng nóng các cháu nhỏ thường ra đây để tắm. Vì vậy cháu nào không biết bơi hoặc chủ quan tắm ở nơi nước chảy xiết hay gần cống ngầm thì nguy cơ bị đuối nước là rất cao. Hơn nữa, bố mẹ trẻ thường lo làm kinh tế, còn con cái ít quan tâm mà phó thác cho nhà trường. Hiện nay các cháu nhỏ ở vùng nông thôn không biết bơi chiếm tỷ lệ rất cao. Trong khi đó gia đình, nhà trường chỉ tập trung dạy chữ mà quên mất dạy kỹ năng sống cho trẻ. 100% trẻ nông thôn phải đối mặt với sông hồ nguy hiểm nhưng không em nào biết cách ứng phó khi bản thân và bạn bè gặp nạn.

Theo Bộ LĐTBXH, Việt Nam có tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước cao gấp 10 lần các nước phát triển. Trung bình, mỗi ngày cả nước có 9 trẻ tử vong do đuối nước và hàng năm cả nước có hơn 3.500 trẻ bị cướp đi mạng sống do nguyên nhân này.
Thực tế, khi được hỏi, nhiều trẻ em không hề có hiểu biết và kiến thức về tránh các điểm nguy hiểm; tham gia cứu người bị nạn. Đã từng có trường hợp trẻ thấy bạn chết đuối đã chạy một mạch về nhà… trốn mà không nói với ai; không có phản ứng khi bạn gặp nguy hiểm hoặc lao xuống cứu bạn khi không biết bơi. Hầu hết học sinh không có kỹ năng sơ cứu. Điều đó cho thấy, việc tuyên truyền, tập huấn cần phải cụ thể và đẩy mạnh hơn nữa, giúp trẻ em có đầy đủ kiến thức, hiểu biết để phòng tránh đuối nước.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem