Cả hai cùng nhập ngũ đợt 1 năm 2010. Đạt là chiến sĩ thuộc tiểu đội phục vụ, còn Thoáng ở Khẩu đội ĐKZ, Đại đội 1, Tiểu đoàn U Minh 2, Trung đoàn 896. Sau những giờ học tập, rèn luyện căng thẳng, có thời gian rảnh rỗi là cả hai lại cùng mang đàn ra luyện tập. Tiếng đàn của họ tuy chưa điêu luyện như những nhạc công chuyên nghiệp nhưng cũng lay động lòng người, tiếng hát của họ cũng ngọt ngào “sáu câu” và đủ các làn điệu luyến láy.
|
Đạt và Thoáng cùng các đồng đội luyện tập đờn ca tài tử. |
Điều đặc biệt là cả hai chẳng được theo học “thầy” nào mà chỉ tự học trên sách, qua các chương trình ca cổ, cải lương trên TV và radio… vậy mà người đờn, người ca, họ cứ chuyền tay nhau cây đàn và cùng chỉnh sửa, góp ý về âm điệu, nhịp nhàng. Đạt tâm sự: “Bây giờ bọn em có thể vừa đờn vừa ca được một số điệu cơ bản. Mỗi lần chơi đờn là các đồng đội cùng quây quần bên nhau, thấy thật ấm áp và hạnh phúc, cảm giác nhớ nhà nhớ quê không còn nữa”.
“Hãy yên lòng mẹ ơi”, “Thương em nhiều qua lá thư xuân” là “bài tủ” của Thoáng và Đạt trong những đợt giao lưu văn hóa văn nghệ, được rất nhiều khán giả ở các đơn vị kết nghĩa hâm mộ.
Trung úy Nguyễn Trung Giang – Chính trị viên Đại đội 1 cho biết: “Đờn ca tài tử đã trở thành người bạn của cán bộ, chiến sĩ trong những phút thư dãn ngoài thao trường hay trên giảng đường. Từ đây đã thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ ngày một phát triển và làm giảm hẳn tình trạng vi phạm kỷ luật tại đơn vị”.
Nhờ có tiếng đàn, ca mà cánh lính trẻ đã hiểu và yêu thêm văn hóa truyền thống của cha ông mình bên cạnh sở thích nghe, hát những bài nhạc nhẹ hay phong trào tập nhảy hiphop.
Hiện nay, phong trào đờn ca tài tử đã và đang phát triển một cách mạnh mẽ ở các đơn vị thuộc LLVT Quân khu 9. Đây là bộ môn nghệ thuật tồn tại, phát triển hơn 100 năm qua và đang được đề nghị UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Thế Hiển
Vui lòng nhập nội dung bình luận.