Linh vật SEA Games 31 là con sao la, dân Vũ Quang ở Hà Tĩnh nói "nó nặng tầm 1 tạ, chuyên ăn thảo dược"

Tập Thỏa Chủ nhật, ngày 15/05/2022 05:50 AM (GMT+7)
“Con vật này có hình dáng giống con dê, nặng từ 80-100kg/con, cặp sừng nhọn hoắt, dài khoảng 70cm, ăn thảo dược trên núi ” - ông Lê Ngọc Thanh, 70 tuổi ở thị trấn Vũ Quang, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) khi kể về Sao La- Linh vật SEA Games 31.
Bình luận 0

Sao la trong tâm trí người dân Vũ Quang

Những năm 70 của thế kỷ XX, cơ quan chức năng chưa cấm săn bắt động vật trong rừng, đây là công việc tạo nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân tại huyện Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh).

Săn thú rừng là nguồn sống không chỉ đối với ông Lê Ngọc Thanh (70 tuổi, trú tại thị trấn Vũ Quang) mà là kế sinh nhai của rất nhiều hộ dân miền núi thời điểm lúc bấy giờ.

Linh vật SEA Games 31, Sao la trong tâm trí của người dân Vũ Quang (Hà Tĩnh) - Ảnh 1.

Theo ông Trần Bỉnh Tự (Vũ Quang, Hà Tĩnh) không chụp được ảnh Sao la, những mẫu vật thu giữ được từ các thợ săn đã khẳng định sự tồn tại của chúng. Ảnh: PV

Ông Lê Ngọc Thanh, nhớ lại: "Năm 1976, tôi đi bộ đội về rồi lập gia đình, chuyển đến sống tại khu vực thuộc xã Hương Quang, huyện Hương Khê (nay xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang). Thời điểm đó, xã Hương Quang có hơn 400 hộ dân, sống cạnh đồi núi, bà con sống nhờ vào làm nông nghiệp, đi rừng bẫy thú. Năm 2002, khi Vườn Quốc gia Vũ Quang được thành lập, những hộ dân chúng tôi chuyển về thị trấn này tái định cư, làm kinh tế mới.

Con vật này thường đi từng cặp, xuất hiện vào mùa đông (từ tháng 9 đến tháng 12 (al) hàng năm). Năm 1977 đến năm 1980, tôi săn được 6 con, khi đó chúng tôi không biết con này là Sao la mà gọi là dê sừng dài. Con vật này có hình dáng giống con dê, nặng từ 70-80kg/con, cặp sừng nhọn hoắt, dài khoảng 70cm".

Linh vật SEA Games 31, Sao la trong tâm trí của người dân Vũ Quang (Hà Tĩnh) - Ảnh 2.

Sao la là loài sống trên núi, thường xuyên leo trèo, hoạt động; thức ăn của chúng là các loại lá non trong rừng. (Ảnh:TL).

Theo ông Thanh, Sao la loài sống trên núi, thích leo trèo, thức ăn của chúng các loại lá non trong rừng, thịt của thơm ngon. Phần đầu Sao la có cặp sừng dài, được người dân treo trong nhà để trang trí, trừ tà (theo quan niệm phong thuỷ).

Trước đây, nhà ông Lê Ngọc Thanh còn treo 3 cặp sừng Sao la, năm 1992 Đoàn khoa học đến nghiên cứu phục, vụ nguồn gen, bảo tồn đa dạng sinh học, ông đã gửi lại cho họ để làm đề tài khoa học.

Linh vật SEA Games 31, Sao la trong tâm trí của người dân Vũ Quang (Hà Tĩnh) - Ảnh 3.

Đoàn khoa học thuộc Quỹ Quốc tế và bảo vệ thiên nhiên (WWF) phối hợp cùng Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tiến hành khảo sát khu rừng Vũ Quang. (Ảnh: TL).

"Sao la xuất hiện nhiều ở những năm 70 thế kỷ XIX, những năm 80 thì ít dần. Tháng 5/1992, Đoàn khoa học đến nghiên cứu, nói đây là loài vật có nguồn gen quý hiếm thì chúng tôi rất bất ngờ. Rất tiếc săn bắt quá nhiều, bây giờ không còn giống Sao la nữa"- ông Thanh nói.

5 năm ăn, ngủ trong rừng, đặt máy ảnh "săn" Sao la nhưng bất thành

Đầu năm 1992, Đoàn khoa học thuộc Quỹ quốc tế và Bảo vệ thiên nhiên (WWF) phối hợp cùng Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tiến hành khảo sát khu rừng Vũ Quang (Hà Tĩnh). Tháng 5/1992, các nhà khoa học đã tìm ra loài vật mới, có cặp sừng thon, dài được phát hiện tại nhà dân ở xã Hương Quang, huyện Hương Khê (nay là xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang), chính là Sao la. năm 1994 tìm được thêm con mang lớn.

Linh vật SEA Games 31, Sao la trong tâm trí của người dân Vũ Quang (Hà Tĩnh) - Ảnh 4.

Theo ông Lê Ngọc Thanh, 70 tuổi, trú tại thị trấn Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh), con vật này có hình dáng giống con dê, nặng từ 80-100kg/con và cặp sừng nhọn hoắt, dài khoảng 70cm. Ảnh: PV

Trong thế kỷ này, cả thế giới chỉ tìm được thêm 7 loài động vật có vú lớn, trong đó Việt Nam đã đóng góp 2 loài.

Từ khi phát hiện loài Sao la, Bộ Lâm nghiệp đã đóng cửa Lâm trường Vũ Quang, cấm khai thác gỗ, săn bắt thú rừng, mở rộng khu bảo tồn từ 16.000ha lên 60.000ha nhằm bảo vệ loài thú quý hiếm.

Là người hỗ trợ Đoàn khoa học của của WWF và Bộ Lâm nghiệp giai đoạn 1992-1997 tìm kiếm loài Sao la, thời gian đó khiến ông Trần Bỉnh Tự (công nhân lâm sản, nay đã về hưu) không thể quên.

Linh vật SEA Games 31, Sao la trong tâm trí của người dân Vũ Quang (Hà Tĩnh) - Ảnh 5.

Sao la theo tiếng địa phương là có nghĩa là "thoi dệt" bởi cặp sừng nó giống như chiếc thoi bằng gỗ dài. (Ảnh: TL).

Nhớ về thời gian vất vả tìm tung tích loài Sao la, ông Tự nói: "Khu vực núi của huyện Vũ Quang thời tiết khắc nghiệt. Núi có độ cao lớn (khoảng 2.000m), vào mùa đông rét cắt da, cắt thịt, mùa hè thành chảo lửa, khó khăn cho Đoàn khoa học nghiên cứu.

Đoàn công tác đã quyết định thành lập trạm nghiên cứu Sao tại cánh rừng huyện Vũ Quang, cách khu dân cư 35km. Trạm nghiên cứu 1 nhà sàn bằng gỗ, rộng hơn 100m2 (gồm 4 phòng), nơi sinh hoạt của 12 người trong Đoàn khoa học".

Trong quá trình đi rừng tìm dấu vết Sao la, các nhà khoa học đã tìm thấy một đàn động vật lạ (5 đến 6 con) thuộc khu vực kiếm ăn của lợn rừng khiến Đoàn khoa học lóe lên hy vọng khi bắt gặp loài thú quý hiếm này.

Linh vật SEA Games 31, Sao la trong tâm trí của người dân Vũ Quang (Hà Tĩnh) - Ảnh 6.

Đoàn khảo sát, nghiên cứu về Sao la của Bộ Lâm nghiệp và WWF tại huyện Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) đầu thập niên 90. (Ảnh: TL).

Đi theo hành làng của khu vực núi Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) và Vườn Quốc gia Pù Mát (tỉnh Nghệ An) phát hiện nhiều dấu chân, bãi phân cho là Sao la. Các nhà khoa học phát hiện thức ăn thông thường của Sao la lá cây thiên niên kiện. Người dân địa phương cho rằng, lấy rễ loài cây này sào khô sắc lấy nước uống sẽ tăng cường cơ bắp.

Để ghi lại hình ảnh Sao la, 6 máy ảnh cùng nhiều thiết bị hiện đại nhất thời bấy giờ đã được lắp đặt trên đường đi của chúng. Những máy ảnh to bằng bàn tay, bật sẵn chế độ chụp tự động, chạy bằng pin con thỏ.

Linh vật SEA Games 31, Sao la trong tâm trí của người dân Vũ Quang (Hà Tĩnh) - Ảnh 7.

Đoàn công tác đã quyết định thành lập trạm nghiên cứu Sao la ở ngay cánh rừng huyện Vũ Quang, cách khu dân cư 35km. (Ảnh: TL).

Máy ảnh được thiết kế với những cái lẫy. Khi Sao la giẫm lên, những bẫy này bật ra, máy ảnh sẽ tự động chụp. Khoảng 2-3 ngày họ sẽ đưa pin về sạc, lần sau sẽ chuyển sang đặt tại vị trí khác.

Năm 1997, sau 5 năm ăn, ngủ trong trong rừng, đặt nhiều thiết bị hiện đại nhất nhưng vẫn không thể ghi lại được hình ảnh Sao la, các nhà khoa họctrong và ngoài nước cũng lần lượt rút về, trạm nghiên cứu Sao la trong khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang cũng giải thể.

Linh vật SEA Games 31, Sao la trong tâm trí của người dân Vũ Quang (Hà Tĩnh) - Ảnh 8.

Trạm Sao la được đặt tại Vũ Quang (Hà Tĩnh). (Ảnh: TL).

"5 năm đi cùng Đoàn khoa học khám phá bí ẩn về Sao la, những ngày tháng khiến tôi không thể quên. Chúng tôi có những lúc vui, phấn khởi khi tìm thấy dấu chân, bãi phân hoặc loại cây thức ăn chính của chúng. Tuy không chụp được ảnh Sao la, nhưng những mẫu vật thu giữ được từ các thợ săn đã khẳng định sự tồn tại của chúng"- ông Trần Bỉnh Tự tâm sự.

Sao la hay còn được gọi "Kỳ lân Châu Á", một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới sinh sống trong vùng núi rừng Trường Sơn tại Việt Nam và Lào được các nhà khoa học phát hiện vào năm 1992. Sao la được xếp hạng ở mức cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới và trong Sách đỏ Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem