Lo ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều trường ĐH tuyển sinh bằng học bạ sớm 2 tuần

Mỹ Quỳnh Thứ ba, ngày 02/03/2021 18:32 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, xét tuyển học bạ THPT là phương án tuyển sinh có nhiều lợi thế nhất. Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường đẩy kế hoạch tuyển sinh này sớm... 2 tuần.
Bình luận 0

Xét học bạ, học sinh sớm dự đoán được "suất" vào đại học

Từ cuối tháng 2, hầu hết các trường đại học tại TP.HCM đã công bố phương án tuyển sinh năm 2021 với điểm nổi bật là đẩy sớm thời gian nhận hồ sơ xét tuyển học bạ THPT trước 2 tuần so với những năm trước (từ ngày 1/3 bắt đầu nhận hồ sơ). Đây là phương án tuyển sinh chủ đạo trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn ra tương đối khó lường.

Lo ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều trường ĐH tuyển sinh bằng học bạ sớm 2 tuần - Ảnh 1.

Xét tuyển học bạ THPT là phương án tuyển sinh có nhiều lợi thế nhất hiện nay

Tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, hội đồng tuyển sinh nhà trường cho biết, đã chính thức nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển học bạ THPT đợt 1 bắt đầu từ ngày 1/3. Phương thức xét tuyển học bạ THPT tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành vẫn duy trì ở 3 tiêu chí gồm: Xét điểm học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn đạt từ 18 điểm; điểm trung bình cả năm lớp 12 đạt từ 6.0 và tổng điểm trung bình học bạ THPT 3 học kỳ năm lớp 10, 11, 12 (thí sinh được chọn điểm cao nhất trong 2 học kỳ mỗi năm học) đạt từ 18 điểm.

Đặc biệt, ở thời điểm hiện tại, khi đã có kết quả học kỳ 1 lớp 12 trong tay, thí sinh đã có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển học bạ THPT 3 học kỳ ngay trong đợt đầu tiên từ ngày 1/3 đến hết ngày 2/5 để nắm chắc "suất" vào đại học năm 2021.

Tương tự, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (Hutech) cũng chính thức nhận đăng ký xét tuyển theo các phương thức xét tuyển học bạ THPT đối với 50 ngành đào tạo trình độ Đại học chính quy tại trường từ ngày 1/3.

Cụ thể, năm nay trường thực hiện xét tuyển học bạ THPT theo 2 phương thức:  Xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 03 học kỳ (lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) và xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 03 môn năm lớp 12 đạt từ 18 điểm trở lên, là có cơ hội trúng tuyển vào các ngành học của trường. Riêng với nhóm ngành Khoa học sức khỏe, điều kiện xét tuyển áp dụng theo quy định của Bộ GD-ĐT. 

ThS Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Truyền thông Hutech cho hay, với phương thức xét tuyển học bạ 3 học kỳ, thí sinh cần có tổng điểm trung bình 3 học kỳ xét tuyển (gồm 2 học kỳ lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) đạt từ 18 điểm trở lên và hiện tại thì các em học sinh đã có kết quả này. Vì thế, trường đẩy thời gian xét tuyển sớm lên 2 tuần so với những năm trước để các em có thời gian cân nhắc nộp hồ sơ xét tuyển.

Còn tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), trường này cũng công bố phương án tuyển sinh nhận hồ sơ xét tuyển học bạ theo phương thức 5 học kỳ và tổ hợp 3 môn lớp 12. Đây là hai trong bốn phương thức nhà trường công bố trong Đề án tuyển sinh dự kiến năm 2021.

Th.S Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Thông tin – Truyền thông UEF cho hay, hai phương thức xét học bạ này chiếm 30% tổng chỉ tiêu. Cụ thể, phương thức xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn, thí sinh cần có tổng điểm trung bình năm lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên; phương thức xét tuyển học bạ 5 học kỳ, thí sinh cần có tổng điểm trung bình 5 học kỳ xét tuyển (gồm 2 học kỳ lớp 10, 2 học kỳ lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) đạt từ 30 điểm trở lên.

Ngoài hai phương thức xét học bạ, trường còn xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển theo kết quả đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM. Tổng chỉ tiêu xét tuyển của trường năm nay 3.495 cho tất cả 30 ngành đào tạo.

Xét học bạ vẫn phụ thuộc nhiều vào kết quả kỳ thi THPT

Mặc dù đề án tuyển sinh của các trường trong năm 2021 này có các điểm mới nhưng phần lớn các trường ĐH lớn đều giữ vững tỷ lệ xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia (gồm ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức.

Đây được xem là hai kênh xét tuyển uy tín giúp các trường ĐH an tâm với chất lượng đầu vào của sinh viên.

Tại Trường ĐH Tài chính - Marketing, ThS Nguyễn Thái Châu - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp nhà trường - cho hay: "Năm nay, tổng chỉ tiêu tuyển sinh bậc đại học dự kiến của trường là 4.500 sinh viên các ngành theo 4 chương trình: Đại trà, đặc thù, chất lượng cao và quốc tế. Tuy nhiên, nhà trường dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả học tập THPT, nhưng có thể điều chuyển chỉ tiêu tuyển sinh giữa các chương trình đào tạo hoặc các ngành đào tạo dựa trên kết quả xét tuyển theo từng phương thức xét tuyển".

Tương tự, đại diện Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng cho biết, năm 2021 trường tiếp tục tuyển sinh hệ đại học chính quy với 7 ngành đào tạo: Tài chính Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Kinh tế quốc tế, Hệ thống thông tin quản lý, Luật Kinh tế và Ngôn ngữ Anh. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 3.280, bao gồm 3 chương trình đào tạo: Chương trình ĐH chính quy chuẩn (Chương trình đại trà; Chương trình chất lượng cao; Chương trình ĐHCQ Quốc tế song bằng.

Ngoài ra, trường cũng tuyển sinh 235 chỉ tiêu chương trình liên kết quốc tế do đại học đối tác cấp bằng.

"Dù năm nay, trường đưa ra tới 5 phương thức xét tuyển, nhưng xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vẫn là phương thức tuyển sinh chủ yếu, chiếm khoảng gần 80% chỉ tiêu", đại diện nhà trường, cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem