Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số chính sách hỗ trợ người lao động tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin). Xung quanh vấn đề này, NTNN phỏng vấn ông Đặng Quang Điều - Phó Trưởng ban Chính sách- Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
|
Những lao động làm việc tại Vinashin sẽ được hỗ trợ trong điều kiện tốt nhất có thể. |
Đời sống người lao động rất khó khăn
Xin ông cho biết những nội dung đề nghị hỗ trợ người lao động của TLĐ lên Chính phủ ?
- Trước khi có đề nghị này, Tổng Liên đoàn đã nhận được Công văn số 220 của Công đoàn Vinashin phản ánh tình hình khó khăn trong sản xuất kinh doanh của Tập đoàn này. Do những yếu kém và sai phạm nghiêm trọng, nhất là về đầu tư, sử dụng vốn của lãnh đạo Tập đoàn cộng với những tác động nặng nề của yếu tố khách quan, đã làm cho Vinashin thua lỗ, không vay được vốn, mất khả năng chi trả. Hệ lụy là việc làm, đời sống và việc thực hiện chính sách đối với người lao động ở các doanh nghiệp của Vinashin gặp rất nhiều khó khăn.
Theo báo cáo, hiện có 7.314 người lao động thiếu việc làm, nợ tiền lương của người lao động 103,47 tỷ đồng, nợ bảo hiểm xã hội 143,98 tỷ đồng. Căn cứ vào tình hình trên, Tổng Liên đoàn đã có Công văn số 1313 đề nghị Thủ tướng cho phép Tập đoàn được áp dụng Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ "về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế".
Theo đề nghị này của Tổng Liên đoàn, người lao động sẽ được hưởng quyền lợi gì?
- Nếu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề nghị này, người lao động sẽ được hưởng nhiều chính sách cụ thể như: Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ cho các đơn vị của Vinashin được vay để giải quyết tiền nợ lương công nhân lao động, tiền nợ đóng bảo hiểm xã hội, trợ cấp mất việc, trợ cấp thôi việc, với lãi suất 0%, trong thời hạn 12 tháng. Đồng thời, Tổng Liên đoàn cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội cho người lao động thiếu việc làm, mất việc làm được vay vốn để tự tạo việc làm, học nghề với lãi suất ưu đãi.
Ngăn chặn “chảy máu chất xám”
Như vậy, việc đề nghị này chỉ mang tính chất giải quyết khó khăn trước mắt?
- Đề nghị của Tổng Liên đoàn lên Thủ tướng Chính phủ, nếu được phê duyệt cũng chỉ là biện pháp tình thế để giải quyết những khó khăn trước mắt về tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc... cho người lao động.
Thực tế, khó khăn của nhiều lao động tại Vinashin hiện nay, ngoài thiếu việc làm còn là tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội. Muốn được hưởng các chế độ trợ cấp mất việc, thôi việc, nghỉ hưu... cần có sổ bảo hiểm xã hội. Nhưng các doanh nghiệp của Vinashin hiện vẫn nợ bảo hiểm xã hội thì không thể giải quyết được các chế độ tiếp theo.
Việc giải quyết công ăn, việc làm, ổn định tư tưởng cho người lao động là rất cần thiết. Hiện Vinalines đã tiếp nhận, còn Tập đoàn Dầu khí đã có kế hoạch tiếp nhận số lao động trên. Trước mắt, 2 đơn vị có thể có những khó khăn khi tiếp nhận, song với tiềm lực lớn, trong tương lai người lao động có thể yên tâm công tác lâu dài.
Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Còn việc giải quyết triệt để quyền lợi cho những người lao động của Vinashin lại thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các Tập đoàn liên quan trong quá trình tái cấu trúc. Bởi muốn thực hiện được điều đó, cần phải có vốn để các doanh nghiệp này tiếp tục hoạt động, giúp người lao động trở lại làm việc, đồng thời, đào tạo và giải quyết việc làm cho những người lao động mất việc.
Ông có thể cho biết tình hình giải quyết việc làm cho người lao động của Tập đoàn Vinashin ở thời điểm tiến hành tái cấu trúc được thực hiện như thế nào?
- Có 6 đơn vị và các dự án trực thuộc, các khu công nghiệp của Vinashin được chuyển về Tập đoàn Dầu khí (PVN), 8 đơn vị và dịch vụ cảng được chuyển về Tổng công ty Hàng hải (Vinalines). Theo thông tin Tổng Liên đoàn nhận được, hiện Vinalines đã tiếp nhận 1.488 lao động từ Vinashin, còn PVN đang thực hiện tiếp nhận. Trong thời gian này, người lao động sẽ không tránh khỏi những khó khăn khi các dự án còn chưa được thực hiện kiểm toán, chưa tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, trên quan điểm cá nhân, tôi thấy về lâu dài, những lao động chuyển sang 2 đơn vị mới PVN và Vinalines sẽ có xu hướng thuận lợi hơn. Còn một số lượng lớn lao động vẫn ở Vinashin đang lâm vào tình trạng hết sức khó khăn.
Theo ông, phải làm thế nào để tránh xảy ra tình trạng chảy máu chất xám với chuyên gia, công nhân kỹ thuật bậc cao của ngành đóng tàu?
- Đây là câu hỏi về vấn đề rất quan trọng và cần thiết lúc này của ngành đóng tàu. Vì trên thực tế, trong quá trình hình thành và phát triển, Vinashin đã tuyển dụng và đào tạo được một đội ngũ công nhân lành nghề, nhiều kỹ sư, chuyên gia trong lĩnh vực đóng tàu mà ngay cả nhiều tập đoàn cùng ngành trên thế giới cũng đã từng mơ ước. Trong thời gian này, những người lao động, đặc biệt là lao động tay nghề cao sẽ không tránh khỏi những dao động về mặt tâm lý. Chính vì vậy, việc tái cấu trúc của Vinashin cần phải gắn với những chủ trương, chính sách cụ thể và những chế độ kèm theo để giữ được những người tài, tránh xảy ra tình trạng "chảy máu chất xám".
Sẽ tham gia giới thiệu việc làm cho lao động
Vậy những công nhân đóng tàu làm thời vụ, trong đó có cả những người nông dân sẽ được hưởng những quyền lợi gì?
- Những người lao động thời vụ cũng đã có quy định đầy đủ về mức hưởng trợ cấp thôi việc, mất việc, nghỉ việc. Tuỳ vào thời hạn hợp đồng và thời gian nghỉ việc, họ sẽ được hưởng chế độ hỗ trợ cụ thể.
Nếu đề nghị được phê duyệt, theo ông, việc triển khai hỗ trợ người lao động sẽ gặp phải những khó khăn gì?
- Tôi nghĩ, nếu đề nghị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc khó khăn nhất là làm sao giải quyết đúng, đủ, kịp thời và công bằng các chế độ cho người lao động. Đặc biệt là với những lao động thời vụ, những nông dân tham gia làm thêm với hợp đồng ngắn hạn tại các doanh nghiệp đóng tàu của Vinashin, nhiều trường hợp không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm xã hội thì sẽ rất khó khăn để bảo đảm việc giải quyết chế độ cho các đối tượng lao động này. Khi được phê duyệt, chúng tôi sẽ có kế hoạch triển khai cụ thể tới công đoàn cấp dưới để xây dựng các biện pháp giải quyết quyền lợi đầy đủ, công bằng và kịp thời cho người lao động.
Về lâu dài, để giải quyết công ăn việc làm ổn định cho đối tượng lao động này, cần phải có biện pháp cụ thể gì?
- Để giải quyết việc làm cho hàng vạn người lao động thiếu việc làm và hàng nghìn người mất việc làm của Vinashin là bài toán không hề đơn giản.
Trước hết, cần phải chờ Chính phủ và các tập đoàn có liên quan triển khai các biện pháp đủ mạnh để "cứu" Vinashin, từ đó giải quyết việc làm cho những người lao động. Còn với những lao động mất việc làm, lao động hợp đồng ngắn hạn, lao động thời vụ..., Tổng Liên đoàn sẽ có kế hoạch phối hợp với các trung tâm giới thiệu việc làm, các trường dạy nghề... để đào tạo, giới thiệu và giải quyết việc làm mới cho họ. Bởi trên thực tế, thị trường lao động hiện còn rất nhiều lĩnh vực cần lao động, những lao động mất việc làm khi đào tạo lại hoàn toàn có thể tìm được cơ hội mới. Đó mới là biện pháp lâu dài để giải quyết việc làm ổn định cho người những người lao động của Vinashin.
Thanh Xuân - Đức Hiếu (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.