Lo cho chiếng chèo làng Khuốc

Thứ tư, ngày 07/12/2011 09:27 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Làng Khuốc (xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, Thái Bình) vốn là cái nôi của chèo, nhưng giờ đây những người yêu mến môn nghệ thuật truyền thống này đang chật vật để gìn giữ chiếng chèo.
Bình luận 0

Những nghệ sĩ chân đất

Theo các nghệ nhân trong làng, đến nay chưa có một nghiên cứu nào khẳng định chèo làng Khuốc có từ bao giờ, trong chính sử để lại chỉ ghi chép chèo xuất hiện ở sân khấu cửa đình. Đã có không ít “trùm chèo” trở thành “tổ chèo”, nhiều chiếu chèo nổi tiếng gần xa và có lẽ không nơi đâu lại lưu giữ, truyền nối chèo như người làng Khuốc.

img
Một buổi tập chèo của người dân làng Khuốc.

Có lẽ vì thế mà nói đến làng Khuốc, những người trong nghề và yêu mến chèo đều cảm nhận trong tâm tưởng đó là “cái nôi” của bộ môn nghệ thuật chèo VN. Múa hát, diễn chèo đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa quen thuộc của người dân làng Khuốc.

Sau năm 1945, không khí chèo làng Khuốc lắng dần. Nghệ nhân Hà Quang Tiết kể lại: “Chèo làng Khuốc đã truyền đời hàng chục thế hệ nghệ nhân, từ sân khấu dân gian chuyển vào phục vụ trong cung đình của các vương triều phong kiến.

Trước Cách mạng Tháng Tám, nhiều nghệ nhân của chèo làng Khuốc đã góp mặt và làm nổi danh cho nhiều gánh hát và nhà hát ở các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Hà Đông, Bắc Ninh... Cho đến nay, những người sành chèo, mê chèo ở Việt Nam vẫn còn nguyên ấn tượng về những đào, những kép ở chèo làng Khuốc như Vũ Văn Phụ, Bùi Văn Ca, Đào Thị La, Cao Kim Trạch, Phạm Văn Điền, Hà Quang Bổng, NSƯT Thu Hiền, Phạm Thị Ruyến...”.

Năm 1958, ngay sau khi Bộ Văn hóa có chủ trương khôi phục lại nghệ thuật chèo truyền thống, các nghệ nhân Cao Kim Trạch, Phạm Văn Điền, Đào Thị La... được Bộ mời đi dạy truyền nghề tại khoa Chèo - Trường Ca kịch VN.

Từ sau Nghị quyết T.Ư 5 của Đảng, với chủ trương bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống của dân tộc, chèo làng Khuốc mới thực sự được chấn hưng và phát triển. Những khi nông nhàn, người làng lại tổ chức hát chèo, biểu diễn chèo, xem chèo và chèo làng Khuốc lại được chắp cánh bay xa.

Ở 15 đoàn chèo chuyên nghiệp của cả nước, có tới 175 nghệ sĩ, nhạc công là người Thái Bình và trong đó có trên 50 con em xuất thân từ chèo làng Khuốc.

Hát chèo không bằng... phu hồ

Người có công phục dựng chèo làng Khuốc là ông Hà Quang Tiết - một trong những nhạc công kéo nhị của Đoàn chèo T.Ư. Từ kinh nghiệm nghề nghiệp và ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống, ông Tiết đã nhận tham mưu cho cấp ủy, UBND xã mở các lớp dạy nhạc chèo, dạy hát chèo cho con em tại làng xã để có lực lượng kế tục.

Ông Nguyễn Văn Ro cho biết: “Đến giờ làng Khuốc vẫn còn có 5 người vẫn chưa được phong tặng nghệ nhân, dù họ đều thuộc lớp người có nhiều cống hiến, là: Đào Thị La, Bùi Văn Ca, Vũ Văn Phụ, Hà Quang Bổng, Phạm Văn Điền”.

Ông Tiết tâm sự: “Ngày xưa, thế hệ chúng tôi yêu mến chèo là thế, có những khi thích nghe chèo quá đã bán trâu, bán bò, thậm chí bán cả ruộng để đi rước thầy về mong thầy dạy cho cách hát chèo. Còn bây giờ, các con, các cháu thờ ơ quá, có mấy ai mặn mà với nghệ thuật chèo nữa đâu. Người yêu mến chèo thì nay đã dần vắng bóng, với đà này e chèo làng Khuốc chẳng mấy nữa sẽ thất truyền”.

Ông Nguyễn Văn Ro cho biết thêm: “Chúng tôi thành lập CLB chèo vì phong trào văn nghệ quần chúng. Mình yêu nghệ thuật thì mình gắng làm, chứ tính ra bình quân một ngày đi phu hồ người ta được trả tới 100.000 đồng, trong khi mỗi đêm biểu diễn nhiều lắm diễn viên chỉ được hỗ trợ 30.000 đồng, nếu không có thì mọi người cũng vui vẻ diễn ủng hộ. Nhưng như thế mãi thì làm sao mà giữ được chiếng chèo làng?”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem