Bởi, nhiều năm gần đây năm nào cũng có vài ba con voi nhà bị chết do bệnh tật, già yếu, cắt trộm đuôi voi bán lông gây nhiễm trùng, voi bị bắn trộm để lấy ngà… Trước những năm 1995, hầu hết các buôn đồng bào Mơ Nông ở tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông nhà nào cũng có ít nhất một con voi. Hồi đó, voi chủ yếu dùng vào công việc kéo gỗ từ rừng về.
Theo các chủ voi và quản tượng, bản tính của voi phải được hoạt động tự do, tự kiếm thức ăn trong rừng mới khoẻ, vì có nhiều lá cây -vị thuốc trị được bệnh cho voi. Nhưng hầu hết voi nhà ở Buôn Đôn lâu nay sống trong cảnh tù túng.
Ngay ở trong buôn, voi cũng luôn bị hai cọng xích nặng tới cả tạ cột chéo 4 chân nên việc đi lại rất gò bó. Hỏi ra mới biết, “vì sợ voi trở chứng phá phách, quật chết người hoặc bỏ trốn… nên phải xích chúng lại''.
Theo những quản tượng chuyên điều khiển voi, việc voi dễ “trở chứng'' là do voi không được tự do vận động mà thường xuyên bị đói. Voi đói bởi rừng đã bị phá hết. Nơi nào kiểm lâm làm căng thì gỗ được chở bằng xe máy, xe đạp chẳng cần đến sức voi, nên chủ voi không có tiền mua thức ăn nuôi chúng.
Dịch vụ voi chở khách đi du lịch, nhiều năm nay bị ế bởi khách Việt Nam ngồi bành voi một lần, lần sau không nữa bởi bị “say''. “Say voi'' không như say tàu xe, vì khi voi bước đi cái bành lắc tứ phía khá mạnh, không ít người mới ngồi được vài trăm mét đã vội năn nỉ quản tượng dừng voi cho xuống. Ngay cả mấy ông bà Tây sức như… voi cũng không ít người nôn thốc, nôn tháo khi được ngồi bành voi. Ở xã Krông Na (Buôn Đôn), hiện tại chỉ còn chưa đầy 30 con voi làm du lịch, nhưng ế dài, có con cả tháng chỉ đi được 2 “tua'' mỗi “tua'' vài tiếng.
Voi Buôn Đôn ngày xưa dũng mãnh, con nào con nấy mập mạp, đi đứng khoan thai… Nay chỉ vài con voi của nông trường, lâm trường “có da, có thịt'' một chút, còn lại voi tư nhân ốm nhom, ốm nhách. Nếu không có biện pháp bảo vệ, chăm sóc hữu hiệu để kéo dài tuổi thọ cho voi, chẳng bao lâu nữa voi nhà ở Buôn Đôn cũng sẽ chẳng còn.
A Ma Trung
Vui lòng nhập nội dung bình luận.