Lo cơ quan thuế “vừa đá bóng vừa thổi còi” khi được khởi tố, điều tra DN

Nguyên Phương Thứ sáu, ngày 23/03/2018 10:30 AM (GMT+7)
VCCI đề nghị cân nhắc việc bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế bởi nếu cùng 1 cơ quan, cùng 1 bộ máy vừa thực hiện thu thuế, vừa thực hiện thanh tra rồi lại thực hiện hoạt động điều tra thuế có thể làm giảm tính khách quan của hoạt động điều tra tố tụng, giảm tính minh bạch của hoạt động quản lý thuế.
Bình luận 0

img

VCCI lo ngại việc bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế sẽ làm giảm tính minh bạch, khách quan của hoạt động quản lý thuế (Ảnh minh họa)

Trao thẩm quyền khởi tố, điều tra cho cơ quan thuế?

Trong dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung chính sách về điều tra thuế theo hướng bổ sung quy định thẩm quyền của cơ quan thuế, công chức thuế trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống và ngăn chặn vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế.

Theo đó, khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về thuế đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan thuế, công chức thuế có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật về tổ chức điều tra hình sự.

Theo Bộ Tài chính, ở nước ta, cơ quan thuế do chưa được giao quyền điều tra các hành vi tội phạm về thuế nên toàn bộ các vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự đều chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để điều tra, khởi tố vụ án.

Tuy nhiên, tỷ lệ các vụ xử lý được còn thấp do hành vi vi phạm pháp luật về thuế phức tạp đa dạng, diễn ra trên phạm vi rộng, có liên quan đến chứng từ, sổ sách, kế toán, thanh toán.

Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, cơ quan công an do hạn chế về lực lượng, không chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ thuế nên quá trình điều tra, trưng cầu giám định thường bị chậm trễ, dẫn đến truy thu tiền thuế trốn, tiền thuế chiếm đoạt không kịp thời.

Theo số liệu thống kê, ngành Thuế đã chuyển sang cơ quan công an trong năm 2017 là 2.553 vụ. Song cơ quan công an xử lý hình sự 3 vụ, khởi tố 2 bị can có dấu hiệu vi phạm về thuế, trốn thuế chuyển lại cơ quan thuế xử lý hành chính 112 vụ.

Lo cơ quan thuế “vừa đá bóng vừa thổi còi”

Trước đề xuất của Bộ Tài chính, nhiều Bộ, ngành đã đưa ra ý kiến đóng góp của mình. Đầu tiên, Bộ Tư pháp cho rằng cần phải có đánh giá tác động về tính chuyên nghiệp, chuyên sâu của công chức thuế trong hoạt động tố tụng và làm rõ phạm vi hoạt động điều tra thuế.

“Trong trường hợp bổ sung thẩm quyền của của cơ quan thuế, công chức thuế trong việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì chính sách này tác động đến hệ thống pháp luật (đặc biệt là tố tụng hình sự) như thế nào cũng cần được đánh giá cụ thể”, Bộ Tư pháp nêu ý kiến.

img

Nhiều Bộ, ngành lo cơ quan thuế "vừa đá bóng vừa thổi còi"

Còn Bộ Thông tin & Truyền thông đề nghị không bổ sung chức năng Điều tra thuế vào Luật quản lý thuế sửa đổi vì hiện nay chức năng điều tra theo quy định hiện hành không thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý thuế. Trong một số trường hợp thì cơ quan quản lý thuế cũng là đối tượng điều tra thuế, vì vậy việc điều tra thuế nên để một cơ quan độc lập với cơ quan quản lý thuế thực hiện để đảm bảo tính minh bạch và đúng với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý.

Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lo ngại tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. VCCI đề nghị cân nhắc việc bổ sung chức năng điều tra vì nếu bổ sung thêm chức năng cho Cơ quan thuế - chức năng điều tra thuế, thì cùng 1 cơ quan, cùng 1 bộ máy vừa thực hiện thu thuế, vừa thực hiện thanh tra rồi lại thực hiện hoạt động điều tra thuế. Việc này sẽ có thể làm giảm tính khách quan của hoạt động điều tra tố tụng, giảm tính minh bạch của hoạt động quản lý thuế.

Cuối cùng, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị làm rõ về tính phù hợp với Luật Tố tụng hình sự và Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

Tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, Bộ Tài chính cho biết: “Việc điều tra quy định bổ sung trong Luật Quản lý thuế bản chất là công tác điều tra ban đầu, không chồng chéo với công tác điều tra chuyên sâu của các cơ quan chức năng khác.

Quy định này tốt cho toàn hệ thống quản lý nhà nước Việt Nam, tăng cường sự phối kết hợp với các ban ngành có liên quan, tiết kiệm nguồn nhân lực cho hệ thống điều tra hiện hành và đảm bảo tránh phiền hà cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem