Lò gạch chồng... lò gạch
Trước đây, bãi bồi ven sông Hồng thuộc địa bàn xã Hòa Hậu chi chít lò gạch thủ công, ngày ngày ngùn ngụt phả khói, phá hoại sức khỏe, rau màu và vật nuôi của bà con nông dân các xóm 18, 19, 20, 22. Năm 2009, theo quy định của Nhà nước, những lò gạch kiểu này không còn nữa, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo thay hàng loạt lò gạch kiểu mới. Đến nay tại xã Hòa Hậu, ngoài 2 dự án gạch tuynen Hòa Hậu 1, Hòa Hậu 2 với diện tích gần chục ha đã đi vào hoạt động, vừa qua UBND tỉnh Hà Nam lại "mạnh tay" phê duyệt cho xây dựng thêm một dự án gạch tuynen Sông Hồng với quy mô gần 3ha, công suất hàng vạn viên/ngày.
|
Nhà máy Gạch tuynen Sông Hồng chỉ cách nhà dân gần 200m. |
Do việc tính toán "tận dụng" quỹ đất công ích của địa phương nên Dự án gạch tuynen Sông Hồng chỉ cách khu dân cư gần 200m. Do đó, tỉnh Hà Nam đầu tư từ năm 2008, nhưng dự án này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của người dân và "đắp chiếu" cho đến nay. Chính quyền mới đây đã ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất để tái khởi động dự án này.
Theo quan sát của phóng viên, chỉ trên đoạn đường chưa đầy 1,4km (từ xóm 18 đến xóm 22), người dân xã Hòa Hậu phải "gánh" tới 4 lò gạch tuynen công suất lớn (trong đó có 1 lò gạch trên địa bàn tỉnh Nam Định), hoạt động suốt ngày đêm...
Hậu họa khôn lường!
Khi biết phóng viên có mặt, người dân xã Hòa Hậu tập trung rất đông. Ông Trần Văn Sơn ở thôn 7, dẫn chúng tôi đến thôn nào (nhất là thôn cạnh lò gạch) cũng thấy cảnh bà con lo chống khói, bụi, còn cây trồng bị khói đốt lá, thui nõn, làm quả điếc. Ông Sơn đưa cho chúng tôi danh sách 6 người dân trong xã vừa chết vì ung thư chỉ trong vòng chưa đầy 50 ngày.
Ông nói: "Con số 6 người là chưa bao gồm những người đang chờ chết vì căn bệnh quái ác này. Thôi thì 2 cái lò gạch Nhân Hòa hoạt động cũng là sự đã rồi, dân chúng tôi chấp nhận. Giờ chính quyền "ấn" thêm cái lò tuynen Sông Hồng vào đây nữa thì chúng tôi biết sống thế nào?".
Các ông Trần Trọng Liệu ở xóm 20, ông Trần Hữu Phúc - Trưởng ban kiến thiết đình làng, bà Trần Thị Sửu (xóm 18) và rất nhiều người dân khác đều ra sức bày tỏ sự phản đối dự án này.
Trước và sau khi UBND huyện thực hiện cưỡng chế thu hồi đất cho dự án, mọi ý kiến, kiến nghị của dân đến các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam đều rơi vào im lặng.
Trong lúc chúng tôi gặp ông Trần Năng Lượng - Trưởng xóm 18 thì có một cuộc điện thoại của ai đó, ông tái mặt và bỏ đi. Người dân cho biết, đến thời điểm này, ông Lượng gần như là trưởng thôn, xóm cuối cùng của xã dám tiếp xúc, trả lời báo chí, bởi trước đó một trưởng thôn đã trả lời báo chí: "Hãy xây lò gạch ra sát sông Hồng cho chúng tôi ít không khí để thở" liền bị cấp trên “đe”.
Được biết, trước và sau khi UBND huyện thực hiện cưỡng chế thu hồi đất cho dự án, mọi ý kiến, kiến nghị của dân đến các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam đều rơi vào im lặng. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Xe - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân cho biết, khi nhà máy chưa đi vào hoạt động thì chưa thể nói ảnh hưởng đến môi trường. Nếu hoạt động gây ô nhiễm sẽ phải có biện pháp xử lý(!).
Mạnh Thắng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.