20 – 30 điểm thu gom gáo dừa ở các chợ do Hiền tổ chức; lúc đầu, các tiểu thương nhìn cô gái mảnh mai này cười nói dáng vẻ tiểu thư này sao lại muốn thu gom gáo dừa? Mỗi chợ có 3 – 4 điểm thu gom, dần dần ai nấy hiểu cô gái này muốn gì. Các “nhà cung cấp” gáo dừa nhận được của Hiền từ 100.000 – 150.000 đồng/ngày, và thay vì vứt bỏ ở đâu đó cho xong, họ gom gáo dừa từng bỏ đi để làm ra than không khói.
Lê Thị Hiền, người đạt giải quán quân cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp năm 2017. Ảnh: HL
Hiền cũng không ngờ cuộc dấn thân với gáo dừa khiến cho cô biến thành lọ lem từ hồi nào. Mãi tới khi những người nhận hàng ở Lazada cười lên, thì cô mới biết mình đã mang gương mặt bám tro bụi từ lò đốt ở Tây Ninh về tới Sài thành.
Trong suy nghĩ của Hiền, mỗi tháng ngành chế biến dừa tại Bến Tre thải ra 9.000 tấn gáo dừa, nguồn nguyên liệu mơ cũng không thấy, nhưng không phải hô biến là mọi thứ sẽ đến bên Hiền. Trà Vinh, Bến Tre đều có những công ty sản xuất than hoạt tính, cũng là than không khói và nhiều sản phẩm khác từ gáo dừa, nhưng hầu hết đều xuất khẩu. Than khử mùi, lọc nước… được đóng nhãn mác khác trở lại Việt Nam với giá không hề rẻ. Hiền chú ý tới nhu cầu của các nhà hàng ở TP.HCM, tìm tới giới thiệu hàng và xác định 229 điểm có nhu cầu 1.030 tấn/tháng. Các gia đình thích dùng than (100 tấn) và 80 tấn cho sản phụ khi bắc được nhịp cầu tới các shop Mẹ & Bé, Con Cưng… cùng 16 chuỗi nhà hàng lớn tại TP.HCM; bên cạnh kênh phân phối online, chợ truyền thống, chuỗi cửa hàng…cho Hiền thêm kinh nghiệm để mở mũi ra Đà Nẵng.
“Khách hàng vừa đặt 50 tấn/ngày”, Hiền nói: “Hôm Hiền dự thi chung kết cuộc thi Khởi nghiệp tại hội trường Thống Nhất (dinh Độc Lập), một khách hàng khác hỏi mua tro. Như vậy, quy trình của Hiền sẽ không để lại vướng bận nào cho người dùng khi Hiền bán than và mua lại tro (hệ thống Horeca)”.
Hành trình khởi nghiệp của Hiền có vẻ bằng phẳng bắt đầu đòi hỏi, và Hiền đã dốc hết vốn vào đó (khoảng 500 triệu đồng) khoản tiền dành dụm bấy lâu nay. Kế hoạch tài chính sáu tháng của Hiền là đầu tư hoàn thiện nhà xưởng, mua thêm thiết bị để nâng sản lượng khớp với đặt hàng. Hiện nay năng lực sản xuất khoảng 350 – 400kg/giờ, sẽ chẳng là gì khi nhu cầu đang gia tăng.
Giữa thế giới tân kỳ, chỉ cần bật cái cạch là lửa khè trên bếp, vậy mà Hiền vẫn tìm được chỗ ngồi cho bếp than. “Có thể tiết kiệm chi phí chất đốt 25% so các loại chất đốt khác và đặc biệt than không khói, không mất thời gian đốt lò, không bị nổ và bắn tia”, Hiền tự tin khi nói rằng so với than củi ở TP.HCM khoảng 15.000 đồng/kg, bất tiện khi lò nướng lộ thiên bên đường, khói “mịt mù san dã” mang theo nhiều thứ bất ổn cho môi trường, thực phẩm kém tinh tươm; thì than không khói (giá 79.000 đồng/4kg), thời gian mồi 5 – 10 phút, an toàn hơn, sạch sẽ hơn sẽ là cách hỗ trợ cho người dùng giải quyết được nhiều vấn đề phiền toái lâu nay. “Đây chỉ là khởi đầu trong cuộc hành trình của Hiền. Combo gồm bếp + than không khói sẽ đưa ra thị trường trong dịp tết tới, giá 850.000 đồng/bếp”, Hiền cho biết. Hiện nay, lợi nhuận sau thuế so vốn đầu tư trung bình 3,6%/tháng cho mặt hàng than không khói, giúp Hiền tự tin hơn khi nói về tương lai.
Thực sự khởi nghiệp kinh doanh cách đây bốn năm, nếm thất bại đủ để tỉnh hồn trước khi xây dựng công ty cổ phần R2D Technology Science. Hiền từng có bài học xương máu từ dự án trồng sắn (tự tạo phụ gia kết dính than) và những cơ hội “đường mật” không bao giờ có của những nhà đầu tư họ “Hứa”, trong giai đoạn đầu khởi nghiệp.
Đến ngày 28.10, dự án sản xuất “Than không khói” đạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp do BSA tổ chức, tự Hiền thấy sự hứa hẹn rất cụ thể từ món tiền thưởng 50 triệu đồng. Công nghệ và thiết bị vẫn là bài toán “gắt củ kiệu” đối với Hiền, nhưng cô thấy vui khi ý tưởng của mình lấp đầy được khoảng trống trong dòng chảy của dừa từ các tỉnh về thành phố, là rác rến khó chịu thì dù không phải là người đầu tiên làm than không khói ở Việt Nam, nhưng Hiền thấy vui khi biết mình là người đầu tiên tích cực xây dựng chiến lược thương hiệu từ tro than.
Hoàng Lan (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.