Lộ mánh “ăn” ụ nổi, chia tiền lại quả

Thứ sáu, ngày 13/12/2013 10:41 AM (GMT+7)
Hôm qua (12.12), ngày đầu tiên xét xử đại án tham nhũng tại Tổng Công ty Hàng hải VN (Vinalines), Hội đồng xét xử đã thẩm vấn cả 10 bị cáo để bước đầu làm rõ 4 nhóm hành vi sai phạm.
Bình luận 0
Lập khống hợp đồng liên doanh

Cuối giờ chiều ngày xét xử hôm qua, HĐXX đã tiến hành thẩm vấn bị cáo Trần Hải Sơn (SN 1960, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines) về hành vi nhận khoản tiền hơn 28 tỷ đồng “lại quả” của đối tác. “Tháng 3.2008, ông Goh Hoon Seow – Giám đốc Công ty AP (Singapore) nói với bị cáo chuẩn bị nhận tiền “lại quả” vụ mua ụ nổi, ông ấy đã thống nhất với ông Dương Chí Dũng- nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines và Mai Văn Phúc- nguyên Tổng Giám đốc Vinalines rồi. Tôi lên phòng làm việc của Dũng và Phúc hỏi lại cả hai người đồng ý”- bị cáo Sơn khai.

Bị cáo Mai Văn Phúc tại phiên tòa sáng nay (13.12).
Bị cáo Mai Văn Phúc tại phiên tòa sáng nay (13.12).

Đến giờ này Nhà nước và Vinalines chịu thiệt hại gần 367 tỷ đồng từ việc mua ụ nổi 83M, tôi thấy mình có trách nhiệm, việc bị khởi tố là có căn cứ.
Bị cáo Mai Văn Phúc

Để hợp thức hóa nhận khoản tiền lớn từ nước ngoài chuyển về, Trần Hải Sơn và ông Goh đã thống nhất lập hợp đồng liên doanh khống giữa Công ty AP và Công ty Phú Hà (Trần Thị Hải Hà em gái Sơn làm Giám đốc). Sau khi trừ các khoản thanh toán, làm thủ tục ngân hàng thì số tiền nhận được là hơn 1,66 triệu USD, tương đương hơn 28 tỷ đồng. Bị cáo Sơn tiếp tục trả lời rành rọt những câu hỏi của HĐXX một cách cụ thể về việc nhận và chia khoản tiền. “Theo chỉ đạo của Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, bị cáo đã chia theo tỷ lệ và chuyển cho anh Dũng 10 tỷ đồng, đưa thành 2 lần mỗi lần 5 tỷ đồng; đưa Phúc 10 tỷ đồng, chia làm 3 lần (trong đó 2 lần 2,5 tỷ đồng, 1 lần 5 tỷ đồng); Trần Hữu Chiều 340 triệu; Trần Thị Hải Hà là em gái bị cáo 2 tỷ đồng để trả công mượn tài khoản nhận tiền. Số còn lại hơn 5,8 tỷ đồng bị cáo sử dụng” – Trần Hải Sơn thành khẩn. Về lý do tại sao Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc chọn Sơn là đối tượng nhận tiền, Sơn thành thật khai nhận: Ngoài việc được lãnh đạo tin tưởng thì đơn vị của Sơn sẽ được sử dụng ụ nổi sau khi đưa về Việt Nam.

Về lời khai của bị cáo Sơn tại phiên tòa, Dương Chí Dũng chối đây đẩy: “Lời khai của Sơn không có chỗ nào đúng”. Theo bị cáo Dũng, Sơn chưa từng đưa tiền cho bị cáo. Dương Chí Dũng cho biết, từ khi làm lãnh đạo ở Vinalines, Sơn chỉ thường đến nhà bị cáo ở Hải Phòng vào những dịp tết tặng quà. “Có khi thì một chai rượu, một cái phong bì vài triệu bạc” - bị cáo Dũng nói.

“Đâm lao phải theo lao”?


Một trong những điểm mấu chốt trong sai phạm của Vinalinse là việc đầu tư tổ chức đấu thầu, khảo sát, ký hợp đồng mua ụ nổi 83M. Hành vi sai phạm này liên quan đến Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều, Mai Văn Khang và Lê Văn Dương.

Bị cáo Dương Chí Dũng cùng các đồng  phạm trước tòa.
Bị cáo Dương Chí Dũng cùng các đồng phạm trước tòa.

Lấy tiền của vợ mua nhà cho “bồ nhí”?
Về việc mua 2 căn hộ ở tòa nhà Sky City ở phố Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội và căn hộ ở tòa nhà Pacific trên phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho “bồ nhí” là bà P, bị cáo Dương Chí Dũng cho rằng số tiền mua 2căn hộ này là Dũng lấy của vợ. Và vợ Dương Chí Dũng hoàn toàn không biết việc Dũng lấy tiền để mua nhà cho “bồ”. Dũng nói rằng, mình mua 2 căn hộ - một để cho P ở, một để kinh doanh.

Với tư cách là nguyên Chủ tịch HĐQT của Vinalines, Dương Chí Dũng cho rằng đến năm 2012 bị cáo mới nhìn thấy ụ nổi (mua về từ 2008). Với thực trạng hỏng hóc của ụ nổi, HĐQT Vinalines tiếp tục điều chỉnh mức đầu tư từ 19,5 triệu USD lên 26 triệu USD. “Ban Giám đốc đã đặt HĐQT vào thế đâm lao phải theo lao” – bị cáo Dũng trần tình. Khi bị thẩm vấn về mối quan hệ cá nhân với ông Goh – Giám đốc Công ty AP, bị cáo Dũng khai có quan hệ thân thiết với ông này từ năm 2000, vì 2 con gái đang học bên Singapore. “Tôi không biết công ty ông này làm gì. Có lần gặp gỡ tại khách sạn do lãnh đạo Vinalines tổ chức, tôi biết Công ty AP bán ụ nổi. Ông Goh có bắt tay tôi và nói nhờ ủng hộ, tôi trả lời “ok” theo kiểu xã giao. Sau đó không gặp ông Goh và cũng không hề bàn gì với Công ty AP” – bị cáo Dũng nói.

Bị cáo Dũng cho rằng ụ nổi 83 M là thiết bị sửa chữa của nhà máy, không phải là tàu nên không giới hạn độ tuổi. “Không ai nghĩ hậu quả lại lớn như vậy, để xảy ra sai phạm tôi rất buồn và ân hận. Trách nhiệm của tôi là không nắm bắt sâu sát, không kiểm tra nên mới phải đứng trước vành móng ngựa. Còn kết luận tội thế nào thì do cơ quan tố tụng” – bị cáo Dũng phân trần. Còn Mai Văn Phúc thì cho rằng, mình mới về nhận công tác nên mua ụ nổi 83M là hoàn toàn dựa vào các bộ phận tham mưu. “Đi khảo giá nhiều nhưng chúng tôi thấy chỉ có ụ nổi 83M đáp ứng nhu cầu của Tổng công ty. Đoàn đi khảo sát về báo cáo phía Công ty Nakhodka –Liên bang Nga chủ của ụ nổi 83M từ chối đàm phán trực tiếp mà phải qua Công ty AP” – bị cáo Phúc khai. Một lý do mua ụ nổi theo bị cáo Phúc là vì nó vẫn đang chạy và bị thúc tiến độ.

Các bị cáo Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn, Mai Văn Khang và Lê Văn Dương là những người có liên quan đến việc mua ụ nổi khi bị thẩm vấn đều chối bỏ trách nhiệm. 3 bị cáo Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện và Lê Văn Lừng (nguyên là cán bộ Hải quan Vân Phong) cho rằng việc làm thủ tục thông quan nhập khẩu ụ nổi 83M là đúng quy định.

Lương Kết (Lương Kết)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem