Lo mất thương hiệu Sabeco, Habeco khi bán vốn?

Thanh Xuân Thứ ba, ngày 20/09/2016 07:00 AM (GMT+7)
Ông Đặng Quyết Tiến – Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết khi cổ phần hóa Sabeco, Habeco, muốn giữ thương hiệu Việt có thể sử dụng “cổ phần vàng”.
Bình luận 0

Ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, nếu thoái vốn thì phải đấu giá cổ phần công khai và không phân biệt nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cho dù chỉ quy định nhà đầu tư trong nước mới được mua thì chẳng ai chắc chắn nhà đầu tư mua được cổ phần sau một vài năm có bán cổ phần đó cho nước ngoài hay không.

Do đó, “rào cản kỹ thuật” mà ở một số nước cổ phần hóa vẫn giữ được thương hiệu mang đậm bản sắc văn hóa của nước họ chính là sử dụng “cổ phần vàng”.  

Giải thích về “cổ phần vàng”, ông Tiến cho biết, theo Luật doanh nghiệp 2014 cho phép, khi thay đổi thương hiệu phải có biểu quyết “cổ phần vàng”. Cổ phần vàng thậm chí không cần giữ một cổ phần nào mà chỉ cần giữ cổ phần mang giá trị thương hiệu của công ty. “Trong Luật doanh nghiệp 2014 quy định điều lệ là tuyên ngôn của doanh nghiệp, việc giữ thương hiệu có thể đưa vào quy định của doanh nghiệp. Tức là ngay từ điều lệ của doanh nghiệp có thể cho phép người chủ doanh nghiệp hoặc người sáng lập giữ cổ phiếu đặc biệt hoặc có thể nắm giữ một số cổ phần quan trọng, không cần giữ tới 36% cổ phần để đủ quyền biểu quyết”, ông Tiến nói.

img

Cổ phần hóa Sabeco, Habeco, muốn giữ lại thương hiệu Việt có thể sử dụng “cổ phần vàng”.

Theo ông Tiến, đối với một số ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ sẽ tiến hành thoái vốn nhưng nếu muốn giữ thương hiệu mang bản sắc Việt như Habeco, Sabeco có thể sử dụng quy định này và đưa vào điều lệ như một “châm ngôn”.

“Vừa qua, tôi có sang một số doanh nghiệp ở Nhật Bản, thấy có những người chỉ làm nhiệm vụ tiếp khách, không quyết định gì các chính sách của công ty nhưng lại là con trai của người sáng lập công ty nên vẫn có vị trí trong ủy viên Hội đồng quản trị. Những người này hoàn toàn không can thiệp doanh nghiệp, tỉ lệ cổ phần không lớn nhưng vẫn có vị trí quan trọng trong doanh nghiệp đó do điều lệ của doanh nghiệp ngay từ đầu đã quy định”, ông Tiến cho biết.

Với “gợi ý” của ông Tiến, việc muốn giữ lại thương hiệu Sabeco và Habeco khi tiến hành bán cổ phần hoàn toàn không hề khó.

Ở nước ta, thực tế cho thấy đã có nhiều thương hiệu Việt bị “thâu tóm” bởi các nhà đầu tư ngoại. Trên thị trường bia, Huda Beer từng gắn bó với  người tiêu dùng miền Trung và nam Trung bộ nhưng cuối cùng cũng rời chủ sở hữu là UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, về với Hãng bia Carlsberg (Đan Mạch). Hay trường hợp một thương hiệu Việt khác cũng đã bị thâu tóm là P/S, trước đây từng chiếm tới 60% thị phần trên cả nước cũng đã về tay Unilever. Hay thương hiệu Dạ Lan từng chiếm đến gần 70% thị phần cả nước và từng đánh bật kem đánh răng Trung Quốc ra khỏi thị trường Việt Nam cũng bị Colgate – Palmolive thâu tóm…

Câu chuyện điển hình mới đây nhất là thương vụ Highlands Coffee mua 100% cổ phần của Phở 24 rồi bán lại 50% tổng cổ phần đó cho Jollibee (Philippines). Hay như thương hiệu Bibica của Công ty CP Bánh kẹo Bibica cuối cùng cũng bị Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) “thâu tóm” với số cổ phần nắm giữ lên tới hơn 38%...

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, hàng loạt các thương hiệu Việt trong thời kỳ hội nhập sẽ có nguy cơ về tay các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu nhà đầu tư nước ngoài đã “thâu tóm”, họ muốn đổi tên thành thương hiệu khác thì đó cũng là quyền của họ nên muốn giữ được các thương hiệu mang đậm bản sắc Việt cần thực hiện đúng theo quy định của Luật là phải đưa vào điều lệ công ty “Cổ phần vàng”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem