Lo ngại khả năng hiện thực hoá

Thứ sáu, ngày 04/06/2010 07:25 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc di chuyển trung tâm hành chính cách trung tâm Thủ đô hàng chục km sẽ phát sinh nhiều bất cập. Đó là ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội trong buổi thảo luận tổ chiều 3-6 về quy hoạch Thủ đô Hà Nội.
Bình luận 0
img
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn phát biểu tại buổi thảo luận chiều 3-6.

Gắn kết mới là xu hướng chủ đạo

GS. Nguyễn Minh Thuyết (đại biểu Lạng Sơn) phát biểu, hiện nay thế giới cũng có xu hướng tách rời trung tâm hành chính ra khỏi trung tâm chính trị nhưng xu hướng đó là thiểu số, xu hướng gắn kết hai trung tâm này lại với nhau vẫn là chủ đạo.

"Tôi không tin vào ý tưởng tách trung tâm hành chính lên Ba Vì. Nếu 2 trung tâm cách xa nhau thì liên hệ làm việc như thế nào? Không thể lúc nào cũng làm việc qua Internet, qua cầu truyền hình được. 1.000 năm qua đã chứng minh rằng, ông cha ta rất đúng khi chọn nơi này. Biết bao nhiêu giặc mạnh đã đến đây đều phải ra đi" - GS. Thuyết nói.

Về ý tưởng chuyển trung tâm hành chính quốc gia, ông Trần Đình Long - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đặt giả thuyết: "Có phải đây là ý tưởng của những người đã mua đất quây tường bao trên Ba Vì? Cứ làm cho giá đất lên để kiếm lợi...”.

Dưới góc độ là một nhà quân sự, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn lo lắng, khi dời cơ quan Chính phủ lên Ba Vì sẽ phải lập phương án phòng vệ mới. Các nhà thiết kế nước ngoài rất có thể đã không tính đến các phương án quân sự này.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hiện nay, trụ sở của nhiều bộ, ngành như Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao… đã, đang được xây dựng. Nếu vài chục năm nữa phải di chuyển cũng không hợp lý.

Tham gia buổi họp tổ, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nêu quan điểm cá nhân là không đồng ý với việc xây dựng Trục Thăng Long và Trung tâm hành chính ở Ba Vì.

Cần xem xét lại quy hoạch

Những từ "lãng mạn", "hoành tráng", "như mơ"… xuất hiện nhiều trong các phần phát biểu chiều 3-6. Có lẽ, vì "choáng ngợp" nên các ĐB lo lắng đến khả năng hiện thực hoá của bản quy hoạch.

Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho rằng, bản đồ án rất đẹp nhưng chưa nêu cụ thể các giải pháp giải quyết được vấn đề trước mắt như giao thông, môi trường, úng ngập… Bản đồ án cũng chưa có quy định cụ thể về thời gian thực hiện cho hạ tầng.

img Tính sơ sơ, đường sắt cao tốc là 56 tỷ USD và quy hoạch thủ đô 90 tỷ USD thì không biết nguồn ở đâu. Trong kỳ này quyết định quá nhiều việc lớn, nên cần hết sức thận trọng xem xét kẻo sau này lịch sử sẽ phán xét chúng ta... img

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng)

Bà Loan lo ngại, khoản kinh phí 90 tỷ USD sẽ được huy động như thế nào? Khi triển khai quy hoạch liệu năng lực thực hiện của các cơ quan chức năng có thể quán xuyến để bản quy hoạch được thực hiện một cách nghiêm túc hay không?

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết lo lắng, Hà Nội đã qua 6 lần quy hoạch nhưng vẫn chưa thay đổi nhiều. Ông đề nghị Chính phủ tổng hợp đánh giá sâu sắc 6 lần quy hoạch Hà Nội trước đây.

Đại biểu Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) cũng lo lắng tính khả thi của bản quy hoạch khi đặt ra tham vọng bảo vệ nền văn hiến nghìn năm của Thăng Long và duy trì các vùng nông thôn, làng nghề. "Bản sắc văn hoá phải được giữ gìn thế nào? Làng nghề của Thăng Long, đặc biệt là của Hà Tây (cũ) rất quan trọng. Rất mong muốn Bộ Xây dựng và các bộ, ngành nghiên cứu thật kỹ về tất cả các lĩnh vực để xây dựng đồ án đẹp hơn, rõ ràng hơn" - ông Hiền nói.

Trước các lo ngại này, nhiều đại biểu đã đề nghị cần phải xem xét lại bản quy hoạch, thậm chí lùi lại thời gian thông qua.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem