Nỗi trăn trở nghề muối
Thụy Hải là xã duy nhất của huyện Thái Thụy (Thái Bình) làm nghề muối - nghề truyền thống và cũng là nghề chính của bà con nơi đây. Song những năm gần đây diêm dân phải đối mặt với bao khó khăn, nhọc nhằn.
Ông Nguyễn Công Nhần – Chủ tịch xã Thụy Hải cho biết: “Xã luôn vận động, tuyên truyền diêm dân hoạt động để nghề muối luôn đạt danh hiệu làng nghề. Đặc biệt có chính sách học tập, bồi dưỡng, có sự quan tâm nhất định để diêm dân phấn đấu sản xuất. Nhưng do thời tiết ngày càng khắc nghiệt, thu nhập từ muối của diêm dân thấp nên hầu hết bà con bỏ nghề”.
|
Sân phơi muối ở Thụy Hải (Thái Thụy, Thái Bình) bị bỏ hoang. |
Cũng theo ông Nhần, hiện toàn xã có hơn 400 hộ làm nghề muối, với tổng diện tích 60ha, bình quân đạt 3.000 tấn/năm. Những năm gần đây thu nhập từ muối không đạt thành phẩm do hầu hết bà con chuyển nghề. Hơn nữa, hệ thống làm muối ở Thuỵ Hải vẫn là làm thủ công nên sản lượng và thu nhập không cao mà đầu tư trang thiết bị lại đắt đỏ.
Bà Lê Thị Thi ở thôn Đại Đồng, Thụy Hải (Thái Thụy, Thái Bình) chia sẻ: “Những ngày hè nắng nóng nhất, một diêm dân làm việc cật lực cũng chỉ thu hoạch được 60 - 80kg muối, người già và trẻ em được 30kg. Trong khi đó, giá muối có lúc chỉ còn 500 đồng/kg mà không phải lúc nào cũng tiêu thụ thuận lợi nên thu nhập của diêm dân rất bấp bênh, bình quân chỉ đạt 1 triệu đồng/năm. Muối làm ra không tiêu thụ được nên diêm dân chúng tôi đang đứng trước nỗi lo thất nghiệp và nguy cơ phải bỏ nghề”.
Ông Tháp cho biết: “Gia đình tôi cũng tham gia sản xuất muối, mỗi năm thu được 10 tấn/5 sào. Với giá muối thành phẩm bán ra 1.000 đồng/kg, diêm dân rất khó sống được bằng nghề. Vì vậy, ngoài sản xuất muối, gia đình tôi cũng phải tranh thủ làm ruộng để có thêm thu nhập”.
Do đặc thù của vùng có độ mặn không cao nên khó khăn với diêm dân nơi đây là phải đầu tư lớn cường độ lao động, đặc biệt người dân phải tự tìm đầu mối tiêu thụ và chủ yếu bán ra cho các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, phần lớn là các huyện miền núi.
Vẫn phải giữ nghề
Ông Bùi Đình Tháp – Chủ nhiệm Hợp tác xã Thụy Hải nói: “Năm 2011 xã đã được Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư cấp kinh phí 75 triệu đồng vận động bà con sản xuất muối sạch, phòng quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đã triển khai công tác tuyên truyền vệ sinh môi trường đến với diêm dân. Tuy nhiên, người dân vẫn phải đối mặt với những khó khăn trước mắt do kinh phí hỗ trợ không cao, hàng năm diêm dân phải cải tạo ao phơi cát, đầu tư lớn cường độ lao động”.
Hy vọng thời gian tới Nhà nước có những chính sách hỗ trợ hơn nữa đối với người dân sản xuất muối, để diêm dân có thể đi lên từ nghề muối.
Ông Bùi Đình ThápÔng Tháp cho biết thêm: Hiện nay, tổng diện tích đồng muối của HTX là khoảng 40ha, nhưng chúng tôi đang lo diện tích này sẽ bị thu hẹp vì giá muối giảm liên tục, khiến đời sống của diêm dân gặp nhiều khó khăn. Trước đây, muối làm ra được Công ty Thực phẩm Thái Bình tiêu thụ, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển nên diêm dân còn muốn làm, bây giờ muối không đủ điều kiện mặn, không có đầu ra, nhiều người chỉ mong muốn được chuyển đổi nghề khác.
Mặc dù Nhà nước cũng đã có chính sách hỗ trợ cho diêm dân để cải tạo và đầu tư trang thiết bị cho việc sản xuất muối, nhưng hiện nay thị trường muối liên tục rớt giá làm cho đời sống của diêm dân bấp bênh, không ổn định, lao động làm nghề muối thiếu việc làm bởi tính mùa vụ. Bên cạnh đó, xã cũng đã tổ chức mở khóa đào tạo dạy nghề cho diêm dân về cách làm muối sạch, muối đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng hầu hết người dân đều bỏ dở.
Ngô Xuân - Đức Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.