“Lộ” nguyên nhân Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội tạm ngừng kinh doanh

Thái Nguyễn Thứ tư, ngày 29/11/2023 14:36 PM (GMT+7)
Mới đây, Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội - chủ đầu tư của dự án chung cư Hanoi Time Tower chậm tiến độ hơn thập kỷ đã tuyên bố tạm ngừng kinh doanh 1 năm. Nguyên nhân chính là do công ty không có kinh phí hoạt động.
Bình luận 0

Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội không có doanh thu từ năm 2022

Theo giải trình mới đây về việc cổ phiếu bị hạn chế giao dịch, Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội (mã chứng khoán: PVR) thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh từ 15/11 đến ngày 14/11/2024. Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội đã nhận được giấy xác nhận từ Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội cấp về việc doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh 1 năm. Lý do để doanh nghiệp sắp xếp lại nhân sự và tìm hướng kinh doanh mới.

Ngày 31/10, HĐQT Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội đã ra quyết định về việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh, trong đó nêu ra việc bị phong tỏa tài khoản tại các ngân hàng theo quyết định của tòa án và năm 2023 doanh nghiệp không có kinh phí để duy trì hoạt động. Dự kiến năm 2024, doanh nghiệp vẫn chưa có kinh phí hoạt động. Việc tạm ngừng là thời gian để công ty xem xét tìm kiếm giải pháp, phương hướng để công ty có tài chính hoạt động trở lại.

Trong đó, báo cáo tài chính quý III/2023 của Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội cho thấy, doanh nghiệp này không có hoạt động kinh doanh khi mà mục doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ "để trắng".

“Lộ” nguyên nhân Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội tạm ngừng kinh doanh  - Ảnh 1.

Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội "trắng" doanh thu từ năm 2022

Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội tiền thân là Công ty CP dầu khí Tản Viên thành lập 2006, với các cổ đông sáng lập là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam, Công ty CP Bảo hiểm dầu khí Việt Nam, Công ty tài chính CP Dầu khí Việt Nam, Công ty CP kỹ thuật dịch vụ Dầu khí, GPBank.

Khi mới thành lập, Dầu khí Tản Viên có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, chuyên kinh doanh bất động sản, mục tiêu chính là phát triển dự án Hồ Suối Hai, Tản Viên, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) thành một khu du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế. Trải qua nhiều thăng trầm hoạt động, đến năm 2018, công ty chính thức sử dụng tên Đầu tư PVR Hà Nội.

Tuy nhiên, qua nhiều biến động ở mặt thượng tầng, đến ngày 30/09/2023, vốn điều lệ của Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội là 531 tỷ đồng với cơ cấu cổ đông gồm 7 cổ đông lớn (3 cá nhân và 4 tổ chức) nắm 58,85% vốn. Trong đó, bà Trần Thị Thắm hiện là cổ đông lớn nhất nắm 12,48 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 23,51% vốn). Còn Chủ tịch HĐQT của công ty là ông Bùi Văn Phú chỉ nắm hơn 2,7 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,11% vốn). Giá cổ phiếu của công ty chỉ 1.100 đồng/cổ và trước đó Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã ra thông báo hạn chế giao dịch.

“Lộ” nguyên nhân Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội tạm ngừng kinh doanh  - Ảnh 2.

Cơ cấu cổ đông của Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội

Trước đó, năm 2019, bà Trần Thị Thắm (cổ đông lớn nhất của công ty) là vợ ông Bùi Văn Phú, Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội hiện nay, đã bị Uỷ ban chứng khoán ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền 55 triệu đồng. Nguyên nhân do bà Thắm đã thực hiện mua 12,48 triệu cổ phiếu PVR nhưng không báo cáo với UBCK và HNX về việc dự kiến giao dịch trên. Sau giao dịch trên, bà Thắm trở thành cổ đông lớn nhất với việc nắm giữ 12,48 triệu cổ phiếu.

Tình hình kinh doanh của Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội không mấy khả quan, công ty không ghi nhận doanh thu xuyên suốt 2 năm qua, chủ yếu lợi nhuận đến từ mảng tài chính. Tuy nhiên từ quý II/2022, Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội liên tục thất thu từ lĩnh vực tài chính, khiến kết quả kinh doanh chung chìm trong thua lỗ. Phải tới quý II/2023, Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội có khoản 2 tỷ đồng hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh. Kết quả lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, công ty lãi ròng hơn 1,4 tỷ đồng.

Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội tạm dừng kinh doanh vì "chôn vốn" vào dự án "đóng băng" 

Mặc dù theo báo cáo tài chính quý III/2023 của Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội, tính đến ngày 30/09/2023, tổng tài sản của doanh nghiệp bất động sản này đạt gần 1.000 tỷ đồng nhưng vẫn phải tạm dừng hoạt động vì "hết tiền". Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hậu quả này là hầu hết tài sản của công ty đang "chôn vùi" vào các dự án hiện đã dừng thi công hoặc dừng hoạt động. Ngoài ra, tổng nợ của công ty lên tới hơn 515 tỷ đồng.

Trong đó, tài sản hàng tồn kho của Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội là gần 700 tỷ đồng, chiếm khoảng 2/3 tổng tài sản của công ty. Đây cũng là số tiền công ty đầu tư vào dự án chung cư Hanoi Time Tower chậm tiến độ hơn 1 thập kỷ và đang tạm ngừng thi công. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích hơn 7.000 m2, gồm 41 tầng, trong đó gồm 39 tầng nổi và 2 tầng hầm, với tổng diện tích sàn xây dựng gần 110.000 m2, địa điểm tại Lô CT10 - CT11 KĐT Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội.

Từ cuối năm 2010 đến năm 2012, Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội đã thực hiện các giao dịch liên quan đến Hanoi Time Tower với khách hàng thông qua 3 hợp đồng là:  mua bán căn hộ, góp vốn và thỏa thuận đặt cọc. 

“Lộ” nguyên nhân Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội tạm ngừng kinh doanh  - Ảnh 3.

Dự án chung cư Hanoi Time Tower đang ngừng thi công vô thời hạn (Ảnh: TN)

Theo hợp đồng góp vốn, chậm nhất đến cuối năm 2013, phía chủ đầu tư sẽ bàn giao nhà cho khách hàng. Theo hợp đồng mua bán thì chậm nhất đến cuối năm 2014, khách hàng sẽ được nhận bàn giao nhà. Tổng số căn hộ chủ đầu tư đã thực hiện giao dịch là 531/639 căn với số tiền huy động là hơn 240 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội đã không triển khai thi công thực hiện dự án theo đúng tiến độ dẫn đến việc dự án không hoàn thành để bàn giao nhà theo đúng thời hạn đã cam kết.

Cuối năm 2012, Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) mua 10 triệu cổ phiếu của PVR tương đương hơn 19% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn của. Những thông tin tích cực trên đã khiến khách hàng đồng ý gia hạn tiến độ công trình đến quý 4/2014.

Nhưng sau đó dự án Hanoi Time Tower tiếp tục ngừng triển khai, các cổ đông lớn (gồm cả Ocean Group) thoái hết vốn khỏi PVR. Dự án lại "đắp chiếu" thêm một lần nữa, khi công ty không thể thu xếp được nguồn vốn dể tiếp tục thi công.

Đến tháng 12/2015, PVR bất ngờ công bố tái khởi động dự án Hanoi Time Tower sau khi sau khi được tài trợ gói tín dụng 326 tỷ đồng và cam kết sẽ hoàn thành tòa A vào năm 2017 và hoàn thành tòa B vào năm 2018. Đặc biệt, trong lần trở lại này thành phần chủ đầu tư có sự góp mặt của CTCP MHD Hà Nội. Nhưng một lần nữa, dự án lại tiếp tục khiến khách hàng phải thất vọng. Đến nay, dự án mới xây dựng đến sàn tầng 9 và đã tạm dừng thi công.

Theo Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội, dự án chung cư Hanoi Time Tower vẫn đang tạm ngừng thi công để giải quyết để tập trung giải quyết và hoàn thiện toàn bộ pháp lý còn sai sót, vướng mắc của dự án trước đây không đúng với quy hoạch được duyệt, chưa được thẩm định duyệt PCCC.

Bên cạnh đó, công ty đang tiếp tục tiếp xúc với khách hàng đưa ra nhiều phương án tháo gỡ khó khăn và tiếp tục triển khai dự án. Tuy nhiên, khách hàng hầu hết không hợp tác và muốn rút vốn, thanh lý và muốn phạt vi phạm hợp đồng vì dự án chậm tiến độ quá lâu và rất khó để tiếp tục triển khai.

Bên cạnh đó, tại dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên, Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội cho biết ngày 20/07/2019, công ty nhận được văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội số 3753/KH&ĐT-NNS về việc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư xây dựng dự án này và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư dự án, nên công ty đã dừng mọi hoạt động liên quan đến dự án.

Ngoài ra, liên quan đến khoản đầu tư tại Công ty Cổ phần đầu tư Bình An tại dự án số 9 Trần Thánh Tông cũng chưa tìm được đối tác mua/chuyển nhượng lại số cổ phần công ty nắm giữ.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem